Những thanh niên vùng biên dám nghĩ, dám làm
Với sức trẻ, giàu lòng nhiệt huyết và dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đổi mới và biết lấy thất bại để làm động lực vươn lên, thời gian qua, rất nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào xây dựng những mô hình kinh tế mới. Qua đó, họ không chỉ khẳng định bản thân mà còn minh chứng cho sức mạnh của tuổi trẻ trong xây dựng, phát triển kinh tế và không ít thanh niên vùng biên là điển hình.
Khởi nghiệp từ cá koi
Cá koi Nhật Bản được nhiều người ưa chuộng nuôi làm cảnh trong gia đình, quán xá và có giá trị không rẻ. Đây là loài cá khó nuôi, đòi hỏi kỹ thuật cao và rủi ro cũng rất lớn. Thế nhưng năm 2017, anh Trần Xuân Ngọc ở ấp Tân An, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp cùng với người bạn đã đầu tư 200 triệu đồng để mua 7 con cá koi giống Nhật Bản về nuôi.
Do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi nên chỉ sau một thời gian, 7 con cá giống chỉ còn lại 2 con. Với quyết tâm dám nghĩ, dám làm, anh Ngọc vay tiền mua thêm cá về nuôi tiếp. Trải qua nhiều lần thất bại, không nản lòng, anh tích lũy kiến thức, học được nhiều kinh nghiệm, từ đó các lứa cá con F1 lần lượt ra đời. Đến nay, quy mô trang trại cá koi của anh và người bạn đã mở rộng lên 6 ha. Có thời điểm sản lượng trang trại đạt 10 tấn với giá bán từ 300-500 ngàn đồng/kg, bình quân mỗi năm thu từ 200-300 triệu đồng.
Anh Ngọc chia sẻ: “Để có thành công thì phải dám nghĩ đến thất bại, chứ không phải làm là có ăn ngay. Dù thất bại, mình cũng phải đứng lên chứ không được gục ngã. Mình còn trẻ, ngã ở đâu thì đứng lên ở đó và tiếp tục làm từ quy mô nhỏ tới lớn”.
Từ đam mê đến quyết định triển khai thực hiện mô hình kinh tế cần kiên trì, nhẫn nại, tìm hiểu kỹ. Gặp khó mà buông bỏ thì làm bất cứ việc gì cũng sẽ thất bại. Qua nhiều lần thất bại đã rèn cho mình sự kiên trì, quyết tâm làm tới cùng. Bên cạnh đó, cũng phải đặt ra mục tiêu để tạo áp lực, bởi “không có áp lực sẽ không có kim cương”.
Anh Trần Xuân Ngọc, ấp Tân An, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp
29 tuổi nhưng anh Ngọc nhìn chững chạc và trưởng thành rất nhiều so với tuổi. Bởi trong quá trình mưu sinh, anh đã trải qua nhiều nghề như: thợ sửa điện, nước; mở quán cà phê; nuôi cá lóc, rắn bông súng; làm thuê ở Campuchia… Trước khi bén duyên với mô hình nuôi cá koi, anh cũng đã trải qua nhiều lần thất bại. Từ đó, anh rút ra được nhiều bài học quý cho bản thân. Hiện anh là người duy nhất trên địa bàn tỉnh nuôi cá koi với quy mô lớn, phục vụ nhu cầu người chơi cá cảnh trong và ngoài tỉnh. Mới đây, anh cũng đã khai trương quán cà phê Cá Koi để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Gieo mầm dưa lưới trên vùng biên
Trước năm 2017, anh Lê Minh Tân (32 tuổi) làm việc ở TP. Hồ Chí Minh với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng, đó là con số đáng mơ ước đối với nhiều người. Thế nhưng, anh Tân vẫn quyết tâm bỏ phố về quê ở ấp 7, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh lập nghiệp.
Thời gian ở TP. Hồ Chí Minh, anh Tân đã tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế, trong đó trồng dưa lưới trong nhà màng được anh quan tâm và tìm hiểu rất kỹ. Vào thời điểm đó, dưa lưới là loại cây trồng mới và chưa được nhiều người biết đến trên mảnh đất vùng biên huyện Lộc Ninh. Vì vậy, anh luôn canh cánh trong lòng, mong muốn mang dưa lưới về quê phát triển. Đầu năm 2017, dù khu đất anh chọn canh tác chưa có điện lưới, chỉ với 150 triệu đồng tích cóp được cùng sự hỗ trợ của người thân, anh đã đầu tư trồng 2 sào dưa lưới.
Từ diện tích ban đầu ít ỏi, đến nay khu nhà màng trồng dưa lưới của anh đã tăng lên 8 sào, đồng thời giải quyết việc làm ổn định cho 6-8 lao động địa phương và mang lại thu nhập cho gia đình từ 700-800 triệu đồng/năm. Sau 5 năm phát triển, mô hình trồng dưa lưới của anh Tân đã thu hút nhiều người đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình của anh Tân, đến nay mô hình này đã phát triển rộng rãi trên địa bàn xã Lộc Hưng cũng như huyện Lộc Ninh.
Với sức trẻ và sự năng động, thời gian qua trên địa bàn huyện có rất nhiều đoàn viên thanh niên mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, lập nghiệp với nhiều mô hình khác nhau. Trong đó, anh Lê Minh Tân là người đầu tiên mang dưa lưới về trồng trên vùng quê Lộc Ninh. Khi mô hình thành công, anh Tân đã hỗ trợ, hướng dẫn nhiều người cùng làm và mang lại hiệu quả kinh tế.
Bí thư Huyện đoàn Lộc Ninh Nguyễn Tấn Hiếu
Có thể nói, với sức trẻ, giàu lòng nhiệt huyết và dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đương đầu với thách thức, chủ động đổi mới luôn được lực lượng thanh niên phát huy hiệu quả. Qua đó, rất nhiều thanh niên đã và đang từng ngày nỗ lực vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.