Những thông điệp lớn cho 'kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ' của Việt Nam

'Kỷ nguyên mới' là kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như di nguyện của Hồ Chí Minh để lại.

LỜI TÒA SOẠN - DIỄN ĐÀN KỶ NGUYÊN MỚI

Sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 3/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng trên các lĩnh vực.

Cụ thể, qua ba bài viết gần đây như “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ngày 4/8; “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” ngày 2/9 và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” ngày 16/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên nhắc đến các khái niệm “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Đánh giá những thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức về tình hình trong nước, khu vực và thế giới, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”.

Đặc biệt, đây cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng.

Đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, Báo VietNamNet mở diễn đàn "Kỷ nguyên mới của dân tộc", ngõ hầu mang đến các bài viết, những tiếng nói, góp ý của các nhân sĩ, trí thức, bạn đọc gần xa về con đường và cách thức vươn mình của dân tộc Việt Nam...

Trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Thông điệp này được Tổng Bí thư - Chủ tịch nước đề cập nhiều lần trong các bài viết cũng như phát biểu gần đây và cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10. Ảnh: Nhật Bắc

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10. Ảnh: Nhật Bắc

VietNamNet phỏng vấn PGS.TS. Nguyễn Viết Thông – nguyên Tổng Thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương xoay quanh nội dung này.

Vươn mình mạnh mẽ để sánh vai cùng các cường quốc năm châu

Là người thường xuyên theo dõi các kỳ đại hội và trực tiếp tham gia xây dựng văn kiện Đại hội Đảng nhiều khóa trước, theo ông "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" mà Tổng Bí thư đề cập được hiểu như thế nào?

Theo tôi hiểu, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm nói về “thời đại mới”, "kỷ nguyên mới" là từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045 có 2 dấu mốc 100 năm rất quan trọng của Việt Nam.

Đó là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 – 3/2/2030. Mốc 100 năm thứ hai cũng rất quan trọng nữa là đến 2045, kỷ niệm 100 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đại hội 13 của Đảng cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Chuẩn bị cho Đại hội 14 tới đây, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm (Trưởng Tiểu ban Văn kiện) cũng đề cập đến mốc “thời đại mới”, một dấu mốc rất quan trọng, tức là đến năm 2030 Việt Nam “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”. Mốc 2030 – 2045, chỉ trong vòng 15 năm nhưng chúng ta phải đạt mục tiêu rất cao, “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Như vậy, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước muốn nói rằng, từ nay đến Đại hội 14, đến mốc năm 2030, tầm nhìn 2045 là mở ra thời đại mới, thời đại của đất nước ta vươn mình hết sức mạnh mẽ thì mới đạt được mục tiêu mà Đại hội 13 đã đề ra.

Theo tôi được biết, dự thảo các văn kiện Đại hội 14 đang tiếp tục kế thừa mục tiêu Đại hội 13 đã đề ra, đương nhiên là có bổ sung, phát triển mục tiêu này nhưng vẫn tinh thần cốt lõi là đến 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cho nên “kỷ nguyên mới” chính là kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao sánh vai cùng các cường quốc năm châu như di nguyện của Hồ Chí Minh để lại.

Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ

Vì sao Tổng Bí thư cho rằng “yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”, thưa ông?

Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng là vấn đề hệ trọng mà Đảng ta đã đề ra từ lâu.

Ngay trong các văn kiện thời kỳ đổi mới từ Đại hội 6 đến nay, Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh là phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.

Trước đây chúng ta làm cách mạng giải phóng dân tộc thì phương thức lãnh đạo của Đảng khác so với lãnh đạo đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng phải quyết định tất cả thì mới giải quyết được những vấn đề của chiến trường, của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đề ra.

Nhưng bước sang thời bình, phương thức lãnh đạo phải có sự thay đổi. Từ Đại hội 6 đến nay, văn kiện của tất cả các đại hội và một số nghị quyết chuyên đề đều đề cập đến “đổi mới phương thức lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng”. Đảng ta đã hình thành thể chế chính trị ổn định với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Có thể nói đây là cơ chế vận hành của hệ thống chính trị nước ta và qua gần 40 năm đổi mới, cơ chế này có bước tiến bộ.

Cương lĩnh 1991 đề ra phương thức lãnh đạo của Đảng nhưng đến Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 thì Đảng ta đã làm rõ hơn vấn đề này.

Cụ thể, phương thức thứ nhất là Đảng lãnh đạo bằng những quan điểm, chủ trương, đường lối và những chính sách lớn. So với Cương lĩnh 1991 thì chính sách ở đây có thêm chữ “lớn”. Điều đó cho thấy Đảng chỉ chủ trương về những chính sách lớn, còn những chính sách bình thường thì nhà nước làm.

Phương thức thứ hai là lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên.

Phương thức thứ ba là thông qua công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Đấy cũng là phương thức được nhấn mạnh trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và thông qua vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông. Ảnh: Lê Anh Dũng

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông. Ảnh: Lê Anh Dũng

Các Đại hội 6, 8, 9, 10, 12 ,13 đều có nội dung về phương thức đổi mới lãnh đạo của Đảng. Riêng khóa 13, Hội nghị Trung ương 6 đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Như vậy qua gần 40 năm đổi mới, nhận thức về phương thức lãnh đạo của Đảng ngày càng rõ hơn. Thực tiễn cũng đã phân định rõ, đặc biệt là cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” mà chúng ta đã thực hiện tương đối tốt.

