Những thương binh 'tàn nhưng không phế'

Những ngày tháng kháng chiến, hàng nghìn thanh niên của Tuyên Quang đã không tiếc máu xương, sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Trở về với cuộc sống đời thường, dẫu thân thể đã không còn lành lặn, nhưng những người lính vẫn phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ 'Thương binh tàn nhưng không phế' tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế, gương mẫu, trách nhiệm hết lòng vì việc chung, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thắng “giặc” đói nghèo

Ngôi nhà xây khang trang của gia đình thương binh Đinh Công Sĩ, thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận (Yên Sơn) ẩn giữa không gian xanh mát vườn rừng, cây trái. Hồ hởi đón chúng tôi, ông Sĩ nhớ lại: sau 4 năm chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam - Campuchia, năm 1981, ông được phục viên mang trong mình tổn thương cơ thể 21%. Lúc đó, gia đình gặp rất nhiều khó khăn vì con nhỏ, thu nhập chỉ dựa vào mấy sào ruộng lúa. Ông hay ốm đau ảnh hưởng không nhỏ đến trong sinh hoạt, công việc. Vợ chồng ông từng làm đủ thứ nghề từ cấy lúa, trồng đỗ, sắn, ngô, rau, nuôi lợn, gà,… để đủ chi phí sinh hoạt, chăm lo cho các con ăn học.

Không cam chịu đói nghèo, ông là một trong những người tiên phong ở thôn vay vốn ngân hàng về cải tạo vườn tạp. Ông dành 2 ha đất đồi để trồng keo, 2 ha chuyển sang trồng bưởi, cam, ổi, thanh long và các loại dưa. Ông làm chuồng nuôi thêm lợn thịt, gà thả vườn. Nhờ hướng đi đúng đó giúp gia đình ông thu về trên 150 triệu đồng/năm suốt nhiều năm qua.

Ông Sĩ khẳng định: “Đứng trước kẻ thù tàn bạo tôi và đồng đội không bao giờ lùi bước. Đất nước hòa bình, tôi may mắn sống sót trở về. Bộ đội Cụ Hồ sao có thể cam chịu đói nghèo, càng không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải quyết tâm chiến thắng “giặc” đói nghèo. Đó chính là thể hiện tình yêu, góp sức xây dựng quê hương, đất nước”.

Khu vườn tạp được vợ chồng thương binh Đinh Công Sĩ thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận (Yên Sơn) chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao.

Khu vườn tạp được vợ chồng thương binh Đinh Công Sĩ thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận (Yên Sơn) chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với ông Sĩ, còn rất nhiều thương binh khác dù mang trong mình thương tật do chiến tranh nhưng luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế” vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Ví như, thương binh Bùi Đức Xuân, thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật (Sơn Dương). Những năm tháng chiến đấu chống Mỹ (chiến trường Tây Nguyên) ông bị thương, mất đi một con mắt, suy giảm tới 62% sức lao động.

Tuy vậy, ông vẫn hăng say lao động, làm kinh tế giỏi. Sau nhiều năm nỗ lực gây dựng, gia đình ông đã có gần 10 ha rừng keo và có đại lý lớn phân phối thức ăn chăn nuôi lớn đạt thu nhập cao. Ông Xuân còn là người có tấm lòng vàng khi tự nguyện hiến 100 m2 đất để Nhà nước đầu tư nâng cấp tuyến đường qua thôn.

Hay như thương binh Hoàng Quốc Viên, thôn Bản Chợ, xã Yên Hoa (Na Hang) có thu nhập trên 250 triệu đồng/năm. Nguồn thu nhập đáng mơ ước của bao gia đình ở địa phương. Ông Viên đã phát huy nội lực số vốn ít ỏi ban đầu để trồng ngô, nấu rượu và chăn nuôi lợn. Ông tích góp vốn để mở cửa hàng kinh doanh, các loại hàng nông cụ phục vụ sản xuất. Có lực, ông tiếp tục đầu tư mua đất trồng gần 6 ha rừng...

Chung sức xây dựng quê hương

Ở tỉnh ta không khó để tìm những gương thương binh vừa làm ăn giỏi, vừa có uy tín, gương mẫu, tận tụy với vai trò “vác tù và hàng tổng” ở thôn, bản. Có thể kể như tấm gương thương binh Khổng Thanh Tường, Trưởng thôn Nà Bó, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa). Từ năm 2018 đến nay, ông Tường đã tích cực phối hợp vận động gần 70 hộ trong thôn tham gia xây dựng nông thôn mới từ đóng góp tiền, công lao động làm công trình thắp sáng đường quê, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, vệ sinh đường làng ngõ xóm… Ông còn vận động được 14 hộ dân tự nguyện hiến trên 2.000 m2 đất để mở rộng đường thôn.

Thương binh Nguyễn Đức Trọng (ngoài cùng bên trái), Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Chợ Tổng, xã Đức Ninh (Hàm Yên) tham gia giám sát thi công tuyến đường bê tông tại thôn.

Thương binh Nguyễn Đức Trọng (ngoài cùng bên trái), Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Chợ Tổng, xã Đức Ninh (Hàm Yên) tham gia giám sát thi công tuyến đường bê tông tại thôn.

Nhắc đến thương binh Nguyễn Đức Trọng, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Chợ Tổng, xã Đức Ninh (Hàm Yên) mọi người ở thôn, xã đều quý mến. Năm 1982, chàng trai trẻ tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (đóng quân ở Thanh Thủy - Hà Giang), năm sau đó vinh dự kết nạp Đảng. Hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, ông được xuất ngũ về làm công nhân lâm trường đến khi về nghỉ chế độ. Tuy nghỉ hưu, nhưng ông vẫn hăng hái làm ăn, xây dựng thành công mô hình trồng rừng, nuôi cá, gà đạt trên 200 triệu đồng/năm.

Từ cuối năm 2022 đến nay, ông đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu cùng cán bộ thôn tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp trên 160 triệu đồng xây dựng nông thôn mới. Ông còn trực tiếp giám sát thi công xây dựng công trình “thắp sáng đường quê” dài 1,5 km; đổ 2 tuyến đường bê tông dài gần 500 m, làm hàng rào xung quanh nhà văn hóa gắn với sân thể thao. Các công trình, hạng mục đều bảo đảm chất lượng, kinh phí công khai minh bạch được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đồng chí Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh nhận xét: Ông Nguyễn Đức Trọng là gương cựu chiến binh, thương binh điển hình trong phong trào thi đua phát triển kinh tế ở xã. Đồng chí còn là cán bộ thôn gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công và tự nguyện hiến đất thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Những cá nhân trên chỉ là đại diện cho rất nhiều gương sáng thương binh trên địa bàn tỉnh đã phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế” tiên phong, gương mẫu trong công việc, cống hiến xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/nhung-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-177543.html