Những thanh âm 'lấp lánh' vào đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn Thành phố Hồ Chí Minh

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Thành phố Hồ Chí Minh được thầy và trò khen ngợi vì cách ra đề mới mẻ, phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh.

Đừng thờ ơ với thanh âm lấp lánh của cuộc sống. Minh họa: IT/image.

Đừng thờ ơ với thanh âm lấp lánh của cuộc sống. Minh họa: IT/image.

Ngày 14/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp Thành phố, trong đó có môn Ngữ văn được nhiều giáo viên và học sinh đánh giá cao.

Những thanh âm "lấp lánh" vào đề thi học sinh giỏi

Em biết chăng, vạn vật trên thế gian này đều có tiếng nói. Chúng ta đang sống trong thế giới của những thanh âm.

Có thanh âm vang vọng từ lịch sử dân tộc:

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về.

(Trích Đất Nước, Nguyễn Đình Thi)

Có thanh âm thánh thót từ thiên nhiên, đất trời:

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt sương long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải)

Có thanh âm thân thương nơi cuộc sống đời thường:

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

(Trích Tiếng Việt, Lưu Quang Vũ)

Câu 1. Chủ đề: Thanh âm "lấp lánh" gợi nhiều suy tư cho tuổi trẻ hôm nay: Thế nào là thanh âm "lấp lánh"? Ánh lấp lánh phát ra từ chính thanh âm hay từ cách ta cảm nhận và suy tư về thanh âm đó? Việc lắng nghe những thanh âm ấy đem lại ý nghĩa gì cho tuổi trẻ? Liệu tuổi trẻ ngày nay có đang bỏ lỡ bao thanh âm "lấp lánh"?

Bằng trải nghiệm của việc "lắng nghe" những thanh âm, em hãy viết bài văn để trả lời các câu hỏi trên.

Câu 2. Em hãy thực hiện một trong 2 đề bài sau:

1.Viết bài văn bản về những thanh âm lấp lánh trong các tác phẩm văn chương.

2.Viết bài văn trả lời cho câu hỏi phải chăng mỗi tác phẩm văn chương cũng là một thanh âm "lấp lánh"?.

Đề Ngữ văn mới mẻ, phù hợp tâm lí tuổi 15

Đề Ngữ văn này có câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học xuyên suốt một chủ đề - Những thanh âm "lấp lánh", giúp thí sinh giữ được mạch cảm xúc trong quá trình làm bài.

Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh nghị luận về thanh âm cuộc sống được gợi ra từ: thanh âm vang vọng từ lịch sử dân tộc; thanh âm thánh thót từ thiên nhiên, đất trời; thanh âm thân thương nơi cuộc sống đời thường, qua những dẫn chứng cụ thể là một trong những gợi mở để học sinh bàn về chủ đề Những thanh âm "lấp lánh".

Cùng với đó, đây là một câu hỏi mở, thí sinh trả lời bằng sự hiểu biết và trải nghiệm của mình về những thanh âm "lấp lánh". Cuộc sống có nhiều thanh âm "lấp lánh" nhưng tuổi trẻ lại thờ ơ, có thể do các em bị áp lực học tập, mải mê với mạng xã hội hay những trò tiêu khiển khác. Muốn cảm nhận được những âm thanh "lấp lánh" của cuộc sống thì tuổi trẻ cần biết sống chậm lại, lắng nghe, quan sát, suy ngẫm… sẻ chia.

Bên cạnh đó, câu nghị luận văn học, thí sinh được phép chọn một trong hai câu với độ khó như nhau, tạo sự công bằng chung. Đề yêu cầu suy nghĩ về thanh âm "lấp lánh" trong tác phẩm văn chương là nói đến giá trị của một tác phẩm văn học.

Đề không hỏi những vấn đề lí luận văn học hàn lâm. Thí sinh cần biết rằng, không phải tác phẩm văn học nào cũng mang thanh âm "lấp lánh". Muốn có tác phẩm "lấp lánh" đòi hỏi nhà văn phải "biết đào sâu biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có" (Nam Cao).

Hay, "Một tác phẩm thật có giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn" (Nam Cao).

Đây là một đề Ngữ văn hay, vừa phù hợp với kỳ thi chọn học sinh giỏi môn ngữ văn vừa phù hợp với tâm lý lứa tuổi 15.

Phan Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-thanh-am-lap-lanh-vao-de-thi-hoc-sinh-gioi-mon-ngu-van-thanh-pho-ho-chi-minh-179230314185211601.htm