Những thay đổi không mang lại hiệu quả của 'Bằng chứng vô hình'
Tuy được đánh giá là bản làm lại khá sát với phim gốc, 'Bằng chứng vô hình' của Trịnh Đình Lê Minh vẫn có những thay đổi đáng kể.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung bộ phim Bằng chứng vô hình
Những thay đổi của Trịnh Đình Lê Minh trong Bằng chứng vô hình, về mặt tích cực, đã khiến bộ phim trở nên gần gũi hơn với bối cảnh văn hóa Việt Nam, cũng như khắc phục được nhiều hạn chế mà bản gốc Blind (2011) mắc phải. Đáng tiếc thay, bên cạnh hiệu quả tích cực, rất nhiều thay đổi đã khiến các trường đoạn quan trọng đánh mất tính hiệu quả thể hiện và trở nên mù mờ về thông điệp.
Vụ tai nạn khiến Thu bị mù
Trong bản gốc Blind, nhân vật nữ cảnh sát do Kim Ha Neul thủ vai đã còng tay em trai vào xe và lái về nhà. Trên xe, hai chị em tiếp tục tranh cãi. Cậu em trai liên tục đạp vào phanh xe khiến chiếc xe mất lái, lao vào thanh chắn an toàn trên cầu.
Cô chị ngã văng qua kính chắn, rơi khỏi xe; trong khi cậu em trai bị còng tay thì kẹt lại. Vì tìm chìa khóa để mở còng tay, cậu khiến trọng tâm chiếc xe thay đổi. Chiếc xe rơi khỏi cầu, và bị một chiếc xe tải tình cờ đi qua bên dưới tông trúng.
Trong phiên bản vụ tai nạn của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, chiếc xe chở Thu (Phương Anh Đào) và em trai lao phải một chướng ngại vật trên đường. Chiếc xe dừng lại ở giữa đường, còn Thu, không rõ bằng cách nào, ngã văng ra xa dù phần lớn kính chắn gió xe vẫn nguyên vẹn.
Tuy chỉ bị thương nhẹ, em trai Thu vẫn không thể thoát khỏi xe vì trước đó cậu đã bị chị gái trói giật cánh khuỷu, và sau vụ tai nạn, tiếp tục bị "trói" thêm một lần nữa bằng dây đai an toàn. Tuyệt vọng, người em trai chỉ có thể kêu cứu chị gái. Nhưng tất nhiên, Thu không thể đến kịp. Chiếc xe phát nổ, giết chết em trai Thu.
Nhìn qua, cảnh phim không có quá khiều khác biệt với bản gốc vì nguyên nhân, kết quả và phần lớn tình tiết đều lặp lại đầy đủ. Tuy nhiên, sự thay đổi từ còng tay sang dây trói, và cách Thu khống chế em trai như trấn áp tội phạm trong bản phim Việt lại khiến khán giả đặt câu hỏi lật ngược tình huống.
Tại sao một người chị, dù là cảnh sát, lại dùng cách thức bạo lực, và gây thương tổn lâu dài như vậy để đối xử với em trai? Và có phải, vụ tai nạn gây thương vong nghiêm trọng là vì Thu đã trói giật cánh khuỷu em trai, vô hiệu hóa hoàn toàn hai cánh tay cậu, trước khi tống lên xe?
Dựa trên nội dung cảnh phim, chỉ cần hai cánh tay em trai Thu không bị trói, cậu có thể dễ dàng giải thoát bản thân, thậm chí cứu được chị gái. Điều này khác với tình huống trong Blind, cậu em trai sau khi tháo được còng (đặt giả thiết có thể), vẫn phải đối mặt với thử thách tiếp theo là thoát khỏi chiếc xe sắp rơi xuống.
Do đó, tình tiết vụ lái xe ở đầu Bằng chứng vô hình có thể coi là chưa đủ sức nặng. Thay vì để lại ấn tượng với người xem về một bi kịch mà các nhân vật không thể làm được gì ngoài chấp nhận sự thật đắng cay, thì vụ tai nạn của chị em Thu vẫn còn sơ hở buộc khán giả phải đặt câu hỏi ngược lại cho nhân vật.
“Chân lý” chỉ cần là đàn ông, hung thủ sẽ không đụng tới bạn
Thay đổi lớn nhất trong Bằng chứng vô hình là giới tính nhân vật cảnh sát chịu trách nhiệm điều tra vụ án của Thu. Trong bản Việt, nhân vật là nữ và do Ái Phương đảm nhận.
Về tổng thể, sự thay đổi khiến bộ phim trở nên mềm mại hơn, và Thu không còn thân cô thế cô khi đứng trước lực lượng điều tra và hung thủ toàn bộ đều là nam giới. Nhờ có nhân vật cảnh sát Hòa, Thu sớm tìm thấy sự chia sẻ và đồng điệu.
