Những thí sinh U60 kể chuyện học thi
Tất cả đều đã trên 50 tuổi, nhưng họ vẫn quyết ôn thi nghiêm túc để có tấm bằng tốt nghiệp THPT cho mình
Kiếm tấm bằng để thực hiện ước mơ
Trong những ngày qua, nhiều người không khỏi bất ngờ khi thấy 1 thí sinh đã lớn tuổi tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại điểm thi Trường THPT Gia Nghĩa (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Đó chính là ông Mai Kim Thiều (54 tuổi, ngụ thị xã Gia Nghĩa) - là thí sinh lớn tuổi nhất kỳ thi THPT quốc gia năm nay ở Đắk Nông.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Thiều cho biết ông quê ở Nam Định vào Đắk Nông sinh sống từ năm 2016. Trước đây cuộc sống khó khăn, không có điều kiện học hành nên chưa hoàn thành được chương trình phổ thông. Tuy nhiên, mong ước có 1 bằng tốt nghiệp THPT không bao giờ hết trong ông.
Do đó, khi vào Đắk Nông ông đã đăng ký học bổ túc văn hóa, học kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12 giống như các học sinh khác. Ngoài ra, để tiết kiệm thời gian, ông còn học thêm lớp y sĩ đa khoa và kiến thức về đông y. Hiện tại lớp y sĩ đa khoa đã hoàn thành, khi nào có bằng cấp 3 thì ông sẽ được nhận bằng. Bên cạnh đó, nếu có bằng tháng 9-2019, ông tiếp tục thi lớp đông y để hoàn tất các điều kiện mở phòng mạch.
Ông Thiều cho biết thêm đi học khi tuổi đã lớn nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, 3 năm trọ học xa nhà, ông luôn được gia đình động viên để hoàn thành khóa học mặc dù điều kiện kinh tế của gia đình cũng không mấy khá giả, con gái lớn vừa mới tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội. Bên cạnh đó, trong thời gian "nước rút" ôn tập, tháng trước ông bị tai nạn, gãy tay và mới tháo bột được 3 ngày để đi thi, hiện tay viết vẫn còn đau nhức nên ông phải viết chậm.
Chia sẻ về kết quả làm bài, ông Thiều cho biết ông làm bài cũng tạm ổn. So với ngày trước thì kiến thức bây giờ rộng hơn nhiều, ông lại có tuổi nên khả năng tiếp thu chậm hơn những học sinh khác. Chọn tổ hợp khoa học xã hội trong kỳ thi này, ông Thiều hy vọng những kiến thức mà mình tích lũy được trong thời gian qua sẽ giúp ích được một phần nào. "Nếu không đậu, sang năm tôi vẫn tiếp tục dự thi. Tôi cũng sắp lên chức ông ngoại nhưng không có gì là muộn cả. Nếu cố gắng và phấn đấu, tôi nghĩ mình sẽ làm được" - thí sinh 54 tuổi hồ hởi nói.
Ông Nguyễn Văn Cư (51 tuổi, ngụ TP Nha Trang, Khánh Hòa) thi tại hội đồng thi Trường THCS Thái Nguyên. Với dáng người nhỏ nhắn, mái tóc muối tiêu với cặp kính dày, nhìn ông Cư không ai nghĩ là thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia.
Ông cho biết từ năm 1985 khi đang học lớp 11 thì bị bệnh nặng nên ông nghỉ học. Gia đình làm nghề biển nuôi 9 người con với 2 cháu, khó khăn nên việc học hành với anh chị em ông Cư hầu hết đều đứt gánh. Ông đi bộ đội sau đó về địa phương vào học Trường Kỹ thuật lâm nghiệp Phú Khánh.
Sau gần 35 năm bỏ ngang chuyện học, ông quyết tâm lấy bằng THPT. Ông biết đó là thử thách hết sức khó khăn khi ông đã 51 tuổi có 4 người con. "Khi đăng ký vào học ở trung tâm giáo dục thường xuyên, tôi cũng ngại lắm vì mình lớn tuổi rồi, nhưng không học thì sao có tấm bằng được" - ông Cư nói.
