Những thương binh vượt khó

Trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh từng cống hiến tuổi trẻ, xương máu cho nền hòa bình, độc lập dân tộc lại tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, phấn đấu lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Làm giàu từ hai bàn tay trắng

Ông Nguyễn Hồng Hải (bìa trái) có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm

Ông Nguyễn Hồng Hải (bìa trái) có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Hồng Hải (thương binh hạng 4/4, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), ông niềm nở đón chúng tôi trong căn nhà khang trang, xung quanh nhà là vườn trái cây trĩu quả. Ông Hải kể: “Năm 1970, tôi tham gia cách mạng. Đến năm 1976, tôi lập gia đình và trở về địa phương. Lúc đó, cha mẹ 2 bên đều khó khăn nên không giúp được nhiều. Cố gắng vượt qua những tháng ngày vất vả, tôi luôn răn dạy các con học và làm theo gương Bác, phải siêng năng, cần kiệm”.

Với quan điểm đó, cùng sự giúp đỡ của đồng đội, vợ chồng ông Hải mua được 5.000m2 đất đầu tiên. Đặc biệt, ông còn là người tiên phong đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Thời điểm đó, làm nông chủ yếu sử dụng sức người và động vật là chính, vậy mà ông "dám" đầu tư mua máy cày, thùng phóng đi làm thuê cho nông dân trong và ngoài huyện kiếm thêm thu nhập. Năm 2012, địa phương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trạm bơm điện để chủ động nguồn nước và chuyển từ làm lúa 2 vụ sang 3 vụ, ông đầu tư 3 trạm bơm điện phục vụ diện tích trên 420ha.

Nhờ cần cù và sự nhạy bén trong kinh doanh, đến nay, ông Hải sở hữu trên 7ha đất, xây dựng được căn nhà khang trang, nhất là nuôi 3 người con tốt nghiệp đại học. Giờ đây, ở tuổi xế chiều, ông lui về chăm sóc vườn sầu riêng, mít và quản lý 3 trạm bơm điện với thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

"Tàn nhưng không phế"

Cơ thể không lành lặn nhưng ông Nguyễn Hữu An vẫn siêng năng, chăm chỉ làm việc

Cơ thể không lành lặn nhưng ông Nguyễn Hữu An vẫn siêng năng, chăm chỉ làm việc

Về xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu An (thương binh hạng 3/4). Ấn tượng đầu tiên là hình ảnh người đàn ông trạc 60 tuổi, chân đi khập khiễng, vác bao thức ăn nặng 50kg để lên xe. Ông Hữu An bộc bạch: “Tháng 8/1984, trong một chuyến hành quân ở Campuchia, tôi không may đạp mìn, mất đi chân trái”. Trở về cuộc sống đời thường với cơ thể không còn lành lặn, ông Hữu An học nghề mộc, còn bà Trần Thị Uyên Phương (vợ ông) ở nhà vừa chăm sóc con, vừa chăn nuôi heo. Năm 1997, ông bàn với vợ mở tiệm tạp hóa và bán thức ăn gia súc, gia cầm. Bà Uyên Phương cho hay: “Vợ chồng tôi nuôi heo trên 25 năm, có thời điểm đàn heo lên cả ngàn con. Năm nào heo bán có giá, thu lợi nhuận cả tỉ đồng. Giờ đây, do lớn tuổi và kinh tế gia đình đã ổn định hơn nên vợ chồng tôi giảm đàn heo còn 70 con”.

Điều đáng ghi nhận ở ông Hữu An còn là việc tích cực tham gia công tác xã hội - từ thiện ở địa phương như tặng gạo cho người nghèo, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn,... Ông Hữu An cho biết: “Dù mất đi chân trái nhưng tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác vĩnh viễn nằm lại nơi nước bạn và chưa tìm được mộ phần. Cuộc sống là sự chuyển động không ngừng, chúng ta đừng vì một chút khó khăn mà bỏ cuộc, thay vào đó hãy cố gắng vượt qua những trở ngại ấy và phấn đấu trở thành người sống có ích cho gia đình và xã hội”.

Những thương binh như ông Nguyễn Hồng Hải, ông Nguyễn Hữu An luôn cố gắng vượt qua khó khăn, vững vàng trên "mặt trận" lao động, sản xuất, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ giữa thời bình./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-thuong-binh-vuot-kho-a158478.html