Những thầy thuốc vì đồng bào vùng biên

Với tấm lòng lương y như từ mẫu, có những y, bác sĩ sẵn sàng tình nguyện đến những nơi vùng sâu, xa, biên giới của tỉnh để công tác. Họ chấp nhận 'cắm bản' và làm việc trong điều kiện khó khăn thiếu thốn trăm bề để tích cực chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc ở địa phương.

“Bảo bối sức khỏe” của đồng bào

Vẫn như mọi ngày, sáng hôm nay sau giờ khám bệnh, bốc thuốc cho nhân dân tại Trạm quân dân y kết hợp xã Lộc An (Lộc Ninh), Thiếu tá, y sĩ Trần Bá Đức, Đồn biên phòng Lộc An lại vai đeo giỏ, tay cầm ống nghe đi đến từng ấp và tới tận nhà khám bệnh cho đồng bào. Con đường vào ấp 54 có đông đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống, dường như đã quá quen thuộc với bước chân anh mỗi ngày. Đường đi lởm chởm đá, bụi đất đỏ bay mù mịt quyện chặt cây lá hai bên đường, còn mặt đường in rõ từng dấu chân anh.

Thiếu tá, y sĩ Trần Bá Đức khám bệnh cho gia đình cụ Thị Hứa và Điểu Brui

Căn nhà nhỏ nằm ngay đầu ấp là của gia đình cụ Điểu Brui, 82 tuổi và vợ là cụ Thị Hứa, năm nay cũng 77 tuổi. Cả 2 cụ đã suốt mấy chục năm qua sống trong cảnh neo đơn giữa tình yêu thương của xóm làng, vì 2 người con đã mất từ khi còn rất nhỏ.

Đã nhiều năm qua, Thiếu tá, y sĩ Trần Bá Đức vẫn thường xuyên tới tận nhà để khám, phát thuốc cho các cụ. Hình ảnh ấy cũng trở nên quen thuộc trong mắt dân làng, còn trong suy nghĩ của các cụ thì bộ đội Đức chính là “bảo bối sức khỏe”. Cụ Brui kể: “Vợ tôi mấy năm trước đi chăn bò thuê bị gãy tay, phải tháo mất một đoạn khớp. Mỗi lần trái gió, trở trời lại đau nhức, nhờ bộ đội Đức cho thuốc nên mới đỡ đau. Còn tôi cũng vậy, mấy năm nay hai đầu gối đau quá, đi xa không được, bộ đội Đức biết vậy bảo không cần đến trạm quân dân y nữa, cứ ở nhà anh sẽ đến khám. Hai vợ chồng không biết lấy gì cảm ơn bộ đội Đức nữa”. Tình cảm của cụ Brui và Thị Hứa cũng là tình cảm của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong ấp dành cho bộ đội Đức - cái tên quen thuộc mà họ vẫn gọi bấy lâu nay.

Hôm nay, ghé vào ấp ngoài mục đích khám bệnh, cấp thuốc cho một số cụ già neo đơn không còn đủ sức khỏe đến trạm, Thiếu tá, y sĩ Trần Bá Đức còn một nhiệm vụ quan trọng khác. Sau khi mọi người đã được thăm khám, anh Đức đề nghị một số người dân tập hợp lại, nhẹ nhàng mở chiếc giỏ xách lấy ra tập tài liệu in màu, kèm hình ảnh rất nổi bật. Đó là tài liệu tuyên truyền cho đồng bào về tác hại, cách phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Lật giở từng trang tài liệu, trong khi hàng chục ánh mặt của dân làng vẫn chăm chú theo dõi, bộ đội Đức ân cần căn dặn: “Bà con mình nhớ là hàng ngày phải giữ gìn vệ sinh, rửa tay bằng xà bông mà bộ đội cho hôm trước, đi đâu ra ngoài ấp cũng phải đeo khẩu trang. Không được chủ quan xem thường sức khỏe, nhất là phải ăn chín, uống chín”.

Thiếu tá, y sĩ Trần Bá Đức vốn là sinh viên của Học viện Quân y, anh tốt nghiệp năm 1998 và gắn bó với dân làng suốt từ đó đến nay. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở xã biên giới Lộc An, từ lâu bộ đội Đức đã là người thân. Anh gắn bó với bà con nơi đây đã hơn 11 năm và đã thăm khám, tư vấn, chữa khỏi bệnh cho hàng ngàn người.