Nhưng bên cạnh những thành tựu đạt được thì như Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ rõ, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Chính vì vậy mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước nhấn mạnh “yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”.

Tham mưu ở tầm chiến lược

Vậy để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng như Tổng Bí thư - Chủ tịch nước yêu cầu theo ông cần phải làm gì?

Trong bài viết của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh vào 4 vấn đề lớn.

Vấn đề đầu tiên là phải thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng.

Phải bắt đầu từ nâng cao, thống nhất nhận thức về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Thứ hai, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước nhấn mạnh đến việc tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.

Vấn đề chúng ta cần là tham mưu chứ không phải là chỉ đi vào vụ việc. Cần phải tham mưu ở tầm chiến lược, ở tầm vĩ mô của các ban đảng ở Trung ương chứ không phải “tham mưu quạt mo”.

Theo tinh thần bài viết của Tổng Bí thư- Chủ tịch nước là phải tinh gọn tổ chức bộ máy để các ban đảng ở Trung ương thật sự là “Bộ tổng tham mưu chiến lược”. Không chỉ cấp Trung ương mà kể cả cấp địa phương, các ban đảng cũng cần phải tinh gọn, nâng cao chất lượng của đội ngũ tham mưu.

Vấn đề thứ 3 mà Tổng Bí thư tập trung nhấn mạnh đó là ban hành nghị quyết. Lâu nay tất cả các văn kiện Đại hội Đảng đều nói là vẫn còn tình trạng ban hành nhiều nghị quyết và nghị quyết vẫn còn dàn trải, chồng chéo, khâu tổ chức thực hiện còn yếu.

Các đại hội thời kỳ đổi mới, đặc biệt là là văn kiện Đại hội 11, 12, 13 đều khẳng định một chủ trương rất lớn là phải giảm mạnh việc ban hành nghị quyết mà chỉ ban hành nghị quyết khi thật cần thiết. Nghị quyết phải ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu, dễ thực hiện và khi ban hành nghị quyết thì phải tính đến điều kiện, nguồn lực thực hiện nghị quyết.

Trước đây chúng ta tổ chức khâu quán triệt nghị quyết theo cách trực tiếp thì rất lâu, gây ra cảm giác “quanh năm học nghị quyết”. Những năm gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ khóa 13, chúng ta áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức học trực tuyến thì gọn hơn nhưng vẫn còn những tồn tại.

Đặc biệt là chương trình hành động, kế hoạch hành động còn rất bất cập, đưa nghị quyết vào cuộc sống còn hạn chế.

Vì vậy, bài viết của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước cho rằng phải tiếp tục tiếp tục đổi mới việc ban hành, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết.

Vấn đề thứ tư được Tổng Bí thư nhấn mạnh là chuyện kiểm tra, giám sát. Đây là vấn đề rất lớn.

Chúng ta đều biết rằng chủ nghĩa Mác Lênin khẳng định “lãnh đạo mà không có kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Ở nước ta từ khi ra đời đến nay, nhất là thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã coi trọng công tác kiểm tra, giám sát.

Lĩnh vực này cũng dễ sinh, tiêu cực nên Bộ Chính trị đã ban hành quy định 131/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Thực tế công tác kiểm tra, giám sát của chúng ta 40 năm qua cũng có những bước tiến. Nhờ kiểm sát, giám sát tốt, chúng ta đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều cán bộ Nhà nước vi phạm.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế, kiểm tra vụ việc nhiều hơn là kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng có đúng hay không. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhấn mạnh đến việc phải thông qua kiểm tra thì mới phát hiện được những cái cần phải sửa đổi, bổ sung trong nghị quyết.

Nhất là ở các địa phương, kiểm tra thường xuyên hay bất thường đều là vụ việc, còn kiểm tra việc chấp hành đường lối thì vẫn còn bất cập.

Những vụ án lớn như vụ Vạn Thịnh Phát đang xử giai đoạn hai, vụ Tân Hoàng Minh, vụ Việt Á, FLC,... có kiểm tra giám sát không. Tại sao không phát hiện. Có nhiều nguyên nhân và một trong những nguyên nhân là do có tiêu cực trong vấn đề kiểm tra, giám sát. Ví dụ như vụ Vạn Thịnh Phát, bà trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn đi kiểm tra nhận 5,2 tỷ USD thì làm sao nói được sự thật.

Đây là vấn đề mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước cũng khẳng định trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thì phải đổi mới toàn diện.

Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, còn nhiều vấn đề đang đặt ra cần phải tập trung để giải quyết, trong đó có vấn đề thể chế. Đảng cầm quyền thông qua Nhà nước. Chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước là lập hiến, lập pháp thì Đảng phải lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật, thành những chính sách cụ thể.

Qua 40 năm đổi mới, việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng ngày càng tiến bộ hơn. Tuy nhiên, như Tổng Bí thư đánh giá, một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao.

Điều đó để nói rằng, kỹ năng lập pháp, trình độ lập pháp kể cả xây dựng luật cũng còn những bất cập, chưa kể vấn đề tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách cũng cần phải quan tâm.

Đây cũng là vấn đề rất lớn nên vừa rồi Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 178/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-thong-diep-lon-cho-ky-nguyen-vuon-minh-manh-me-cua-viet-nam-2326314.html