Những thành quả đáng ghi nhận trên hành trình giảm nghèo đa chiều ở Nghi Lộc

Chăm lo chiều thiếu hụt nhà ở cho người nghèo, cận nghèo, trong năm 2024, huyện Nghi Lộc đặt mục tiêu hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa 175 căn nhà cho hộ nghèo.

Năm 2024, công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền huyện Nghi Lộc, Nghệ An, tập trung chỉ đạo theo bền vững, đa chiều, không chỉ nâng cao thu nhập mà phải bù đắp các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Theo mục tiêu đề ra, huyện quyết tâm nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 54-56 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,12%.

Huyện Nghi Lộc đã quan tâm hỗ trợ các chính sách cho người nghèo như: vay vốn, hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Sự hỗ trợ này đã từng bước giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Nghi Lộc đã giải quyết việc làm cho 2.439 lao động, trong đó xuất khẩu 896 lao động. Nhiều người trong số này là hộ nghèo. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ xây mới, vận động ủng hộ xây dựng và sửa chữa được 81 căn nhà cho hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở trên địa bàn.

Đã từ lâu, gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở xóm Hải Thịnh, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, luôn ước mơ có căn nhà vững chãi, không sợ nắng mưa, gió bão. Gia đình chị là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lo bữa ăn hằng ngày nhiều lúc còn chật vật, chuyện tích lũy tiền để làm nhà rất xa vời.

Nắm được tình hình, Ban chỉ đạo vận động xây dựng nhà ở xã Nghi Lộc kết hợp cùng Quỹ Vì người nghèo xã và các nhà hảo tâm, anh em, bạn bè, làng xóm đã đóng góp, hỗ trợ giúp gia đình có căn nhà mới với mái lợp tôn vững chãi, giúp các thành viên trong gia đình chị yên tâm phấn khởi, cố gắng làm ăn để có được cuộc sống khá hơn.

Trong năm 2024, huyện Nghi Lộc đặt mục tiêu hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa 175 căn nhà cho hộ nghèo, trong đó xây mới đạt 112 căn, sửa chữa 63 căn.

Nhà ở được xây dựng và sữa chữa hỗ trợ người nghèo đều đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng, có diện tích sử dụng đều đạt trên 30 m2 đảm bảo chắc chắn, an toàn và tiện ích sinh hoạt của người dân.

Những ngôi nhà ấm áp, nghĩa tình đã và đang được xây dựng trên địa bàn Nghi Lộc đã góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đồng thời khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng giúp các hộ nghèo chủ động, tự tin vươn lên và từng bước thoát nghèo bền vững.

Trồng sen giúp nhiều hộ gia đình ở Nghệ An sáng tạo các mô hình sinh kế.

Trồng sen giúp nhiều hộ gia đình ở Nghệ An sáng tạo các mô hình sinh kế.

Ngoài hỗ trợ nhà ở, để người nghèo có tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản khác, trao các mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo cũng được huyện Nghi Lộc đẩy mạnh. Nhờ được trao kỹ thuật, trao kinh nghiệm và tiếp cận nhiều chương trình cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở xóm 4, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc đã có đàn gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế.

Năm 2024, chị Hạnh nuôi 2 lứa gà thịt, 3 lứa ngan, mỗi lứa 250 con, thường xuyên nuôi 6 con bò, trong đó 2 con bò nái, 2 con bê và 2 con bò đực vỗ béo. Đàn gia súc, gia cầm của gia đình chị được chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đầy đủ, sinh trưởng phát triển khỏe mạnh nên hầu như không có dịch bệnh phát sinh.

Việc trao “cần câu” bằng cách hướng dẫn người dân làm kinh tế đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo động lực cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo quyết tâm nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đây cũng là kinh nghiệm cho các huyện khác của tỉnh Nghệ An khi triển khai mô hình, dự án giảm nghèo. Trong đó, cần xác định đối tượng chăn nuôi phù hợp với nhu cầu, thời tiết khí hậu, điều kiện kinh tế, khả năng đầu tư, nuôi dưỡng chăm sóc của các hộ dân.

Trong suốt quá trình triển khai, đội ngũ cán bộ xã, xóm đã đồng hành rất tích cực, vừa giúp nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, quản lý, chỉ đạo vừa theo dõi giám sát các dự án, từng bước đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại Nghi Lộc.

Trong năm 2024, tỉnh Nghệ An đề ra kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với 7 dự án, tiếp cận theo hướng đa chiều. UBND tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác giảm nghèo; song song đổi mới phương pháp, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền công tác giảm nghèo trong các ngành, các cấp; kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững để nhân rộng.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-thanh-qua-dang-ghi-nhan-tren-hanh-trinh-giam-ngheo-da-chieu-o-nghi-loc-2321591.html