Những thiệt thòi không dễ sẻ chia

ĐBP - Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin luôn được Ðảng, Nhà nước, các cấp ngành quan tâm. Song khác với nhiều hội, đoàn thể khác, di chứng dai dẳng từ chất độc làm cho những đau đớn, thiệt thòi của nạn nhân da cam/dioxin nhiều khi là không gì có thể sẻ chia, gánh bớt...

Ðại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Nguyễn Minh Khai, nạn nhân chất độc da cam, tổ dân phố 10, phường Thanh Bình (thành phố Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Ðức Linh

Ðại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Nguyễn Minh Khai, nạn nhân chất độc da cam, tổ dân phố 10, phường Thanh Bình (thành phố Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Ðức Linh

Ông Lê Xuân Chinh, đội 4, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) là người nhiễm chất độc hóa học 67%. Ông tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng trị năm 1972, phục viên về quê hương Hưng Hà, Thái Bình xây dựng gia đình rồi lên Ðiện Biên xây dựng kinh tế mới. Trải qua vô vàn khó khăn do ốm đau bệnh tật, thiếu thốn về kinh tế, đến nay cuộc sống của ông và gia đình đã có nhiều thay đổi. Mọi chế độ chính sách đều được đảm bảo; luôn được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm chăm sóc. Ðồng đội của ông ở khắp mọi miền cũng luôn dõi theo và sẵn sàng sẻ chia gian khó, vì thế từ nhiều năm nay ông bà đã được sống trong ngôi nhà xây ba gian khang trang, sạch đẹp. Cũng có thời điểm, con trai duy nhất của ông được đồng đội cũ dẫn về Hà Nội tạo việc làm ổn định để tiện chăm sóc thay ông... Nhưng với nạn nhân chất độc da cam thì không phải khó khăn, thiệt thòi nào cũng có thể sẻ chia. Ông Chinh bị nhiễm chất độc da cam nên ốm đau triền miên, con trai duy nhất của ông bị di chứng từ cha nên không khỏe mạnh, hoạt bát được như bao người khác; nên dù đồng đội có tha thiết muốn chia sẻ, gánh thay cũng không thành. Rồi đến cháu nội của ông Chinh, đứa cháu ông nâng niu đặt tên là Bảo Ngọc cũng bị di chứng nặng nề. Chúng tôi day dứt mãi về lời chia sẻ của ông trong một lần gặp mặt: Tôi còn sống được là may mắn hơn đồng đội nhiều rồi; chỉ thương con trai và cháu nội cùng bị bệnh tật, không biết rồi sau này chăm sóc nhau thế nào đây...

Ông Ðàm Ngọc Quang, ở đội 5, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) cũng là hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Ðiện Biên. Nhà có hai bố con bị nhiễm chất độc da cam nên ốm đau triền miên. Ðã vài năm nay ông Quang gần như chỉ quanh quẩn trông nhà và trông người con trai đã hơn 30 tuổi mà như đứa trẻ. Ông Quang chia sẻ: Cháu hơn 30 tuổi rồi nhưng vì bị di chứng chất độc hóa học từ bố nên khổ lắm. Có ngày nấu được nồi cơm, song cũng có khi cả chục ngày liền cháu chỉ nằm trên giường; nhiều dạo đến hơn tuần không ăn 1 miếng cơm nào, nhưng cũng có thời điểm thì ăn liên hồi, gấp nhiều lần người bình thường... Dịp tết vừa rồi tôi ốm một trận “thập tử nhất sinh”, chỉ lo “đi” vào đúng ngày tết thì khổ cả gia đình, hàng xóm; nhưng may mà qua khỏi...

Dù đã nhiều lần được mời đi điều dưỡng tại Trung tâm Ðón tiếp thân nhân liệt sĩ và Ðiều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh, nhưng không phải khi nào ông Vương Công Khai, đội 15, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) cũng dám đi vì sức khỏe yếu.

Dù đã nhiều lần được mời đi điều dưỡng tại Trung tâm Ðón tiếp thân nhân liệt sĩ và Ðiều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh, nhưng không phải khi nào ông Vương Công Khai, đội 15, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) cũng dám đi vì sức khỏe yếu.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Vương Công Khai, nạn nhân chất độc da cam 61%, ở đội 15, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) vào những ngày đầu tháng 8. Trong ngôi nhà khang trang, ông Khai chia sẻ: Nhà này xây được là do con cái góp tiền cho, rồi được hỗ trợ 50 triệu vì là đối tượng chính sách. Bây giờ kinh tế đỡ nhiều lắm rồi, song thiệt thòi nhất là sức khỏe. Di chứng từ chất độc da cam khiến ông ốm đau quanh năm. Nhiều lần được mời đi điều dưỡng ở Trung tâm Ðón tiếp thân nhân liệt sĩ và Ðiều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh nhưng không phải lần nào ông cũng dám đi vì yếu quá...