Có những trường hợp nửa đêm phát bệnh, giữa chốn xa xôi, hẻo lánh không biết xoay xở thế nào người dân lại tìm đến anh. Cứ hễ nghe điện thoại của nhân dân báo có người bệnh thì bất ngày đêm, mưa nắng anh đều có mặt.

“Hôm đó mẹ tôi bị đau. Lúc đó khuya lắm rồi nhưng khi gọi vào Đồn biên phòng Lộc An, anh Đức đến tận nhà thăm khám, cho thuốc. Đến nay mẹ tôi đỡ nhiều rồi. Hôm nay tranh thủ giờ trưa chạy ra trạm biếu anh cặp gà nhà nuôi được để tặng các anh nấu cháo bồi dưỡng” - anh Trần Đình Linh, ấp 2, xã Lộc An chia sẻ.

Để cám ơn bộ đội Đức, anh Trần Đình Linh, ấp 2, xã Lộc An mang cặp gà ở nhà đến tặng

Ở nơi xa xôi của biên giới, dù điều kiện sinh hoạt, làm việc còn nhiều khó khăn, thuốc men cũng không được đầy đủ nhưng được sự động viên của lãnh đạo, chỉ huy đồn và nhất là những tình cảm chân thành của người dân đã giúp anh Đức và nhiều chiến sĩ nơi đây càng có thêm động lực để cống hiến.

Thiếu tá, y sĩ Trần Bá Đức chia sẻ: “Mình không có tiền bạc, không giúp được tiền bạc thì mình giúp người dân bằng tình cảm. Đêm hôm bà con bệnh mình xuống. Bà con họ quý mình, thương mình lắm!”.

Suốt mấy chục năm gắn bó với người dân nơi biên giới, hơn ai hết, những bác sĩ mang quân hàm xanh như Thiếu tá, y sĩ Trần Bá Đức luôn xem “Đồn là nhà, biên giới là quê, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Đây cũng chính là sợi dây vô hình kết nối tình quân dân bền chặt.

Bác sĩ trẻ bỏ phố lên rừng

Tại Trung tâm y tế huyện Bù Đốp cũng có một bác sĩ trẻ giàu tâm huyết sẵn sàng từ bỏ cơ hội được làm việc ở thành phố để về đây công tác, đó là bác sĩ Trần Mỹ Đạt. Vốn là một cựu học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung. Năm 2017, tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, được đào tạo bài bản, có cơ hội tìm việc làm tốt nhưng để được phục vụ nhân dân địa phương, anh đã tình nguyện về công tác tại vùng biên giới Bù Đốp. Giỏi chuyên môn và giàu tâm huyết nên mới 27 tuổi, anh Đạt đã phụ trách Khoa hồi sức cấp cứu - một trong những khoa quan trọng và nhiều áp lực của trung tâm.

Bác sĩ Trần Mỹ Đạt khám cho bệnh nhân cao tuổi đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Bù Đốp

Trách nhiệm nặng nề nhưng anh Đạt đã không ngừng phấn đấu, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và đã xử lý thành công nhiều ca bệnh khó, đem lại sự sống cho nhiều người tưởng chừng đã hết hy vọng. Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bù Đốp nhận xét: “Bác sĩ Đạt dù còn trẻ nhưng rất nỗ lực, thể hiện tốt trình độ chuyên môn. Bác sĩ Đạt đã kịp thời cứu sống nhiều trường hợp về tim mạch và các bệnh lý khác. Ngoài ra, bác sĩ Đạt cùng các đồng nghiệp của khoa ngoại, khoa sản tiến hành phẫu thuật nhiều ca rất thành công”.

Đảm nhận vai trò quản lý điều hành một trong những khoa nhiều áp lực, lại hoạt động trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, nhất là về trang thiết bị đòi hỏi những người như anh Đạt phải sáng tạo, linh hoạt. Với anh, không niềm vui nào bằng được nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh.

Đem lại sức khỏe cho mọi người, lấy niềm vui của người bệnh và người thân của họ làm niềm vui của mình. Đó luôn là tâm niệm của bác sĩ Trần Mỹ Đạt và Thiếu tá, y sĩ Trần Bá Đức. Dù khoác lên mình chiếc áo blouse trắng hay vẫn trong trang phục của người chiến sĩ quân hàm xanh thì những cống hiến quên mình của họ thật đáng trân quý.

Họ chính là những bông hoa tỏa hương giữa đời thường, là ngọn lửa truyền hơi ấm của tình yêu thương đến với đồng bào các dân tộc vùng biên giới.

Quang Xuân - Viết Bằng

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/nhung-thay-thuoc-vi-dong-bao-vung-bien-271111