Những thói quen sai lầm khi rửa bát đĩa

Rửa bát đĩa là công việc thường ngày của mọi gia đình. Công việc này nghe đơn giản nhưng không phải ai cũng làm đúng cách.

Nếu rửa không đúng cách hay phạm những sai lầm khi rửa bát đĩa, vô tình tạo điều kiện cho các chất độc, vi khuẩn phát triển xâm nhập gây bệnh cho mọi người. Vậy hãy cùng tìm hiểu những thói quen sai khi rửa bát đĩa, để an toàn cho sức khỏe.

Những thói quen sai lầm khi rửa bát đĩa. Ảnh minh họa

Những thói quen sai lầm khi rửa bát đĩa. Ảnh minh họa

Ngâm bát đĩa lâu trước khi rửa

Đây là sai lầm khi rửa bát đĩa mà rất nhiều người mắc phải. Để dễ dàng chùi vết bẩn; hầu hết mọi người đều có thói quen ngâm bát đĩa trong nước trước khi rửa chúng. Vấn đề sẽ không có gì đáng nói nếu như chỉ ngâm trong thời gian ngắn; nhưng một số trường hợp ngâm rất lâu, thậm chí là qua đêm mới tiến hành xử lý. Khi đó, lượng thức ăn thừa còn bám lại trên bát đĩa sẽ có thời gian lên men, ẩm mốc và tạo ra vi khuẩn. Và chỉ cần không rửa sạch một chút, những con vi khuẩn này sẽ đi ngược trở lại vào cơ thể khi sử dụng lại bát đĩa lần sau. Ngoài ra, những loại đũa, thìa được làm từ gỗ, tre khi ngâm trong nước lâu cũng sẽ khiến chúng hỏng và ẩm mốc.

Do đó, nên rửa bát càng sớm càng tốt sau bữa ăn để giữ cho bếp sạch và để bảo vệ sức khỏe gia đình. Ngoài ra, đứng rửa bát cũng được coi là bài tập hỗ trợ tiêu hóa sau bữa ăn.

Chỉ tráng bát qua loa

Việc tráng bát sau khi rửa bằng dung dịch rửa bát chuyên dụng là một khâu khá quan trọng. Tuy nhiên nhiều người lại không coi trọng vấn đề này và chỉ tráng bát sao cho hết bọt là được. Với những cách làm này hóa chất trong nước rửa nếu không rửa thật kĩ chắc chắn vẫn còn bám trên bề mặt nếu chỉ tráng sơ qua.

Không phải cứ hết bọt là bát đĩa đã sạch xà phòng, mà chúng ta nên tráng đi lại nhiều lần cho sạch. Vì thế, ngoài tráng sạch bằng nước lạnh, nên tráng bằng nước nóng để có thể loại bỏ được hết lượng hóa chất bám trên bát đĩa.

Lấy nhiều nước rửa bát trong một lần rửa

Nước rửa bát có chức năng khử trùng mạnh và là trợ thủ đắc lực cho công việc bếp núc. Tuy nhiên, dùng nhiều nước rửa chén không tốt. Lớp xà phòng rất dễ bám lại trên bát đĩa, xoong nồi và các vật dụng nhà bếp… nếu không làm sạch kỹ. Một khi các hóa chất này vào cơ thể, chúng sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, cản trở quá trình trao đổi chất, thậm chí gây tiêu chảy.

Khi rửa bát, nên rửa lượng nước rửa vừa đủ và tạo bọt đủ để rửa trôi vết bẩn, có thể pha loãng dầu rửa vào chiếc bát có nước.

Không làm khô bát đĩa trước khi cất

Do thiết kế bếp không có chỗ phơi khô, nhiều người cho bát, đũa mới rửa vào trong tủ để tránh bụi bẩn. Tuy nhiên, môi trường kín gió, ẩm ướt dễ sản sinh vi khuẩn và nấm mốc. Ngoài ra, trong tủ vẫn còn một số bát đũa lâu ngày không sử dụng, không được cọ rửa, nếu để bát đĩa mới rửa vào rất dễ bám vi khuẩn và có mùi mốc. Cũng nên tránh tình trạng chồng những chiếc bát đĩa chưa khô lên nhau vì chúng sẽ gây mùi hôi khó chịu.

Vì vậy, sau khi rửa bát, nên đặt bát đĩa, dụng cụ nấu nướng ở nơi khô ráo để giảm sự phát triển của vi khuẩn. Có thể để trên bàn bếp khoảng vài giờ cho bát đũa khô hẳn, hoặc dùng khăn vải mềm, sạch và thấm nước lau bát đũa cho khô mới cất vào giá.

Không vệ sinh bồn rửa và giẻ rửa bát

Không chỉ bát đĩa mà cả những vật dụng liên quan khác cũng nên chú ý vệ sinh. Hai trong số đó là bồn rửa và giẻ rửa bát. Theo nghiên cứu, bồn rửa bát có lượng vi khuẩn cao gấp 100.000 lần nhà vệ sinh; quả là một con số bất ngờ đối với nhiều người. Vì thế việc dọn sạch những mẫu thức ăn thừa trong lưới lọc cặn hay thường xuyên thay mới miếng rửa bát đĩa là điều cần thiết lúc này.

Lựa chọn bát đĩa chất lượng, an toàn cho gia đình

Bên cạnh việc ghi nhớ và tránh phạm những sai lầm khi rửa bát đĩa nêu trên thì cũng cần lựa chọn cho gia đình mình bộ bát đĩa chất lượng, an toàn để sử dụng hàng ngày. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bộ bát đĩa vừa chất lượng vừa mang vẻ đẹp sang trọng, độc đáo có khả năng kích thích vị giác, tạo sự ngon miệng.

Lê Nguyệt

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-thoi-quen-sai-lam-khi-rua-bat-dia-332304.html