Những thói quen ăn uống khiến bạn suy nhược cơ thể

Mệt mỏi, lo âu, khó ngủ, kém tập trung, giảm năng suất làm việc là những dấu hiệu của suy nhược cơ thể. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài lâu dần dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể mà bản thân không hay biết hoặc chủ quan với những dấu hiệu bất thường của sức khỏe.

Suy nhược cơ thể do đâu?

Dấu hiệu suy nhược cơ thể xuất hiện chủ yếu do những nguyên nhân dưới đây:

Do lao động quá sức: Nguyên nhân chính gây suy nhược cơ thể ở những người trẻ tuổi là do lao động quá sức. Lao động nặng, làm việc nhiều giờ trong ngày mà ít nghỉ ngơi, chế độ sinh hoạt không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống và suy nhược về lâu dài.

Do bệnh lý:Những người mắc bệnh lý về huyết áp, thiếu sắt, nhiễm trùng, suy giảm miễn dịch, nhiễm virus,… cũng dễ bị suy nhược cơ thể.

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày vì vậy cần phải ăn sáng đầy đủ.

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày vì vậy cần phải ăn sáng đầy đủ.

Người bị trầm cảm

Người bị rối loạn cảm xúc, tâm lý bất ổn khiến cho việc sinh hoạt thường ngày cũng không khoa học, ăn uống không đủ chất, suy nghĩ nhiều, mệt mỏi. Đối tượng này có nguy cơ cao bị suy nhược cơ thể do tâm lý.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng quá nghèo nàn, kiêng khem hoặc người kén ăn, người ăn uống thiếu chất,… đều dễ bị suy nhược cơ thể. Thực tế cho thấy nhiều người có thói quen sai lầm khiến cơ thể bị suy nhược.

Những sai lầm thường gặp khiến cơ thể suy nhược

Bỏ ăn bữa sáng

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Bữa sáng khởi động quá trình trao đổi chất, giúp đốt cháy calo suốt cả ngày. Khi thức dậy, lượng đường trong cơ thể thường ở mức thấp. Nếu chúng ta không ăn sáng, cơ thể sẽ không nhận được nhiên liệu vì vậy, chúng ta sẽ cảm thấy cơ bắp mệt mỏi và trí não không tập trung.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người ăn sáng đều đặn có trí nhớ và sự tập trung tốt hơn, mức cholesterol LDL thấp hơn và khả năng mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tim và thừa cân thấp hơn.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trung bình, những người ăn sáng thường gầy hơn những người không ăn. Điều đó có thể là do ăn thực phẩm có protein và chất xơ vào buổi sáng giúp giảm cảm giác thèm ăn trong thời gian còn lại của ngày.

Vì vậy, đừng bỏ bữa sáng, bữa sáng lành mạnh là bữa ăn đầy đủ và cân đối kết hợp các nhóm thực phẩm. Để đạt được điều đó bữa sáng tốt nhất nên kết hợp các loại thực phẩm chứa chất bột đường (carbs) sẽ cung cấp năng lượng ngay lập tức, chất đạm (protein) cung cấp năng lượng sau đó, chất béo lành mạnh và chất xơ giữ cảm giác no sau khi ăn.

Nếu tập luyện quá nhiều, ăn uống kiêng khem khắt khe sẽ khiến cơ thể luôn bị thiếu hụt năng lượng.

Nếu tập luyện quá nhiều, ăn uống kiêng khem khắt khe sẽ khiến cơ thể luôn bị thiếu hụt năng lượng.

Kiêng ăn thịt đỏ

Thịt đỏ rất giàu sắt, nếu thiếu yếu tố này cơ thể sẽ không cung cấp đủ oxy cho các tế bào hoạt động, khiến cảm thấy lờ đờ và mệt mỏi suy nhược cơ thể.

Ngay cả khi đang giảm cân, không nên từ bỏ thịt đỏ hoàn toàn mà vẫn nên sử dụng thịt đỏ (như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu...) một đến hai lần mỗi tuần.

