Những thanh niên xung phong tình nguyện ra huyện đảo Cồn Cỏ lập nghiệp
Trong số rất nhiều hòn đảo của đất nước, có một hòn đảo nhỏ được gọi với cái tên thân thương là “Đảo Thanh niên”, chính là đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị. Nơi đây, từ những lớp thanh niên xung phong đầu tiên, đến những lớp thanh niên sau này, đã không quản ngại sóng gió, bám đảo tiền tiêu, góp phần giữ gìn vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Chuyến công tác đầu năm 2023 đã đưa chúng tôi đến với Cồn Cỏ, gặp gỡ con người nơi đây, với những thanh niên xung phong đã và đang tiếp tục gắn bó với biển, với đảo.
Chị Nguyệt (bên trái) một trong những thanh niên xung phong đầu tiên tình nguyện ra đảo Cồn Cỏ lập nghiệp
Chỉ với diện tích 2,5km2 nhưng đảo Cồn Cỏ lại gần với các tuyến đường hàng hải trong và ngoài nước nên có vai trò quan trọng trong phòng thủ, bảo vệ an ninh, quốc phòng. Nhìn bao quát, đảo Cồn Cỏ như một chiến hạm nằm giữa trùng khơi quanh năm sóng vỗ. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cồn Cỏ là một đảo anh hùng. Giặc Mỹ nhiều lần dội hàng tấn bom đạn quyết san phẳng hòn đảo nhỏ này nhưng không thể ngăn ý chí chiến đấu của bộ đội ta. Với tinh thần "thà hy sinh tất cả chứ không để mất đảo, hy sinh đến giọt máu cuối cùng, còn người còn đảo", bộ đội Cồn Cỏ đã đánh hơn 1 nghìn trận, bắn cháy 48 máy bay, bắn chìm 11 tàu chiến của Mỹ.
Thời điểm mới thành lập năm 2004, huyện đảo Cồn Cỏ mới có 46 thanh niên tình nguyện ra đảo lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới nên đảo có tên gọi "Đảo Thanh niên". Từng lớp, từng lớp thanh niên xung phong, tình nguyện đã ra đảo dựng xây và lập nghiệp, ngày càng xây dựng nơi đây thêm phần đẹp đẽ, khang trang.
20 năm bám đảo, thanh niên xung phong Trần Thị Nguyệt ở khu dân cư Thanh niên, huyện đảo Cồn Cỏ đã thực sự trở thành công dân của hòn đảo xinh đẹp này. Vẫn bộ áo quần giản dị, nụ cười hồn hậu, chị Nguyệt ngày ngày cùng người dân nơi đây lao động, sản xuất, đánh bắt hải sản, buôn bán các loại hàng hóa trên đảo, trồng trọt, chăn nuôi… Chị Nguyệt tâm sự: Thời gian đầu hạ tầng trên đảo còn nhiều hạn chế, đi lại khó khăn, cuộc sống thiếu thốn. Được các cấp quan tâm, hỗ trợ về vật chất, vốn sản xuất, động viên tinh thần, tôi cũng như nhiều thanh niên xung phong khác đã cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng kinh tế gia đình, xây dựng đảo. Hiện nay, ngoài cùng gia đình làm kinh tế, tôi còn tham gia hoạt động vệ sinh môi trường trên đảo, góp phần giữ cho huyện đảo xanh, sạch, đẹp.
Giờ đây, Cồn Cỏ đã đổi thay và phát triển rất nhanh, số lượng thanh niên lập nghiệp ra đảo ngày càng tăng. Những công trình đã và đang xây dựng bên thềm biển mang đến sức sống mới, ánh sáng điện, trạm viễn thông, những con đường trải bê tông xi-măng phẳng phiu chạy ngang, chạy dọc dưới bóng cây xanh mát, ôm lấy trường học, công sở... Nhà Văn hóa Thanh niên của huyện đảo thường tổ chức những cuộc giao lưu giữa tuổi trẻ lập nghiệp với những người lính đảo. Tiếng hát của các cô giáo, tiếng cười nói của các cháu nhỏ trường mầm non vang vang hòa với sóng biển rì rào...
Là thanh niên trẻ lập nghiệp trên huyện đảo Cồn Cỏ, anh Hồ Hưng đã bám đảo gần 7 năm và đang khởi nghiệp với mô hình nhà ở du lịch - Homestay. Anh Hưng vui vẻ cho biết: Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch ngày càng lớn của huyện đảo, tôi cùng một số bạn bè, người thân phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống trên đảo. Vào mùa du lịch, mỗi tuần gia đình tôi đón khoảng 100 khách tới lưu trú, ăn uống, mỗi tháng thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng.
Anh Hưng cùng nhiều thanh niên trẻ khác đang gắn bó và mong muốn phát triển lâu dài trên đảo. Những ngôi nhà nhỏ xinh xinh nhìn ra biển, bữa ăn đầm ấm tươi ngon, bãi biển đẹp và làn nước trong xanh, những nụ cười nồng hậu và hiếu khách… khiến nhiều du khách thích thú và mong được ghé thăm Cồn Cỏ nhiều lần hơn. Từ cuộc sống lao động khó khăn vất vả ngày đầu xây dựng đảo, vì cảm mến nhau mà nhiều đôi đã nên vợ nên chồng rồi quyết định cùng nhau định cư lâu dài tại Cồn Cỏ. Những bước chân tình nguyện của lớp thanh niên này đã đặt những dấu mốc đầu tiên trong việc xây dựng Cồn Cỏ trở thành địa bàn có kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh vững chắc.
Đi một vòng quanh đảo, chúng tôi ngỡ ngàng khi được nhìn thấy những vạt rừng nguyên sinh, cùng bàng vuông, hoa phong ba xen với nhiều vườn cây nhân tạo trồng các loại hoa quả như: Dừa, chuối, đu đủ... Những tảng đá lớn, bãi san hô càng làm cho hòn đảo này thêm xinh đẹp, nên thơ. Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đảo Cồn Cỏ chia sẻ: Hiện nay, hạ tầng cơ sở, kinh tế - xã hội của đảo Cồn Cỏ đã có nhiều sự thay đổi tích cực. Một phần không nhỏ trong đó chính là nhờ những bàn tay, khối óc, tình yêu biển, đảo của các thế hệ thanh niên xung phong ra bám đảo. Tuy cuộc sống của người dân trên đảo vẫn còn những khó khăn, nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, xây dựng mà đảo ngày càng tươi đẹp, vững vàng, cộng đồng dân cư ở huyện Cồn Cỏ nay đã ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó lâu dài.
Không khí nơi đây luôn trong lành và thoáng đãng, lòng người nơi đây luôn rộng mở, dù ngoài kia, sóng nước vẫn rì rào ngày đêm và còn nhiều khó khăn, nhưng tin tưởng rằng, với tinh thần nhiệt huyết, cần cù, sáng tạo, những cư dân của đảo, những thanh niên xung phong bám đảo sẽ tiếp tục dựng xây, góp phần gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của quê hương.