Những thuốc thiết yếu nào sử dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh sẽ thực hiện kê khai giá?

Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Thông tư ban hành danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá. Theo đó có gần 800 hoạt chất, nhóm thuốc, vaccine, thuốc y học cổ truyền được đề xuất...

Dự thảo Thông tư này quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc thực hiện kê khai giá; quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật thuốc thuộc danh mục (tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể và đặc điểm cơ bản) và ban hành danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá.

Những nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc thực hiện kê khai giá

Dự thảo Thông tư nêu rõ nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc thực hiện kê khai giá. Theo đó, thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, gồm một trong các trường hợp sau:

Thuộc danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT theo quy định của Bộ Y tế.
Thuốc có kết quả trúng thầu tại cơ sở y tế.

Thuốc không nằm trong cả 2 trường hợp trên nhưng được sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Dự thảo cũng quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thuốc thiết yếu thực hiện kê khai giá gồm các thông tin sau:

Đối với thuốc hóa dược, vaccine, sinh phẩm thiết yếu: Tên hoạt chất/thành phần, nồng độ/hàm lượng, dạng bào chế, đường dùng.
Đối với thuốc cổ truyền thiết yếu gồm: Thành phần, đường dùng.

Danh mục thuốc thực hiện kê khai giá

Dự thảo đề xuất cụ thể danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá gồm:Thuốc hóa dược: gồm 458 hoạt chất/thành phần như: Acetic acid, Acetylcystein, Aciclovir, Amiodaron hydroclorid, Amoxicilin, Cephalexin, Cloramphenicol...
Thuốc hóa dược có chứa thành phần dược liệu: gồm 24 nhóm hoạt chất/thành phần như: Đan sâm, Tam thất, Borneol/Camphor; Eucalyptol, Tinh dầu gừng, Tinh dầu trần bì, Tinh dầu bạc hà, Tinh dầu húng chanh; Húng chanh, Núc nác, Cineol; Ngưu tất, Nghệ, Rutin, (Bạch truật)...
Sinh phẩm: gồm 7 loại hoạt chất/thành phần: Yếu tố VIII đậm đặc; Phức hợp yếu tố IX (các yếu tố đông máu II, VII, IX và X) đậm đặc; Albumin; Human normal Immunoglobulin; Huyết thanh kháng dại; Huyết thanh kháng uốn ván; Huyết thanh kháng nọc độc.
Vaccine gồm 22 loại như: Vaccine phòng lao; vaccine phòng sởi; vaccine phòng Viêm gan B; vaccine phòng uốn ván...
Thuốc cổ truyền: gồm 220 loại thành phần, chia thành 12 nhóm gồm: Nhóm thuốc giải biểu; Nhóm thuốc thanh nhiệt, giải độc, tiêu ban, lợi thủy; Nhóm thuốc khu phong trừ thấp; Nhóm thuốc nhuận tràng, tả hạ, tiêu thực, bình vị, kiện tỳ; Nhóm thuốc an thần, định chí, dưỡng tâm; Nhóm thuốc chữa các bệnh về phế; Nhóm thuốc chữa các bệnh về Dương, về Khí; Nhóm thuốc chữa các bệnh về Âm, về Huyết; Nhóm thuốc điều kinh, an thai; Nhóm thuốc chữa bệnh về ngũ quan; Nhóm thuốc dùng ngoài; Nhóm thuốc khác.

Tại danh mục đính kèm dự thảo Thông tư, Bộ Y tế cũng nêu rõ: Thuốc có cách ghi danh pháp khác với cách ghi tên hoạt chất và cách ghi này được ghi tại các tài liệu chuyên ngành về dược (như Dược điển, Dược thư Quốc gia và các tài liệu khác) thì vẫn thuộc danh mục (Ví dụ: Paracetamol hay Acetaminophen; Acyclovir hay Aciclovir; Cefuroxime hoặc Cefuroxim; Sodium hay Natri; Hydrochloride hoặc Hydroclorid ...).

Trường hợp hoạt chất tại cột thành phần/hoạt chất không ghi gốc muối thì các thuốc có dạng muối khác nhau của hoạt chất này sau khi quy đổi về dạng base có cùng nồng độ - hàm lượng tại cột nồng độ, hàm lượng (nếu có cùng chỉ định, liều điều trị) thì vẫn thuộc danh mục.

Trường hợp thuốc không ghi dạng bào chế, hàm lượng/nồng độ cụ thể thì áp dụng cho tất cả các dạng bào chế, hàm lượng/nồng độ được cấp phép lưu hành.

Dạng muối, acid tổ hợp được đặt trong ngoặc đi cạnh tên hoạt chất chính ghi tại cột hoạt chất/thành phần được hiểu là các muối, acid tổ hợp này không tính trong nồng độ, hàm lượng ghi tại cột nồng độ/hàm lượng mà chỉ là dạng muối hoặc acid tổ hợp với hoạt chất chính được sử dụng trong bào chế. Nồng độ, hàm lượng ghi tại cột nồng độ/hàm lượng sẽ tính theo dạng của hoạt chất chính ở ngoài ngoặc. Ví dụ:

Dexamethason phosphat (natri): hàm lượng dung dịch tiêm ghi tại cột nồng độ/hàm lượng là 4mg/ml sẽ tính theo Dexamethason phosphat nhưng dạng muối sử dụng trong bào chế là Dexamethason natri phosphat.
Cefotaxim (natri): hàm lượng bột pha tiêm ghi tại cột nồng độ/hàm lượng là 250mg, 500mg, 1g sẽ tính theo cefotaxim nhưng dạng muối sử dụng trong bào chế là Cefotaxim natri.

Dạng muối, acid tổ hợp di cạnh tên hoạt chất chính ghi tại cột hoạt chất/thành phần không đặt trong ngoặc được hiểu là nồng độ, hàm lượng ghi tại cột nồng độ/hàm lượng sẽ tính theo cả muối hoặc acid tổ hợp với hoạt chất chính. Ví dụ:

Ephedrin hydroclorid: nồng độ dung dịch tiêm ghi tại cột nồng độ/hàm lượng là 30mg/ml sẽ tính theo Ephedrin hydroclorid.

Sulfacetamid natri: nồng độ thuốc nhỏ mắt ghi tại cột nồng độ/hàm lượng là 10% sẽ tính theo Sulfacetamid natri.

Đối với nhóm thuốc khác: Ghi đầy đủ tên thành phần của thuốc theo tên dược liệu; các thành phần có dấu gạch chéo "/" là thành phần có thể thay thế lẫn nhau; thành phần đặt trong dấu ngoặc đơn "()" là thành phần có thể gia, giảm.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-thuoc-thiet-yeu-nao-su-dung-tai-co-so-kham-chua-benh-se-thuc-hien-ke-khai-gia-169240901145119301.htm