Quan tâm đào tạo nghề gắn với tạo việc làm ở huyện Triệu Phong
Thực hiện Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 về 'Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững', thời gian qua, huyện Triệu Phong tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đạt kết quả cao, hằng năm, UBND huyện ban hành các kế hoạch đào tạo nghề cho lao động, giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, thực hiện Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở GDNN giai đoạn 2022-2027” trên địa bàn huyện.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các hội, đoàn thể và các cơ quan, ban, ngành liên quan, đơn vị cơ sở tiếp tục phổ biến, quán triệt và ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác GDNN theo kế hoạch. Công tác tuyên truyền, tư vấn về GDNN được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần chuyển biến nhận thức của người lao động (NLĐ) về học nghề, nhất là lao động ở vùng nông thôn.
UBND các xã, thị trấn thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chỉ đạo đào tạo nghề, khảo sát nhu cầu, xác định nghề cần đào tạo gắn với tạo việc làm, phối hợp với các cơ sở dạy nghề tuyên truyền, tư vấn về học nghề và hướng dẫn NLĐ đăng ký học nghề; kiểm tra, giám sát các lớp đào tạo nghề tổ chức tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch dạy nghề hằng năm, đặc biệt là dạy nghề gắn với thế mạnh địa phương, quy hoạch phát triển KT-XH và quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại các xã.
Nhằm giải quyết việc làm sau đào tạo nghề, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung tâm GDNN-GDTX huyện chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan làm việc với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện để tạo điều kiện tìm việc làm cho người học nghề sau đào tạo.
Nhờ vậy, có một số học viên sau khi học nghề được giải quyết việc làm, tạo sự gắn kết giữa các địa phương với các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty may mặc trong việc tuyển sinh đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo. Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức lớp may công nghiệp, sau khi đào tạo xong đã liên kết với Nhà máy may Hòa Thọ Triệu Phong tại các cơ sở may: An Tây Phú xã Triệu An, An Định xã Triệu Long và các doanh nghiệp trên địa bàn hợp đồng lao động cho hơn 70 người; các lớp nghề khác đa số học viên tự tạo việc làm, áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, thành lập các tổ, nhóm sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập ổn định cuộc sống.
Bên cạnh các chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm GDNNGDTX huyện chủ động liên kết với Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đào tạo Trung cấp nghề theo mô hình 9+ cho 97 học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thận; liên kết với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, Trung cấp nghề Mai Lĩnh Quảng Trị... trao đổi, học tập chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình phù hợp với từng độ tuổi, trình độ của người dân.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường THCS tổ chức tích hợp giáo dục hướng nghiệp vào các giờ bộ môn liên quan, giờ chào cờ hoặc ngoại khóa. Phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông. Nhờ vậy, năm học 2022-2023, toàn huyện có 1.285 học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%; 1.253 học sinh vào các trường THPT đạt 95%; Trung tâm GDNN-GDTX có 2 học sinh, cơ sở GDNN có 18 học sinh trình độ nghề sơ cấp, trung cấp.
Để đảm bảo các điều kiện phục vụ tốt công tác GDNN, trong năm 2023, từ nguồn ngân sách Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Trung tâm GDNNGDTX huyện được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hơn 4,1 tỉ đồng. Toàn huyện tổ chức tuyển sinh và đào tạo 22 lớp/648 học viên với tổng kinh phí trên 1,3 tỉ đồng (trong đó, kinh phí hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hơn 1,1 tỉ đồng).
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị phối hợp đào tạo 2 lớp/70 học viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo của 2 xã Triệu Tài, Triệu Trạch từ kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Kết quả sau học nghề, có 718/718 NLĐ có việc làm, trong đó, có 70 người được doanh nghiệp tuyển dụng, 648 người tự tạo được việc làm. Tỉ lệ lao động qua đào tạo 63,2%; có bằng cấp chứng chỉ 29,8%.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, huyện mở 5 lớp học nghề/155 học viên với tổng kinh phí 215 triệu đồng. Các lớp đào tạo nghề phù hợp với NLĐ như: điện dân dụng, trồng rau an toàn, kỹ thuật nuôi gà thả vườn, trồng nấm. Sau học nghề, NLĐ có cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững.
Thời gian tới, UBND huyện tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chỉ đạo Trung tâm GDNN-GDTX huyện và các cơ sở dạy nghề khác tăng cường nghiên cứu, đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, truyền nghề nhằm đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, nâng cao hiệu quả đào tạo.
Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh đào tạo nghề. Thực hiện tốt việc liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, công ty có nhu cầu sử dụng lao động. Tích cực tìm kiếm đối tác là các đơn vị sử dụng lao động ký kết các hợp đồng đào tạo và cung ứng lao động giúp học viên sau khi tốt nghiệp có ngay việc làm phù hợp.