Mất ngủ ở người già phải làm sao?

Người già nên ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe? Thời tiết nắng nóng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, người già cần làm gì để cải thiện tình trạng này?

Thời tiết nắng nóng có thể khiến người già gặp vấn đề về ăn uống, rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngủ không sâu giấc. Vậy trong những ngày hè nóng nực, người già nên ngủ bao nhiêu tiếng một ngày để đảm bảo cho sức khỏe?

Nên ngủ bao tiếng một ngày

Chúng ta đều biết nếu tình trạng rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, ngủ không sâu giấc) kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Do vậy, mặc dù có những yếu tố khách quan về thời tiết nóng nực gây ảnh hưởng đến giấc ngủ nhưng chúng ta vẫn nên ngủ đủ từ 6-8 tiếng mỗi ngày, với người già cũng vậy. Trong trường hợp người già không thể ngủ đủ giấc vào buổi tối thì nên chia thời gian ngủ phù hợp hơn. Người già có thể chia giấc ngủ từ 5-6 tiếng vào buổi tối và từ 30 phút đến 1 tiếng vào giấc ngủ buổi trưa. Trong trường hợp không thể đảm bảo thời gian ngủ mỗi ngày từ 6-8 tiếng, người già vẫn nên nằm nhắm mắt nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian thư giãn, thả lỏng.

Nếu không thể ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày, người già vẫn nên nằm nhắm mắt để cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn.

Nếu không thể ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày, người già vẫn nên nằm nhắm mắt để cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn.

Cách chữa mất ngủ ở người già

Người già không chỉ gặp các vấn đề về ăn uống và hấp thu mà còn bị rối loạn giấc ngủ. Sau đây là một số cách để người già có thể cải thiện tình trạng mất ngủ tại nhà:

Ăn uống đầy đủ, đảm bảo chất dinh dưỡng: Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp người già hạn chế được các vấn đề về sức khỏe trong đó có tình trạng mất ngủ. Người già nên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất bằng việc ăn uống hàng ngày. Bên cạnh đó nên ăn nhiều rau củ quả, trái cây và uống đủ nước. Người già nên hạn chế các đồ ăn có quá nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên xào, ăn quá mặn hoặc nhiều đường… Một số loại đồ ăn có chứa tryptophan cũng giúp hạn chế tình trạng mất ngủ như gạo lứt, các loại đậu, các loại hạt, thịt trắng, sản phẩm từ sữa, socola…

Tạo thói quen tốt cho giấc ngủ: Bằng cách ghi lại nhật ký giấc ngủ, có những thói quen cố định lặp đi lặp lại trước khi lên giường. Người già nên ngủ sớm và dậy sớm, điều này sẽ tốt hơn so với việc đi ngủ muộn và thức dậy muộn. Bên cạnh đó cần hạn chế việc ngủ quá nhiều vào ban ngày.

Người già nên ngủ sớm và dậy sớm sẽ tốt hơn so với việc thức khuya ngủ muộn và thức dậy muộn.

Người già nên ngủ sớm và dậy sớm sẽ tốt hơn so với việc thức khuya ngủ muộn và thức dậy muộn.

Hạn chế các thói quen ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ: Không nên sử dụng điện thoại, xem tivi trước khi ngủ hoặc tốt nhất người già không nên bố trí tivi trong phòng ngủ, để điện thoại xa giường. Không gian ngủ cũng cần được bố trí thoáng mát với ánh sáng dịu nhẹ và hạn chế tiếng ồn. Có thể nghe nhạc nhẹ thư giãn để dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Tập thể dục: Việc duy trì tập luyện thể dục mỗi ngày không chỉ tốt cho thể trạng cơ thể nói chung mà còn giúp việc đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn, hạn chế tình trạng mất ngủ. Mỗi ngày, người già nên duy trì tập luyện từ 20-30 phút với những bài tập có cường độ trung bình hoặc các môn thể dục như đi bộ, đạp xe, yoga… Lưu ý, người già không nên tập luyện quá sức hoặc tập quá khuya sát giờ ngủ.

Ngoài những lưu ý trên, để hạn chế tình trạng mất ngủ người già cần lựa chọn loại nệm phù hợp, điều trị tốt các bệnh lý nền nếu có, ngâm chân bằng nước nóng trước khi ngủ… Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài và gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, người già cần tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn.

Ths.BS Nguyễn Thị Kim Oanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mat-ngu-o-nguoi-gia-phai-lam-sao-169240622152543489.htm