Những thành phố 'con rồng châu Á'
Trong văn hóa Á Đông, rồng là linh vật mang trong mình sức mạnh siêu nhiên vượt trội, là biểu tượng của công thành viên mãn. Vì vậy, người ta thường dùng hình tượng rồng, hoặc hóa rồng, để chỉ một nền kinh tế phát triển vượt bậc. Trong lịch sử, có 4 thành phố đã được công nhận rộng rãi là 4 'con rồng châu Á'. Và theo dự báo của các nhà kinh tế, có 4 TP khác sẽ là những con rồng tiếp theo.
4 TP đã “hóa rồng”
Vào những năm 1960, các TP Hồng Kông (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan-Trung Quốc) và Singapore vẫn còn là những nền kinh tế lạc hậu, người dân có mức thu nhập thấp và cơ sở hạ tầng yếu kém. Thế nhưng chỉ trong vài chục năm, họ đã vươn lên trở thành những nền kinh tế hùng mạnh, đưa đất nước gia nhập hàng ngũ các quốc gia/vùng lãnh thổ giàu có nhất thế giới.
Hiện nay, Hồng Kông và Singapore là một trong những trung tâm tài chính nổi bật trên toàn thế giới, trong khi Hàn Quốc và Đài Loan là những trung tâm thiết yếu cho sản xuất ô tô và linh kiện điện tử, cũng như công nghệ thông tin toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xếp 4 con rồng châu Á này vào danh mục 35 nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới, và sự vươn lên của 4 con rồng này đã được gọi là các “kỳ tích kinh tế”.
Đầu tiên, sự vươn lên của Hàn Quốc bắt đầu từ “kỳ tích sông Hán” ở Seoul. Sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 64USD/năm. Nhưng trong vòng 40 năm, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện một loạt cải cách để thúc đẩy phát triển kinh tế, như các kế hoạch 5 năm, chính sách khuyến khích xuất khẩu, đầu tư vào giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Từ năm 1961-1997, Hàn Quốc đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế trung bình 8%/năm. Đây là mức tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng, thậm chí vượt qua cả Nhật Bản trong giai đoạn này. Tính đến tháng 4-2023, Hàn Quốc có tổng GDP đạt 1.720 tỷ USD, GDP đầu người 33.390USD với tốc độ tăng trưởng 1,5%.
Tại Đài Loan, sự vươn lên của Đài Bắc đã giúp vùng lãnh thổ này trở thành một trong 4 con rồng châu Á hiện nay. Chính quyền Đài Loan đã thực hiện một loạt cải cách kinh tế, như thả nổi đồng Tân Đài vào năm 1979 để chấm dứt tình trạng siêu lạm phát; ban hành các chính sách khuyến khích xuất khẩu và đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Những cải cách này đã giúp Đài Loan đạt được mức tăng trưởng kinh tế lên tới 10% từ năm 1960-1980, GDP bình quân đầu người tăng từ 100USD vào năm 1960 lên 12.000USD năm 1980. Và tính đến tháng 4-2023, GDP bình quân đầu người của Đài Loan đạt 33.910USD. GDP của Đài Loan đạt 790,73 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 2,1%.
Hồng Kông được coi là khu vực hành chính đặc biệt ở Trung Quốc. Từ năm 1961-2009, GDP bình quân đầu người thực tế của Hồng Kông tăng trưởng gấp 9 lần, và là nơi có GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương cao thứ 13 trên thế giới. Từ năm 1997, nền kinh tế Hồng Kông đã trở thành trung tâm dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, quản lý, hậu cần, tư vấn kinh doanh, thương mại… Các báo cáo mới nhất cho thấy Hồng Kông được xếp hạng đặc biệt cao trên thang đo tự do kinh tế, tự hào với GDP khoảng 383 tỷ USD tính đến tháng 4-2023, GDP bình quân đầu người 52.430USD, tốc độ tăng trưởng 3,5%.
Trong khi đó, Singapore có GDP 515,6 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 91.100USD tính đến tháng 4-2023 và tốc độ tăng trưởng 1,5%. Từ khi độc lập năm 1965 đến 1972, nền kinh tế tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Thành công của Singapore có thể nhờ tự do thương mại và vốn tự do. Tuy nhiên, việc trấn áp tham nhũng và tội phạm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư. Hơn nữa, chính phủ nước này còn tham gia mật thiết vào việc phát triển một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, như đóng tàu và điện tử.
