Những thói quen không ngờ là 'sát thủ' hại thận khủng khiếp
Ngoài nguyên nhân bệnh lý, có những thói quen mà người Việt thường xuyên làm chính là nguyên nhân 'sát thủ' gây sỏi thận, suy thận.
Sỏi thận là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam và gây ra nhiều biến chứng. Các bác sĩ cảnh báo không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
PGS.TS Đỗ Trường Thành - Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Sỏi nhỏ trong thận có thể di chuyển xuống niệu quản gây cơn đau quặn thận, xuống bàng quang và bệnh nhân có thể đi tiểu ra ngoài hoặc sỏi gây tắc nghẽn niệu quản dẫn đến ứ nước, ứ mủ thận và suy chức năng thận có sỏi.
Khi để muộn, sỏi đài bể thận sẽ gây biến chứng như: Nhiễm khuẩn tiết niệu; Viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận; Giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận; Viêm quanh thận xơ hóa (fibrose - xanthogranulomatose); Cao huyết áp do sỏi san hô thận gây thiếu máu nhu mô thận, teo thận; Suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn.
Vì vậy, PGS.TS Đỗ Trường Thành khuyến cáo khi có những dấu hiệu bệnh, người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế, bệnh viện có đủ chuyên môn chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các chuyên gia y tế cảnh báo những bệnh lý và thói quen sau có thể gây sỏi thận và hỏng thận:
Uống ít nước
Nước tiểu đặc có thể do bạn nhịn tiểu hoặc vận động thể lực với cường độ cao nhưng không bổ sung đủ nước, điều này có thể là nguyên nhân hình thành sỏi. Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt và trong
Lạm dụng thuốc
Người dùng nên thận trọng vì tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ, có thể gây tổn thương cho thận.
Mắc bệnh lý viêm ruột
Bệnh nhân viêm ruột, cắt một phần ruột non thường bị tăng oxalat niệu. Mà oxalat là yếu tố thuận lợi tạo sỏi. Khi oxalat kết hợp với canxi tạo thành chất rắn không tan
Cao huyết áp, béo phì
Cũng theo Thư viện Y học quốc gia Mỹ, người béo phì và cao huyết áp có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn những người bình thường. Vì vậy việc kiểm soát cân nặng, huyết áp là cần thiết.
Do yếu tố thời tiết
Ở những vùng có khí hậu nhiệt đới tỷ lệ bị sỏi cao hơn, mùa hè nguy cơ bị sỏi tăng hơn so với mùa đông.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Đối với những đối tượng bị nhiễm trùng đường tiết niệu thì các vi khuẩn sẽ làm tăng lượng amoniac, tăng độ pH tạo điều kiện thuận lợi cho phốt pho, magie và amon kết tủa tạo ra sỏi struvite .
Di truyền
Một số bệnh đơn gen di truyền gây giảm pH nước tiểu bẩm sinh dễ tạo sỏi hơn ở những người bình thường. Nhóm đối tượng này cần lưu ý phòng bệnh từ sớm, kiểm tra tình trạng thận thường xuyên.
Dị dạng thận, tiết niệu
Một số bất thường về đường tiết niệu như: bệnh xốp tủy thận, hẹp van niệu quản, thận đa nang và thận móng ngựa... rất dễ tạo điều kiện cho các chất kết tụ hình thành sỏi thận.