Những thông điệp của Chính phủ

Với lợi thế về dân số vàng, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để tận dụng hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, như cảnh báo của nhiều chuyên gia, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam không còn dài, nếu không có những chính sách mạnh hơn để tận dụng, chúng ta có thể sẽ đứng trước nguy cơ 'chưa giàu đã già'.

Dân số vàng nhưng chất lượng chưa “vàng”

“Vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân? Vì sao lực lượng lao động xuất khẩu của nước ta thu nhập bình quân thường thấp hơn một số nước trong khu vực, cạnh tranh quốc tế còn thấp? Vì sao người dân một số địa phương phải xa gia đình, con nhỏ, bố mẹ già, thậm chí bỏ đất đai, ruộng vườn để đi làm ở nơi khác? Vì sao đời sống của một bộ phận công nhân ở các khu công nghiệp, thành phố lớn còn khó khăn, nhất là về vấn đề nhà ở? Vì sao vẫn còn những hiện tượng đình công ở một số khu công nghiệp? Vì sao kỹ năng người lao động Việt Nam còn thấp? Vì sao chúng ta cần Chiến lược phát triển thị trường lao động bền vững khi thời điểm dân số vàng còn đang hiện hữu…”? Những câu hỏi đầy trăn trở đó được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra trong hội nghị lớn được tổ chức vào ngày cuối tuần, tháng 8 để bàn về việc phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị bàn về việc phát triển thị trường lao động

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị bàn về việc phát triển thị trường lao động

Sau hơn 35 năm đổi mới, lực lượng lao động đã tăng gấp đôi, từ 27 triệu năm 1986 lên 51,4 triệu, tính hết quý II/2022. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dân số Việt Nam đang ở thời kỳ vàng nhưng chất lượng lao động “chưa vàng” khi tỷ lệ qua đào tạo thấp, chỉ trên 26%, trong khi là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ ba khu vực và duy trì ổn định trong nhiều năm. Thị trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém. Đặc biệt, “cú sốc” trước đại dịch COVID-19, cuộc “tháo chạy” của hàng triệu lao động từ khu vực Đông Nam bộ về quê đã bộc lộ những hạn chế, thiếu bền vững của thị trường lao động…

Với lợi thế về dân số vàng, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để tận dụng hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, như cảnh báo của nhiều chuyên gia, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam không còn dài, nếu không có những chính sách mạnh hơn để tận dụng, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ “chưa giàu đã già”. Do đó, Thủ tướng yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ,TB&XH nghiên cứu, tham mưu, sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo về tập trung nguồn lực phát triển thị trường lao động đúng hướng, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập.

Đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

Cùng với việc tìm giải pháp phát triển thị trường lao động, vì một cộng đồng doanh nghiệp chủ động thích ứng, phát triển bền vững, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, nhân dân ấm no và hạnh phúc, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Chính phủ đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống, “đồng cam cộng khổ” cùng đất nước và nhân dân, khẳng định truyền thống của dân tộc ta là càng khó khăn, thách thức càng đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, “biến nguy thành cơ”. Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng: Thời gian qua, doanh nghiệp rất lo lắng nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những thông điệp rất kịp thời, như: Không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế. Thủ tướng đã truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp với thông điệp: Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, để bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, không hy sinh tiến bộ công bằng, xã hội để chạy theo lợi ích. Đó là liều thuốc tinh thần đối với doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp bất động sản.

Trong khi đó, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhớ lại, cách đây 1 năm, Thủ tướng có hai cuộc gặp liên tiếp với doanh nghiệp. Tại các cuộc gặp này, khẩu quyết đưa ra là: Vắc xin, thích ứng an toàn, linh hoạt và coi doanh nghiệp là chủ thể trong dịch COVID-19. “Chính phủ đã thực hiện rất thành công khẩu quyết này, chúng ta đã vượt qua đại dịch, doanh nghiệp đã hồi sinh, nền kinh tế cũng đã có phục hồi”, ông Công cho biết. Trước bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, bất ổn toàn cầu, nguy cơ lạm phát, suy thoái kinh tế các nền kinh tế lớn, ông Công khẳng định, việc Chính phủ đưa ra “khẩu quyết” mới: “Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì phục hồi, phát triển kinh tế” là “đúng” và “trúng”, giúp kinh tế phục hồi và phát triển.

“Vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân? Vì sao lực lượng lao động xuất khẩu của nước ta thu nhập bình quân thường thấp hơn một số nước trong khu vực, cạnh tranh quốc tế còn thấp? Vì sao người dân một số địa phương phải xa gia đình, con nhỏ, bố mẹ già, thậm chí bỏ đất đai, ruộng vườn để đi làm ở nơi khác…?”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nhân cần nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế đất nước. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh: tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và sức mạnh đoàn kết đã giúp Việt Nam “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Vì một cộng đồng doanh nghiệp chủ động thích ứng, phát triển bền vững, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, tiếp thu tối đa các ý kiến của tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn. “Mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp hãy là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm, bản lĩnh trên mặt trận kinh tế, nỗ lực cùng Chính phủ sớm giành được chiến thắng trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển bền vững”, Thủ tướng nhắn nhủ.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-thong-diep-cua-chinh-phu-post1466055.tpo