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hiện có gần 260 hội viên; sinh hoạt ở 14 chi hội, tập trung nhiều nhất ở huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ; một vài huyện khác vì ít hội viên nên sinh hoạt ghép. Ông Ðoàn Văn Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Không giống như nhiều tổ chức hội khác, hội viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin rất nhiều khó khăn, mà cơ bản nhất là về sức khỏe. Khi đã nhiễm chất độc da cam thì nỗ lực vượt lên ốm đau bệnh tật để sống tích cực đã là quý lắm rồi. Như hiện nay, hội viên nạn nhân da cam không ai mang trong mình dưới 3 bệnh và từ đầu năm 2019 đến nay đã có 7 hội viên chết vì các bệnh ung thư. Không ít hội viên là người tham gia kháng chiến và là con đẻ, là cháu (đời thứ ba) của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chất lượng cuộc sống kém vì bệnh tật. Bên cạnh đó, phần lớn hội viên sống ở khu vực nông thôn, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Và thực tế là, vẫn còn không ít trường hợp bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin nhưng chưa làm được thủ tục hưởng chế độ vì không có giấy tờ xác nhận...

Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, những năm qua tỉnh ta đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hiệu quả. Với mỗi mức độ suy giảm khả năng lao động, nạn nhân chất độc da cam được hưởng các mức trợ cấp cụ thể và đến nay luôn đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và nhiều cấp, ngành cũng quan tâm tri ân, chia sẻ bằng những hoạt động khác: Trao tặng quà vào các dịp lễ, tết; hỗ trợ cơ sở vật chất (xây nhà, sửa nhà...); hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Gần nhất là, trong tháng 8 này có 28 hội viên được đi xông hơi giải độc; nhiều hội viên được đi điều dưỡng tại Trung tâm Ðón tiếp thân nhân liệt sĩ và Ðiều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh. Trong ngày 10/8 - Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cũng tổ chức buổi gặp mặt để hội viên có dịp gặp nhau ôn lại kỷ niệm những ngày “khói lửa”, chia sẻ với nhau về cuộc sống, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn...

Nhân nói về công tác chuẩn bị cho buổi gặp mặt - Ngày vì nạn nhân chất độc da cam; được biết Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã gửi hơn 300 thư kêu gọi hỗ trợ đến khắp các huyện, thị, sở, ngành; nhưng dẫu mấy tháng trôi qua cũng chỉ có hơn 30 đơn vị hồi âm, số tiền ủng hộ cũng chẳng thấm vào đâu so với mong muốn: “Bên cạnh quà của tỉnh có thể thêm một phần nhỏ nữa từ cộng đồng để tặng hội viên hôm gặp mặt” - ông Mão nói. Với thực tế, là tỉnh nghèo, quỹ hạn hẹp, hội viên khó khăn; mái nhà dù đã hỗ trợ cho hội viên thì nhiều năm rồi cũng hỏng, trong khi có đến gần 260 hội viên, nên muốn quan tâm hỗ trợ thường xuyên cũng không hề dễ. Chưa kể là, hiện nạn nhân chất độc da cam là thế hệ thứ ba chưa thuộc diện được hỗ trợ chăm sóc; đây là thiệt thòi không nhỏ với gia đình nạn nhân. Tổ chức Hội nạn nhân chất độc da cam ở Ðiện Biên hiện chỉ có ở cấp tỉnh nên phần nào việc gần gũi sâu sát quan tâm hội viên cũng còn nhiều hạn chế...

Còn chúng tôi, xin được lấy chia sẻ day dứt của ông Ðoàn Văn Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thay cho lời kết: Năm 2019, Hội có 6 nhóm mục tiêu thi đua, nhưng không dám đề ra mục tiêu làm kinh tế giỏi, vì sức khỏe ấy thì khó lắm! Anh chị em hội viên bảo nhau vượt qua chính mình, sống sao cho gương mẫu, thực hiện tốt chủ trương chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước... là quý rồi. Tôi mong rằng, Ðảng, Nhà nước, các cấp ngành, đã rất quan tâm rồi, xin cả cộng đồng xã hội hãy quan tâm hơn nữa để dẫu không thể chữa lành bệnh, không thể chia sẻ ốm đau bệnh tật, thì cũng có thể chăm lo được tốt hơn đời sống hội viên...

Bài, ảnh: Mai Thủy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/171190/nhung-thiet-thoi-khong-de-se-chia