Kiêng đường, hạn chế các loại thực phẩm có chứa nhiều đường

Đường có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe nếu ăn quá nhiều. Nên chú ý về lượng đường trong thực phẩm đóng gói và đông lạnh. Và nếu đang ăn quá nhiều đường, hãy thực hiện các bước để cắt giảm. Nhưng cần lưu ý rằng cơ thể cũng vẫn cần một lượng đường nhất định để hoạt động.

Vì vậy, không nên tuyệt đối kiêng đường. Nếu cho rằng, hoa quả cũng có rất nhiều đường và kiêng ăn cả những hoa quả ngọt như ăn một quả táo thì đó là một suy nghĩ có phần cực đoan trong việc kiêng ăn đường.

Các thực phẩm như trái cây hoặc sữa có chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và một lượng đường thấp. Đáng chú ý, lượng đường ở các thực phẩm này là đường tự nhiên, không phải đường nhân tạo. Vậy chẳng có lý do gì để kiêng đường hãy ăn các loại trái cây và sữa mỗi ngày.

Kiêng tinh bột

Đừng sợ ăn tinh bột sẽ gây béo phì mà cắt bỏ hoàn toàn. Cần ăn tinh bột ở mức độ vừa phải để cơ thể cần chúng để hoạt động tốt và không cảm thấy buồn ngủ cả ngày. Chìa khóa cho một chế độ ăn uống thành công là cung cấp đủ các nguồn thức ăn giàu tinh bột và chất xơ.

Tập luyện quá nhiều mà kiêng ăn khắt khe

Nếu tập luyện quá nhiều, ăn uống kiêng khem khắt khe sẽ khiến cơ thể luôn bị thiếu hụt năng lượng. Thay vì có thể giảm được trọng lượng nhiều hơn, cơ thể sẽ rơi vào suy nhược.

Cần làm gì khi suy nhược cơ thể?

Để tránh suy nhược cơ thể, việc sinh hoạt cần khoa học, dinh dưỡng hợp lý. Chìa khóa cho chế độ ăn uống lành mạnh là ăn đúng lượng calo với mức độ hoạt động của từng người. Chế độ ăn cân bằng là ăn đầy đủ các nhóm chất.

Không kiêng tinh bột hoàn toàn mà cần ăn thực phẩm chứa tinh bột có chất xơ cao hơn như: khoai tây, bánh mì, gạo, mì ống và ngũ cốc. Chọn các loại chất xơ hoặc ngũ cốc nguyên hạt nhiều hơn, chẳng hạn như mì ống nguyên hạt, gạo nâu hoặc khoai tây nguyên vỏ. Chúng chứa nhiều chất xơ hơn carbohydrate tinh bột trắng hoặc tinh chế và có thể giúp cảm thấy no lâu hơn.

Cần ăn nhiều trái cây và rau, nên ăn ít nhất 5 phần trái cây và rau quả mỗi ngày. Để thực hiện dễ dàng việc này, có thể ăn một lát chuối vào ngũ cốc ăn sáng, hoặc bữa nhẹ giữa buổi là một miếng trái cây tươi.

Nên ăn nhiều cá, bao gồm cá giàu chất béo vì cá là nguồn protein tốt, chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Nên đặt mục tiêu ăn cá ít nhất 2 lần/tuần, trong đó có một lần cá giầu chất béo. Cá có chứa nhiều chất béo omega-3, có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Các loại cá nhiều chất béo bao gồm: cá hồi, các trích, cá thu.

Ngoài ra, cần uống nhiều nước để ngăn cơ thể mất nước, nên uống 6 đến 8 ly mỗi ngày, tránh đồ uống có đường và đồ uống có ga, vì chúng có lượng calo cao gây hại cho răng. Nhớ uống nhiều nước hơn trong thời tiết nóng hoặc trong khi tập thể dục.

BS. Phạm Thanh Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-thoi-quen-an-uong-khien-ban-suy-nhuoc-co-the-169240615211011723.htm