Những thực phẩm tạo nồng độ cồn

Có nhiều nguyên nhân khiến một người không uống rượu bia nhưng vẫn có nồng độ cồn trong máu và hơi thở.

Vải, sầu riêng khi vào trong dạ dày một thời gian, lượng cồn chuyển hóa qua phổi, khiến cho hơi thở có cồn

Thực phẩm

Một số thực phẩm chứa tinh bột hoặc đường có thể xuất hiện phản ứng lên men chuyển hóa thành rượu theo cách tự nhiên, hoặc quá trình chế biến có thêm rượu dù là lượng rất nhỏ. Một số loại trái cây chứa lượng đường cao như vải, nho, sầu riêng, dứa, táo, chuối, xoài, để môi trường bên ngoài thời gian dài sẽ xảy ra hiện tượng “hóa đường thành rượu”, tức là lên men. Khi vào trong dạ dày một thời gian, lượng cồn trong những loại quả này rất nhỏ, không đủ để hấp thụ vào trong máu, chuyển hóa qua phổi, khiến cho hơi thở có cồn.

Ngoài ra, các loại kẹo cao su không đường; các loại nước sốt cay nóng; các món ăn có sử dụng bia, rượu mạnh, rượu vang trong quá trình chế biến; giấm ăn cũng là thực phẩm chứa một lượng nhỏ cồn. Khi ăn những thực phẩm có khả năng tạo ra cồn, nên súc miệng thật kỹ. Trước khi lái xe cần có thời gian ngồi nghỉ 30-60 phút. Trường hợp có sử dụng các loại thực phẩm, thuốc có chứa ethanol thì lưu ý nên nghỉ ngơi ít nhất từ 15 phút đến nửa tiếng rồi mới tham gia giao thông.

Dược phẩm

Khoảng 130 chế phẩm thuốc chữa bệnh, 14 chế phẩm vitamin, được bào chế dưới dạng dung dịch, thành phần bên trong có chứa cồn. Nồng độ cồn trong máu của người cũng có thể tăng nếu trước đó dùng nước súc miệng. Tương tự, một số loại siro ho cũng xảy ra hiện tượng trên. Ngoài ra, với một số trường hợp ít gặp, những người bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc những người mắc hội chứng tự sinh rượu (còn gọi là hội chứng say xỉn không do uống rượu) cũng có thể có kết quả dương tính khi kiểm tra nồng độ cồn.

Đồ uống

Một số loại siro ho hoặc thuốc ngủ, thuốc hít hen suyễn; một số loại vitamin, nước súc miệng, nước xịt thơm miệng... Một số loại đồ uống như thức uống năng lượng, bia hoặc rượu vang không cồn, soda lên men. Việc uống các siro có cồn, hoa quả lên men hay ăn rượu nếp tức là cũng hấp thu một lượng rượu nhất định. Nếu vừa uống hay vừa ăn xong thì có thể có nồng độ rượu trong máu và hơi thở ở mức độ nào đó nhưng do lượng rượu này rất thấp nên cơ thể sẽ chuyển hóa hết nhanh.

Tình trạng sức khỏe

Trong bệnh tiểu đường, nồng độ aceton cao trong máu (do việc chuyển hóa chất béo nhiều hơn chuyển hóa đường) cũng có thể khiến hơi thở có chứa cồn. Nồng độ cồn ở những người bệnh gặp phải tình trạng này thậm chí có thể cao hơn 1.000 lần so với ở những người không mắc bệnh tiểu đường. Nhưng ngay cả trong các trường hợp nồng độ cồn tăng cao do tăng aceton máu, cũng có rất ít ảnh hưởng đến các tế bào của cơ thể và cũng không làm kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở tăng lên quá nhiều. Hạ đường huyết cũng có thể gây ra triệu chứng tương tự như nhiễm độc, bao gồm chóng mặt, vụng về và nhầm lẫn.

Điều kiện làm việc

Nhiều người làm việc trong môi trường phải tiếp xúc nhiều với các chất dễ bay hơi cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra nồng độ cồn. Ví dụ về các chất này bao gồm các loại dung dịch vệ sinh, keo dán, keo dán tiếp xúc, sơn, chất tẩy, sơn phun…

Gia Bảo (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nhung-thuc-pham-tao-nong-do-con/841504.antd