Giải nhất thuộc về dự án "Climate Control Skyscraper", thiết kế bởi Kim Gyeong Jeung, Min Yeong Gi và Yu Sang Gu từ Hàn Quốc. Trong đó, loạt công trình được sử dụng để điều chỉnh điều kiện thời tiết, từ đó giảm nhẹ khủng hoảng khí hậu toàn cầu, góp phần ngăn ngừa sa mạc hóa, tăng nhiệt độ và thảm họa thiên nhiên.
Dự án "Tsunami Park Skyscraper" đạt giải nhì, do nhóm kiến trúc sư đến từ Trung Quốc thực hiện. Các công trình được thiết kế như một rừng đước nhân tạo cho vùng Tonga, nhằm ngăn sóng thần ở khu vực Vành đai Thái Bình Dương.
"New Spring: Agro-ecological Skyscraper" do Michal Spólnik từ Áo và Marcin Kitala từ Ba Lan thiết kế đạt giải ba. Dự án đặt tầm nhìn về những mô-đun vườn chứa các hệ thực vật và vi sinh vật riêng biệt, có thể được đưa đến những vùng đặc biệt để gây mầm sự sống.
Dự án "Regenerative Highrise" lấy ý tưởng từ một cao ốc được xây dựng bằng gỗ, có thể dễ dàng thay đổi để phù hợp với những yêu cầu khác nhau trong tương lai.
Còn dự án "Urban Bypass Surgery" thiết kế hệ thống vận chuyển bằng tàu cáp trên cao tại thành phố Changchun của Trung Quốc, dành không gian cho các công viên và nhà cửa di động.
"Tree Skyscraper in South Sudan" được thiết kế để thu giữ và lọc nước mưa, nhằm cung cấp một nguồn nước uống ổn định cho người dân Sudan.
Dự án "Connecting Skyscrapers in Hong Kong Through Infrastructure" do kiến trúc sư Zheng Xiangyuan (Trung Quốc) thiết kế. Trong đó, các đường ống lớn sẽ nối cao ốc với nhau, tận dụng khoảng không làm không gian sống.
Một cộng đồng cho người nhập cư trong "Urban Condenser" được bố trí với những ngôi nhà bám theo mái vòm. Khoảng trống ở giữa được tận dụng làm công viên, sân chơi.
Những tòa cao ốc trong dự án "Residential Flying Unit Nest Skyscraper" được thiết kế với vai trò bãi đỗ cho các phương tiện bay. Chúng cũng đồng thời là không gian sống.
An Ngọc
Ảnh: eVolo Magazine