Những thầy cô góp gạo, thổi cơm 'dụ' học sinh vùng cao đến trường
Cha mẹ bận làm nương rẫy cả ngày, đi học về không có cơm ăn, buổi chiều, các em ôm bụng đói đến trường, nhiều em vì thế mà bỏ học...
Thương học trò, các giáo viên trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Tu Mơ Rông (H.Tu Mơ Rông, Kon Tum) hàng tháng trích đồng lương ít ỏi của mình để nấu cơm trưa cho học sinh có sức bám trường.
Góp gạo, nấu cơm nuôi học trò
Chúng tôi ghé thăm trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Tu Mơ Rông vào đúng buổi trưa, tiếng học sinh cười nói rộn ràng bên mâm cơm xua tan đi cái giá lạnh ở “chốn thâm sơn cùng cốc”. Để duy trì bữa ăn trưa no đủ các em học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô trong trường đã tốn không ít tâm sức, đóng góp tiền, thịt, trứng, mì tôm mỗi ngày để nuôi học trò.
Theo thầy Nguyễn Ngọc Huynh, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Tu Mơ Rông, việc nấu ăn trưa cho các em học sinh không thuộc diện bán trú là cách làm tự phát, làm theo cái tâm của nghề giáo. Do nhiều em học sinh nhà ở xa, tự đi bộ đến trường nên không thể duy trì việc đi học đều đặn ngày 2 buổi, thường các em học xong buổi sáng rồi về nhà ăn cơm trưa, đầu giờ chiều lại đến trường, nhiều em vì thế mà bỏ học...
Trước đây, các thầy cô liên tục xuống tận nhà vận động nhưng tình trạng học sinh nghỉ học vẫn diễn ra. Chính vì vậy, để giữ chân và tiếp sức cho các em đi học, nhà trường mới nảy ra ý định nấu cơm trưa cho các em ăn và ở lại trường.
“Để cho các em có bữa ăn no, các thầy cô trong trường ai có gì góp đó và nấu cơm cho các em. Việc làm của trường được phụ huynh, chính quyền địa phương ủng hộ. Nhiều gia đình thấy các em ở trường được ăn uống nên đã cho con đi học. Có người còn gùi gạo, mắm muối, rau rừng ra duy trì bếp ăn của nhà trường. Thường buổi trưa lo cho các em ăn xong rồi mới đến lượt các thầy cô ăn”, thầy Huynh tâm sự.
Thầy A Phiên là đầu bếp chính của bếp cơm hơn 2 năm nay. Để chuẩn bị cho bếp cơm, 6 giờ sáng, thầy ngược đường rừng 7 cây số để đi mua thực phẩm. Về đến trường, thầy chuẩn bị thực phẩm sẵn rồi mới lên lớp. Dạy xong, thầy lại quay vào bếp, chế biến bữa ăn, chuẩn bị bữa trưa cho học trò.
Nói là bếp cho sang nhưng thực ra chỉ là 1 góc phòng nhỏ được trưng dụng. Ở đó chỉ bố trí 1 cái kiềng 3 chân, bó củi, vài cái xoong nồi, một ít gia vị… Bữa ăn chỉ có giá từ 8.000- 10.000 đồng cho mỗi em, nhưng thầy Phiên gói ghém sao cho suất ăn của các em có chút thịt, cá, trứng... Nhưng như vậy, đối với học sinh vùng cao là ấm bụng lắm rồi.
“Mình là người địa phương nên hiểu được hoàn cảnh của các em học sinh. Đến trường có cơm nóng, canh ngọt là các em tự giác liền, không phải vận động gì hết. Ngoài góp chút tiền lương hàng tháng, trong nhà có gì mình cũng mang lên để cải thiện bữa ăn cho các em. Nhiều lúc ngoài giờ học, mình còn đi xin thêm thực phẩm cho các em”, thầy A Phiên bộc bạch.
Khi tiếng trống trường vừa vang lên, báo hiệu buổi học kết thúc, thầy Phiên và các giáo viên liền trưng dụng 1 phòng làm nhà ăn. Hôm nay, có 23 học sinh thôn Đăk Na ở lại buổi trưa để ăn cơm của thầy Phiên nấu. Bữa trưa có món trứng chiên, chả thịt và canh rau ngót. Các em ăn một cách vui vẻ, ngon lành. Một số em láu lỉnh còn ra hiệu với thầy Phiên “cơm ngon quá thầy ạ”. Thầy Phiên thấy vậy nở nụ cười đôn hậu, dặn “các em ăn từ từ, cơm còn nhiều”.
Ăn xong, từng em học sinh tự giác bưng chén của mình để vào thau rửa. Những em lớn phụ giúp thầy Phiên dọn dẹp, rửa chén bát. Xong xuôi mọi việc, đồng hồ cũng đã điểm hơn 12 giờ trưa, thầy Phiên mới quay về nhà ăn cơm cùng gia đình và chuẩn bị cho tiết dạy buổi chiều.
Chắt chiu để lo cho bữa cơm của học sinh
Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Tu Mơ Rông hiện có 240 học sinh, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó có 23 em người dân tộc Xê Đăng ở điểm trường thôn Đăk Na có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà cách trường khá xa – đây là điểm trường chưa có chế độ bán trú. Từ sáng sớm, bố mẹ các em đi lên rẫy nên phần lớn các em tự đi bộ 4 cây số đường đèo dốc, học xong buổi sáng lại đi bộ về nhà và lục ăn cơm nguội. Thậm chí, nhiều em ôm bụng đói đến trường nên buổi chiều không đủ sức để đi học tiếp, nghỉ học. Thế nhưng, từ khi nhà trường tổ chức bữa ăn thì các em được ăn ngủ trưa tại trường, không còn em nào phải nghỉ học.
Chị Y Sâm (SN 1978, thôn Văn Săng, xã Tu Mơ Rông, H.Tu Mơ Rông) có 2 con đang theo học tại trường. Khi được hỏi, chị Sâm niềm nở: “Học sinh ở đây khó khăn, thiếu cái ăn, cái mặc hay bỏ học. Việc nhà trường nấu ăn cho học sinh, phụ huynh ai cũng mừng, chỉ mong được duy trì dài dài để các cháu được ăn no, không nghỉ học. Hiểu được cái tâm của giáo viên, khi có bó củi, mớ rau mình đều mang qua bếp nhà trường để góp với giáo viên. Hôm nào không lên nương mình phụ thầy cô nấu cơm, rửa bát”.
Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Huynh, để duy trì bữa ăn đầy đủ và đều đặn, các thầy cô trong trường rất chịu khó đóng góp, không góp hiện vật thì góp tiền. Đồng thời, các cán bộ công tác tại địa phương và phụ huynh cũng hỗ trợ cho trường rất nhiều. Hiện tại, kinh phí nấu ăn cho mỗi em/tháng rất tiết kiệm nhưng cũng hết khoảng 300.000 đồng. Khó khăn là vậy nhưng nhà trường vẫn quyết tâm duy trì bếp ăn sang các năm học tiếp theo.
“Nhờ có bếp ăn cho học sinh, mà năm học qua, nhà trường duy trì được sĩ số 100%, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần cũng gần như đạt tuyệt đối. Thấy các em có bữa ăn no bụng, vui vẻ khi đến trường là chúng tôi cảm thấy hạnh phúc. Dù có khó khăn, nhưng liệu cơm gắp mắm, thầy cô nhà trường sẽ quyên góp để bếp ăn được tồn tại”, thầy Huynh chia sẻ.