Những thành tựu của ngành Xây dựng Hà Tĩnh trong năm 2024
Năm 2024, ngành Xây dựng Hà Tĩnh triển khai nhiệm vụ, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, điều hành của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã đạt được những kết quả quan trọng, bền vững trên các lĩnh vực quản lý của Ngành.
Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, phát triển đô thị
Công tác thẩm định, góp ý kiến các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, thiết kế kiến trúc công trình được tăng cường; kiểm soát chặt chẽ hơn việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng như việc điều chỉnh quy hoạch; và nhất là đẩy mạnh việc tham vấn ý kiến đóng góp của cộng đồng, của các tổ chức, chuyên gia. Do đó, góp phần nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng; đặc biệt là quy hoạch xây dựng đô thị, chất lượng kiến trúc công trình trên các trục cảnh quan chính đô thị. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 huyện đã được phê duyệt quy hoạch vùng huyện; có 17 đô thị các loại (1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 14 đô thị loại V). Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 31,1%, các dự án đầu tư xây dựng triển khai đều lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (hoặc quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất).
Trong năm 2024, Sở đã tập trung tham mưu điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh, nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Hà Tĩnh đến năm 2045; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh; tổ chức rà soát thẩm định điều chỉnh quy hoạch chung các Khu kinh tế Vũng Áng, Cầu Treo; thẩm định và thẩm định điều chỉnh 3 đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, 3 đồ án quy hoạch chung các thị trấn, 7 đồ án quy hoạch phân khu các đô thị, 2 đồ án quy hoạch phân khu chức năng... Thẩm định 22 đồ án quy hoạch; thẩm định 29 quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất các dự án; thẩm định 13 đề cương nhiệm vụ lập quy hoạch; góp ý kiến 15 đồ án quy hoạch chung xã; 53 quy hoạch tổng mặt bằng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện.
Tập trung quản lý hạ tầng kỹ thuật
Tập trung chỉ đạo công tác quản lý, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các địa phương nhằm đáp ứng kịp thời sự gia tăng của tốc độ đô thị hóa của tỉnh.
Cấp nước đô thị và khu công nghiệp: Trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị được giao quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước đô thị với 15 nhà máy có tổng công suất 120.500m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch ở đô thị: 86,6% .
Mạng lưới thoát nước ở các đô thị trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hệ thống thoát nước chung; chỉ riêng một số khu đô thị mới là được đầu tư hệ thống thoát nước riêng. Hệ thống xử lý nước thải tập trung đô thị hầu như chưa được đầu tư; trừ thị xã Hồng Lĩnh đầu tư xử lý nước thải bằng công nghệ hồ điều hòa. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khoảng 6,14%. Quản lý chất thải rắn thông thương tại đô thị: Toàn tỉnh có 13 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư và đang vận hành xử lý gồm 3 nhà máy, 4 bãi chôn lấp, 6 lò đốt độc lập. Hệ thống chiếu sáng đô thị ngày càng được quan tâm đầu tư với tỷ lệ chiếu sáng ở các tuyến đường chính đạt 100%, các tuyến đường khác đạt trung bình 60%.
Trong năm 2024, Sở đã kiểm tra cũng như phối hợp với các chủ đầu tư, địa phương đẩy nhanh tiến độ một số dự án lớn, trọng điểm như: Đường trục chính trung tâm nối Quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Kỳ Anh đến cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương; đường từ Quốc lộ 12C đi Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh; đường vành đai phía Nam Khu kinh tế Vũng Áng; đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về phía Đông; đường Hàm Nghi kéo dài; đường Vành đai phía Đông… Cũng như thẩm định 85 hồ sơ dự án liên quan đến lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật với số liệu cụ thể: Thẩm định 47 Báo cáo nghiên cứu khả thi; thẩm định 02 hồ sơ thiết kế cơ sở dự án nguồn vốn khác; thẩm định 29 thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; thẩm định 7 báo cáo kinh tế kỹ thuật; nghiệm thu đưa vào sử dụng 46 công trình.
