Những thói quen xấu khi nấu ăn cần loại bỏ ngay kẻo rước họa vào thân
Tự mình chuẩn bị những bữa ăn tươi ngon rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, bạn cần tránh những sai lầm cơ bản sau đây.
Để dầu mỡ sôi đến bốc khói mới cho đồ ăn vào
Hiện nay, phần lớn các bà nội trợ dùng dầu thực vật. Dầu này có nhiệt độ sôi từ 200 đến 300 độ C, điểm bắt lửa của dầu thực vật khoảng 330 độ C. Khi dầu ăn đạt đến nhiệt độ sôi, sau thời gian nhất định tính bằng phút sẽ sản sinh ra chất aldehyde độc hại, gây ung thư. Không chỉ làm gia tăng nguy cơ ung thư, chúng còn phá hủy giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.
Vì vậy, cách xử lý tốt nhất là cho thực phẩm vào chảo khi dầu nóng già (dưới 200 độ C) thay vì sôi.
Tái sử dụng dầu mỡ đã chiên/rán để nấu món khác
Vì lười hoặc tiện tay mà nhiều người không rửa nồi sau khi chế biến một món, thậm chí dùng dầu mỡ đã chiên qua món này, để nấu món khác.
Trên thực tế, dư lượng dầu mỡ đã được làm nóng một lần, sau đó được làm nóng trở lại sẽ sinh ra các chất độc hại như benzopyrene, chất ôxy hóa, peroxide ... có thể gây ra ung thư.
Thêm vào đó, dầu mỡ qua một lần chế biến đã bị oxy hóa, các vitamin cần thiết trong chúng đã bị phá hủy, không còn giá trị dinh dưỡng.
Tốt nhất là bạn nên bỏ dầu ăn đã nấu qua một lần, rửa sạch nồi và sử dụng dầu ăn mới cho lần chế biến món tiếp theo.
Cho quá nhiều dầu ăn vào các món chiên, xào
Hàm lượng chất béo trong dầu ăn là rất cao, thêm vào đó, khả năng hấp thụ dầu của rau quả là rất mạnh. Nếu bạn sử dụng quá nhiều dầu để chiên, xào, bề mặt của món ăn sẽ bị bao phủ bởi một lớp dầu, dẫn đến không có lợi cho quá trình tiêu hóa, hấp thụ.
Theo một nghiên cứu, nếu bạn nấu quá nhiều dầu ăn thực vật, đồng nghĩa với việc đưa lượng lớn Omega 6 vào cơ thể, gây ra sự mất cân bằng giữa Omega 3 và 6 trong người, từ đó gây ra các bệnh lý nguy hiểm như tim mạch.
Khuấy (đảo) đồ ăn quá nhiều
Rất nhiều người đi nấu nướng có thói quen khuấy hoặc đảo thực phẩm quá nhiều vì sợ chúng sẽ bị dính vào đáy nồi và cháy.
Điều này vô tình ngăn chặn quá trình hóa nâu thực phẩm – quá trình làm tăng hương vị cho món ăn thêm hấp dẫn.
Khuấy, đảo quá nhiều còn khiến thực phẩm dễ bị nát, vụn, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của món ăn. Hãy hạn chế khuấy, đảo đồ ăn trừ khi công thức bạn nấu yêu cầu bắt buộc phải có công đoạn này.
Cho nhiều nguyên liệu vào cùng một lúc
Nếu thực phẩm bạn chuẩn bị quá nhiều, hãy chia ra làm từng mẻ chứ không nên dồn tất cả cùng một lúc làm chiếc chảo đầy lên tận miệng.
Thao tác này khiến bạn nấu (đun) mất nhiều thời gian hơn, làm đồ ăn bị mềm và kém hấp dẫn. Một số chất dinh dưỡng có thể bị bay hơi.
Đặc biệt khi chế biến các món thịt, cho quá nhiều thịt trong chảo sẽ làm giảm nhiệt độ của chảo nhanh, có thể gây dính và gây một loạt các vấn đề khác.
Tắt hút mùi ngay sau khi nấu
Một lượng lớn khói bốc lên khi bạn nấu nướng sẽ tác động trực tiếp đến cơ thể khi bạn hít phải. Kể cả khi đã nấu xong, lượng khói dư vẫn còn tồn tại trong không khí. Với những người dùng bếp gas, khí Carbon monoxide (CO) có thể được sản sinh, khiến bạn đau đầu, hoa mắt. Vì thế, sau khi nấu ăn xong, bạn cần để hút mùi chạy thêm vài phút để hút sạch không khí.
Quy tắc sử dụng máy hút mùi đúng là bật hút mùi khi bật bếp, và tắt khi món ăn đã hoàn thành được khoảng vài phút.
Sử dụng dụng cụ bằng kim loại trên chảo chống dính
Đây hoàn toàn không phải là một thói quen tốt. Bạn có thể vô tình làm xước lớp chống dính, cũng khiến hợp chất PFCs ngấm vào đồ ăn một cách dễ dàng.
Dùng các dụng cụ làm bằng gỗ hay cao su chịu nhiệt để thay thế là một giải pháp an toàn.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-thoi-quen-xau-can-loai-bo-khi-nau-an-a474261.html