"Vợ con hết sức động viên và tôi cũng nghĩ học không bao giờ muộn nên quyết tâm ôn luyện. Tôi mua sách tham khảo, đọc tài liệu, rảnh khi nào là học khi đó. Khó nhất là môn toán, nhiều lần phải thức trắng đêm để giải bài. Vừa rồi mới thi xong môn toán cũng tự tin làm đúng khoảng 20 câu. Hy vọng sẽ đậu trong kỳ thi này"- ông Cư cho biết.
Kể về động lực cho để quyết tâm thi lấy bằng tú tài, ông Cư cho biết thời trẻ sau khi học trường kỹ thuật lâm nghiệp xong ông làm bảo vệ rừng ở khu vực huyện Khánh Vĩnh. Trong quá trình làm việc ông được một thầy thuốc chuyên đi lên rừng kiếm thảo dược làm thuốc nam truyền nghề. "Sau khi có bằng THPT tôi sẽ thì vào trường trung cấp dược. Mình có ước mơ thì quyết tâm thực hiện ước mơ thôi"- ông Cư tâm sự.
Thi vì ước nguyện của mẹ
Ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, cụm thi Trường Lạc Long Quân có 2 thí sinh hết sức đặc biệt, năm nay 55 tuổi. Đó là ông Hồ Phước Thuật (ngụ xã Cầu Bà) và ông Pi Năng Là Bê (cùng sinh năm 1964, người dân tộc Raglai, xã Khánh Thượng). Kể về hoàn cảnh của mình, ông Thuật cho biết nhà có 5 anh em trai, cha mất sớm từ khi ông lên 3 tuổi. Gia đình khó khăn nên từ năm 1981 khi học lớp 9, ông Thuật phải nghỉ học để theo gia đình lên vùng kinh tế mới ở huyện Khánh Vĩnh sinh sống, việc học dở dang.
"Cách đây 5 năm, khi mẹ tôi qua đời, nguyện vọng của bà là muốn con cái có bằng cấp đàng hoàng để làm gương cho con cháu noi theo. Do đó, năm 2016, tôi bắt đầu đăng ký học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Sau 3 năm miệt mài học tập đến nay tôi tham gia kỳ thi này với quyết tâm cao sẽ đỗ để không phụ lòng ước nguyện của mẹ"- ông Thuật cho biết.
Còn với ông Pi Năng Là Bê (SN 1964, người dân tộc Raglai ở huyện Khánh Vĩnh) đang công tác tại Hội Nông dân xã Khánh Thượng cũng là một tấm gương về việc học tập. Theo ông Bê, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông phải làm thuê, làm rẫy phụ gia đình từ nhỏ nên học hết lớp 9 ông phải nghỉ học. Trong quá trình công tác tại Hội Nông dân, ông nhận thấy cần bổ sung nhiều kiến thức nên quyết tâm "làm lại từ đầu". Năm 2016, sau hơn 35 năm nghỉ học, ông bắt đầu đăng ký học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. "Thật không dễ dàng gì khi bằng tuổi này rồi còn đi học, đi thi. Đề thì hơi khó, nhất là môn toán, nhưng thực sự rất hy vọng mình sẽ đậu nhờ môn sử địa…" – ông Bê tâm sự.
Thí sinh lộn cả giới tính
Sáng 25-6, tại điểm thi Trường THPT Gia Nghĩa có một tình huống hy hữu khi 1 thí sinh quá hồi hộp, lo lắng nên đã đánh nhầm giới tính của mình. Rất may sự việc được giám thị phát hiện kịp thời nên đã kịp khắc phục sai sót.
Còn theo một giám thị của điểm thi này, nhiều thí sinh nhầm lẫn khi điền thông tin hội đồng thi và điểm thi. Các sai sót đều được các giám thị nhắc nhở và hướng dẫn thí sinh cụ thể.