Tuy nhiên, lựa chọn này vẫn để lại kẽ hở sau khi nhân chứng Hải do Otis thủ vai và tội phạm bắt cóc hiếp dâm Lê do Quang Tuấn thể hiện xuất hiện.
Ngay từ đầu, bộ phim đã “quy” cho mọi trở ngại trong cuộc đời Thu đến từ phái mạnh: cậu em trai gây ra tai nạn, người cấp trên từ chối cô quay lại ngành, Lê tìm cách đánh thuốc và tấn công cô trong đêm mưa, người cảnh sát trẻ nghi ngờ lời khai của cô...
Tới khi Hòa xuất hiện, tuy cái nhìn của cảnh sát với Thu đã có phần tôn trọng hơn, nhưng cách biệt về giới tính vẫn không được xóa bỏ. Đặc biệt, cách thức hành động của Lê càng khiến sự chọn lựa về mặt giới tính trở nên rõ nét.
Con dao phẫu thuật thường xuyên được Lê lôi ra dọa dẫm nạn nhân mỗi khi muốn thỏa mãn thú tính. Đó cũng là món vũ khí hắn dùng để tấn công nhân vật cảnh sát Hòa ở cuối phim. Và Lê cũng dự định dùng con dao này để kết liễu Thu.
Tuy nhiên, trong cả hai lần tấn công Hải - nhân chứng trực quan duy nhất của vụ án, Lê luôn nới tay vào phút cuối, và không hề sử dụng món vũ khí “tủ” của mình. Thậm chí, khi Lê tấn công Hải ở nhà Thu, dù mang sẵn dao trong người, hắn cũng chỉ liên tiếp đấm đá, đập đầu cậu thanh niên gan dạ.
Chi tiết này được xây dựng khác với bản gốc của Hàn, khi tên giết người hàng loạt đã vô hiệu hóa cậu nhân chứng do Yo Seung Ho thủ vai bằng một nhát đâm chí mạng ngay khi đặt chân tới ngôi nhà mà hai chị em đang trú ngụ.
Việc chỉ chịu “vung dao” với nạn nhân nữ, cùng câu chuyện kể lể dài dòng về quá khứ ám ảnh với mắt, vô tình sát hại người yêu, bắt cóc cưỡng bức các nạn nhân nhưng lại không đủ tàn bạo để kết liễu họ… của nhân vật Lê, khiến phản diện của Bằng chứng vô hình thảm hại chứ không nguy hiểm. Hắn đơn thuần hiện lên là một gã đàn ông ưa hành hạ phụ nữ, thay vì một tên giết người sẵn sàng xuống tay với bất cứ ai.
Cái kết lửng lơ không đọng lại gì
Ngay từ đầu phim, hành trình của nhân vật Thu đã được gắn với mục đích tiếp tục đam mê dành cho nghề cảnh sát, và chứng minh bản thân có ích với xã hội.
Trong suốt bộ phim, ý chí của cô bị thử thách hết lần này đến lần khác. Nhưng giống như một bài tập làm văn chưa kịp xong thì đã hết giờ, cái kết Bằng chứng vô hình thất bại trong việc mang đến cho khán giả đoạn kết giấc mơ của Thu.
Bộ phim của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh khép lại trong đêm mưa gió, sau khi Thu hạ được Lê thì chạy tới bên Hải. Màn hình chuyển đen và tên phim xuất hiện. Phim khép lại mà đội cảnh sát do cậu cảnh sát trẻ từng lấy lời khai của Thu ở đầu phim còn chưa kịp tới ứng cứu.
Tuy khán giả đã mệt mỏi với những kết thúc bằng cảnh cảnh sát tới trấn áp tội phạm của phim Việt, nhưng với Bằng chứng vô hình, sự xuất hiện của họ là cần thiết. Bản thân Thu là người khuyết tật, cô sẽ xoay xở làm sao để cứu bản thân và Hải khi cả hai đã thương tích đầy mình nếu không trông chờ vào giúp đỡ từ phía cảnh sát? Và sẽ ra sao nếu Lê chỉ ngất đi chứ chưa chết hẳn?
Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ khiến quyết định lựa chọn kết lửng cho Bằng chứng vô hình là sai lầm. Kết phim không để lại cho khán giả cảm giác thỏa mãn vì cái ác đã bị tiêu diệt hay an tâm vì nhân vật chính đã được an toàn.
Có thể dễ dàng đoán ra cái kết lửng của phim là cách để đạo diễn né tránh đề cập tới số phận của nhân vật Hòa ở cuối cảnh phim trước. Dính một nhát cắt ngay động mạch cổ và được phát hiện khá muộn, nhân vật của cô nhiều khả năng đã thiệt mạng ngay sau khi được cấp dưới phát hiện.
Suy đoán cũng phù hợp với các tình tiết xảy ra trong Blind, khi nhân vật nữ chính tới thăm mộ người cảnh sát đã điều tra vụ việc, cùng nhân vật của Yo Seung Ho sau khi cậu tốt nghiệp học viện cảnh sát.