Những thiết bị mới sẽ định hình lại thế giới truyền thông

Máy tính hoặc điện thoại thông minh đã trở thành cổng kết nối internet của hầu hết mọi người trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên truyền thông mới tới đây, sẽ có những cách tiếp cận thông tin và trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.

Những giao thức truyền thông mới

Ngay trong năm 2024 này, chúng ta đã và sẽ chứng kiến các thiết bị mới nhằm mục đích phá vỡ sự phụ thuộc của chúng ta vào điện thoại thông minh, bằng việc sử dụng các kiểu tương tác như ra lệnh bằng giọng nói, chuyển động bằng ánh mắt hay cử chỉ.

Vào tháng giữa tháng 5 vừa rồi, cả 2 gã khổng lồ công nghệ là OpenAI và Google đều cho công bố những mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ mới của riêng mình. Cụ thể, mô hình GPT-4o của OpenAI và Gemini 1.5 của Google có thể tương tác với người dùng tự nhiên như một người bạn hay một trợ lý ngoài đời thực.

Đặc biệt, thông qua “đôi mắt” camera của các thiết bị, hiện tại là điện thoại thông minh và có thể là kính thực tế ảo trong tương lai, mô hình này có thể phản ánh và xử lý mọi đồ vật xung quanh, như việc tìm ra một đồ vật mà ông chủ của nó bỏ quên, hoặc giải một bài toán mà người dùng đưa cho nó “xem”. Nó thậm chí còn có thể xác định cả nguyên nhân một thiết bị hỏng nếu bạn cho nó xem chi tiết vật thể đó.

 Tương lai của truyền thông sẽ thuộc về các thiết bị và giao thức tương tác mới. Ảnh: GI

Tương lai của truyền thông sẽ thuộc về các thiết bị và giao thức tương tác mới. Ảnh: GI

Sự “thông minh” của các mô hình AI thậm chí còn vượt qua cả dự báo của chính những người tạo ra nó. CEO Sam Altman của OpenAI phải thốt lên: “Cảm giác giống như trong phim về AI… Nói chuyện với máy tính chưa bao giờ thực sự tự nhiên đối với tôi; bây giờ nó đã như vậy”. Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk đã trích dẫn cuốn tiểu thuyết viễn tưởng “Culture Book Series” của Ian Banks - cuốn sách hư cấu về một xã hội được điều hành bởi công nghệ tiên tiến - chính là “hình dung thực tế nhất về AI trong tương lai”.

Như vậy, những thiết bị và công nghệ “siêu thực” đang dần đi vào đời sống của xã hội nói chung, thế giới truyền thông nói riêng. Chắc chắn nó sẽ tác động rất lớn và thậm chí thay đổi bộ mặt truyền thông trong tương lai gần. Đơn giản, giao diện tiếp xúc của người dùng, của độc giả báo chí khi đó sẽ không còn là màn hình máy tính hay điện thoại thông minh nữa. Đó sẽ là một giao thức hoàn toàn khác, kiểu như người điều khiển ô tô ngày nay ra lệnh cho trợ lý ảo thực hiện các tác vụ như mở bản đồ hay đọc tin tức vậy.

Điện thoại AI, máy tính AI và hơn thế nữa

Không chỉ những phần mềm hay mô hình AI, mà ngay cả các thiết bị phần cứng siêu thông minh cũng đã được các hãng công nghệ cho ra đời. Hồi cuối tháng 2 năm nay, tập đoàn viễn thông Deutsche Telekom đã giới thiệu mẫu điện thoại AI có tên “T-phone”, với giao diện không hề không ứng dụng.

CEO Deutsche Telekom, Tim Hoettges chia sẻ rằng: “Tôi có thể nói với bạn rằng trong 5 - 10 năm nữa, không ai trong chúng ta sẽ sử dụng ứng dụng nữa”. Với chiếc điện thoại AI này, công việc duy nhất của người dùng chỉ là ra lệnh cho nó, như “Hãy giải cho tôi phép tính này” hoặc “Hãy đọc cho tôi những tin tức và những bài báo quan trọng vào hôm nay”!

 CEO Tim Hoettges của Deutsche Telekom giới thiệu điện thoại di động không có ứng dụng vào ngày 26 tháng 2 năm 2024. Ảnh: Reuters

CEO Tim Hoettges của Deutsche Telekom giới thiệu điện thoại di động không có ứng dụng vào ngày 26 tháng 2 năm 2024. Ảnh: Reuters

Cũng chỉ mới cuối tháng 5 vừa rồi, cả Microsoft và Dell đều đã cho ra mắt những chiếc máy tính AI thương mại đầu tiên của mình. CEO Satya Nadella của Microsoft cho biết trong lễ ra mắt PC Copilot+: “Chúng tôi đang giới thiệu một loại PC Windows hoàn toàn mới được thiết kế để giải phóng sức mạnh của AI”. Nadella cho rằng đây là một bước tiến mới mà trong đó những thiết bị có thể “ngay lập tức nhìn, nghe và suy luận về ý định của chúng ta cũng như môi trường xung quanh chúng ta”, đồng thời tuyên bố rằng: “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới, nơi máy tính không chỉ hiểu chúng ta mà còn thực sự dự đoán những gì chúng ta muốn và ý định của chúng ta”.

Tất nhiên, những thiết bị truyền thông mới không chỉ có vậy. Truyền thông là phạm trù liên quan đến nghe - nhìn. Và hiện tại đã có khoảng 200 triệu loa thông minh được sử dụng trong nhà của mọi người trên khắp thế giới. Chúng đang và sẽ còn được bổ sung thêm AI, khiến chúng trở nên hữu ích hơn là chỉ phát nhạc.

Trong khi đó, ở khía cạnh “nhìn” thì không thể bỏ qua các loại kính thông minh đã được phát triển trong nhiều năm qua, và chắc chắn trở nên hữu ích hơn nhờ sự kết hợp của AI trong thời gian tới. Ví dụ, kính thông minh Vision Pro của Apple vừa được ra mắt hồi tháng 2/2024 có thể kết hợp liền mạch nội dung kỹ thuật số với không gian thực. Với nó, người dùng có thể đọc báo, soạn văn bản hoặc kể cả làm việc thông qua một cặp mắt kính nhỏ, chứ không cần điện thoại hay một chiếc máy tính cồng kềnh.

 Truyền thông qua các thời kỳ luôn gắn liền với sự ra đời của các thiết bị mới. Ảnh: FT

Truyền thông qua các thời kỳ luôn gắn liền với sự ra đời của các thiết bị mới. Ảnh: FT

Đến lúc này có thể tin rằng không chỉ các mô hình AI, mà các thiết bị phần cứng như điện thoại AI và máy tính AI sẽ là tương lai sắp tới của truyền thông. Các thiết bị sẽ ngày càng thông minh và nhỏ gọn đến mức “vô hình”. Đó là xu thế không thể đảo ngược bởi sự tiến bộ không ngừng của công nghệ.

Với báo chí, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Liệu các sản phẩm của báo chí sẽ bị các thiết bị và mô hình siêu thông minh sao chép hoặc đánh cắp dễ dàng và khó bị phát hiện? Tuy nhiên, sự tiến bộ của công nghệ cũng có thể giúp báo chí tìm ra được một giải pháp bảo vệ bản quyền các tác phẩm của mình tốt hơn.

Huy Hoàng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-thiet-bi-moi-se-dinh-hinh-lai-the-gioi-truyen-thong-post299892.html