Những con rồng tiếp theo
Theo nhận định của giới chuyên gia, 4 TP nhiều tiềm năng trở thành những con rồng châu Á tiếp theo, bao gồm Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), TPHCM (Việt Nam) và Jakarta (Indonesia). Nhìn chung, các TP này đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (bình quân từ 5% trở lên trong giai đoạn 2011-2021). Ngoài ra, các TP này đều là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa lớn của khu vực; có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ trung, được đào tạo tốt; có vị trí địa lý thuận lợi, nằm gần các thị trường tiêu thụ lớn.
Bangkok có thế mạnh là thủ đô du lịch hàng đầu thế giới. Với nền văn hóa độc đáo, nhiều danh lam thắng cảnh, dịch vụ du lịch phát triển, Bangkok thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm. TP này cũng có ngành công nghiệp đa dạng, bao gồm sản xuất điện tử, dệt may, thực phẩm, đồ uống, dịch vụ tài chính và hậu cần. Cơ sở hạ tầng của Bangkok tương đối phát triển, hệ thống giao thông công cộng, sân bay quốc tế, cơ sở vật chất phục vụ du lịch và kinh doanh tương đối đầy đủ. Song song đó, chính quyền Thái Lan có nhiều nỗ lực cải cách, với các chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghệ, đổi mới, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Dù vậy, Bangkok không được đánh giá cao về ổn định xã hội, bởi các vụ biểu tình và binh biến liên tục xảy ra.
Lợi thế của TPHCM là có tốc độ tăng trưởng gần như nhanh nhất khu vực, với bình quân 7,3% trong giai đoạn 2011-2022. TP này cũng được đánh giá cao vì có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ trung, có trình độ cao và được đào tạo tốt. Môi trường đầu tư ở TPHCM được đánh giá cởi mở, được Chính phủ tạo điều kiện để trở thành một trung tâm kinh tế-tài chính của khu vực. TPHCM hơn hẳn Bangkok ở khía cạnh ổn định chính trị-xã hội, nhưng điểm yếu là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; mạng lưới giao thông, thoát nước, hệ thống công nghệ thông tin còn yếu, cần được đầu tư nâng cấp. Những thủ tục hành chính ở TPHCM còn bị đánh giá là phiền hà, môi trường pháp lý chưa minh bạch.
Kuala Lumpur của Malaysia sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi và đang phát triển đáng kể. Nền kinh tế của TP này khá đa dạng, không chỉ phụ thuộc vào du lịch, còn có các ngành công nghiệp mạnh như tài chính, dịch vụ, công nghệ, bất động sản… Kuala Lumpur cũng là một trong những trung tâm tài chính phát triển nhất Đông Nam Á, thu hút nhiều tập đoàn tài chính lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng tại đây được đánh giá cao. Malaysia có môi trường chính trị khá ổn định, với nhiều chính sách khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, Kuala Lumpur cũng có một số điểm yếu, như tỷ lệ phụ thuộc vào lao động nước ngoài cao, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về nguồn nhân lực trong tương lai. Ngoài ra, khoảng cách giàu nghèo ở TP này cũng khá lớn, trong khi chất lượng giáo dục đào tạo chưa được đánh giá cao.
Jakarta của Indonesia sở hữu nhiều điểm mạnh đáng chú ý, như có vị trí địa lý thuận lợi, nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và vận chuyển hàng hóa. TP này cũng có ngành công nghiệp đa dạng, như sản xuất ô tô, dệt may, thực phẩm, đồ uống, dịch vụ tài chính và du lịch. Ngoài ra, nguồn nhân lực ở Jakarta được đánh giá là dồi dào, trẻ trung, có tiềm năng phát triển kỹ năng và đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, chính phủ Indonesia đang tích cực thực hiện các cải cách kinh tế, hành chính, hạ tầng cơ sở để cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ở Jakarta cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; môi trường kinh doanh phức tạp với thủ tục hành chính rườm rà; khoảng cách giàu nghèo vẫn còn khá lớn.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-thanh-pho-con-rong-chau-a-post724844.html