Quản lý hoạt động xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm
Đây là một trong các hoạt động trọng tâm của Sở, được tập trung triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Đến nay, Sở đã tiếp nhận hơn 35 hồ sơ thẩm định dự án, thiết kế, dự toán xây dựng và báo cáo kinh tế kỹ thuật. Qua công tác thẩm định đã kiến nghị các giải pháp thiết kế phù hợp, kiểm soát sự phù hợp định mức đơn giá, khối lượng theo quy định.
Trong kỳ đã cấp chứng chỉ 500 cá nhân; cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho 82 tổ chức doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng (trong đó có 01 Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài); tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng 22 công trình.
Xây dựng và công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng hàng tháng phù hợp với mức giá thị trường, tổ chức khảo sát cập nhật chủng loại, mức giá phù hợp; công bố chỉ số giá xây dựng quý I, II, III/2024. Hướng dẫn phổ biến Thông tư số 14/2023/TT- BXD ngày 29/12/2023 của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản: Đẩy mạnh nhà ở xã hội
Công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản được tăng cường chỉ đạo; trong đó tập trung đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách, các đối tượng bị mất nhà ở do giải tỏa, giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời quan tâm đẩy mạnh việc bán, cho thuê nhà sở hữu Nhà nước và giải quyết, hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách.
Xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn năm 2025.
Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 279-KH/TU ngày 17/7/2024 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 494/KH-UBND ngày 18/10/2024 về việc triển khai Kế hoạch số 279-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Thực hiện cấp Giấy phép xây dựng 25 công trình, thẩm định thiết kế và kiểm tra công tác nghiệm thu 40 công trình. Thực hiện thiết kế mẫu nhà ở điển hình để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Quản lý giá vật liệu xây dựng trên địa bàn
Tổ chức thực hiện và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn theo thẩm quyền; hướng dẫn việc tăng cường công tác quản lý hoạt động xây dựng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; tăng cường công tác quản lý giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức Đoàn kiểm tra hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh tại 19 phòng, trạm thí nghiệm. Qua đó, Sở đã đình chỉ hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng của 2 phòng thí nghiệm; hủy bỏ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng của 5 phòng thí nghiệm.
Triển khai thực hiện kế hoạch, phương án, đề án Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021- 2030, định hướng đến năm 2050 phù hợp với Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
Sở đã thực hiện tham mưu quản lý Nhà nước về công tác xây dựng nông thôn mới về thẩm tra, đánh giá hồ sơ và kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của các huyện, thị xã: Kỳ Anh, Thạch Hà, Hương Khê, Lộc Hà, Thị xã Kỳ Anh; huyện Nghi Xuân (nông thôn mới nâng cao: xã Xuân Hải, Xuân Yên và Xuân Mỹ; nông thôn mới kiểu mẫu: xã Xuân Phổ); Thị xã Hồng Lĩnh (nông thôn mới nâng cao xã Thuận Lộc)
Ngoài việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng nhiệm vụ, lãnh đạo Sở đã tập trung thực hiện, giải quyết kịp thời các công việc có liên quan theo yêu cầu của tỉnh, của các ngành, các huyện, thành phố, thị xã và các doanh nghiệp như tham gia các cuộc họp về xây dựng nông thôn mới, các dự án trọng điểm như xây dựng 3.000km đường bộ cao tốc, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…
Trong năm, Sở đã thường xuyên làm việc với Bộ Xây dựng và các cơ quan thuộc Bộ để tháo gỡ khó khăn, nổi bật là: Trong sắp xếp địa giới hành chính tỉnh, thành phố Hà Tĩnh các huyện, phường, xã; công tác quản lý quy hoạch và các đề án đánh giá công nhận đô thị như mở rộng thành phố Hà Tĩnh đạt loại II, đô thị thị xã Kỳ Anh, đô thị Nghèn, Can Lộc…