Những thương hiệu đầy tự hào của người lính thợ
Nhắc đến ngành Công nghiệp Quốc phòng, nhiều người thường hình dung đến những trung tâm nghiên cứu hoặc các nhà máy sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang, thiết bị phục vụ cho bộ đội huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ).
Ít ai để ý rằng, ngoài các mặt hàng đặc thù trên, những người lính thợ của các đơn vị sản xuất quốc phòng còn âm thầm nghiên cứu, sáng chế, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao phục vụ đời sống dân sinh trong và ngoài nước, được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao.
Từ sản phẩm bình dân, thân thuộc
Cuối tuần trước, tôi đến thăm người bác họ đang sống ở ngoại thành Hà Nội. Giữa lúc thời tiết đang ở đỉnh điểm nóng nực, bước vào nhà bác, tôi thấy mát rượi trước làn gió tỏa ra từ chiếc quạt thương hiệu “PEC-Điện cơ 91-Bộ Quốc phòng”. Thấy tôi chăm chú nhìn chiếc quạt, bác trai phấn khởi “khoe”: “Quạt của Bộ đội Cụ Hồ sản xuất có khác, tốt, bền lắm cháu ạ! Thế mới thấy, bộ đội nhà mình giỏi thật. Không chỉ giỏi huấn luyện, giỏi chống “giặc” Covid-19, mà còn giỏi cả sản xuất, kinh doanh nữa. Chiếc quạt này bác mua hơn 5 năm rồi đấy, vậy mà chưa phải sửa bao giờ”.
Nghe lời khen của bác, tôi vốn đang lâng lâng trong làn gió dịu mát lại càng thêm phấn khởi, “mát lòng mát dạ” hơn. Lời khen của bác làm tôi nhớ tới lần đến thăm Nhà máy Z199, thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cách đây khá lâu. Lúc đó, thương hiệu quạt “Điện cơ 91” đã nổi danh, đang khẳng định được vị thế của mình. Tuy nhiên, Đại tá Trần Văn Hòa, Giám đốc nhà máy vẫn tỏ ra hết sức thận trọng: “Để tạo dựng được thương hiệu “Điện cơ 91” như ngày hôm nay là biết bao mồ hôi, đôi khi là cả nước mắt. Chúng tôi luôn quán triệt phương châm không bao giờ được phép thỏa mãn vì quạt điện là mặt hàng có sự cạnh tranh rất lớn, không chỉ từ trong nước mà cả hàng ngoại nhập. Do đó, cùng với việc cải tiến mẫu mã, tính năng, kiểu dáng, chúng tôi xác định phải giữ vững chất lượng sản phẩm. Chỉ có chất lượng mới khẳng định được uy tín, thương hiệu và chiếm được sự tin yêu của khách hàng. Sản phẩm mang thương hiệu “bộ đội” càng phải giữ uy tín về chất lượng”.
Được biết, với quan điểm ấy nên có những thời điểm, dù chịu sự biến động mạnh về giá nguyên liệu vật tư đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất, nhưng đơn vị vẫn tìm mọi cách để không làm ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm bán ra và đảm bảo tốt chất lượng sản phẩm. Để phục vụ tốt nhất người tiêu dùng, cán bộ, công nhân nhà máy đã phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, tính năng của sản phẩm. Nhờ đó, các loại quạt điện mang thương hiệu “PEC-Điện cơ 91-Bộ Quốc phòng” đã hiện diện ngày một nhiều trong các gia đình Việt Nam và dần dần hướng tới cả thị trường nước ngoài. Hiện nay, Xí nghiệp Điện-Điện tử 91 của nhà máy đang sản xuất khoảng 40 sản phẩm, trong đó một số sản phẩm quạt điện liên tục được người tiêu dùng bình chọn: “Hàng Việt Nam chất lượng cao”; Tốp 50 nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam (năm 2013); “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” (năm 2015)…
Đến những mặt hàng đặc chủng cao cấp
Nhắc đến lĩnh vực sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật, chất lượng cao, thương hiệu “Cao su 75” đã trở nên thân quen với nhiều người. Đây là tên gọi tắt của Nhà máy Z175, thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Hiện nay, đây cũng là doanh nghiệp quân đội chuyên sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật chất lượng cao phục vụ quốc phòng và tham gia sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, tạo nguồn thu cho đơn vị. Chia sẻ về quá trình gây dựng thương hiệu “Cao su 75”, Thượng tá Phan Chiến Thắng, Giám đốc Nhà máy Z175 cho biết: Những năm trước, nhà máy gặp nhiều khó khăn do các yếu tố bảo đảm cho sản xuất thiếu đồng bộ, áp lực cạnh tranh ngày một gay gắt… Tuy nhiên, với bản lĩnh của người lính trên mặt trận lao động, sản xuất, cán bộ, công nhân viên đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng sáng tạo, tự học hỏi làm chủ khoa học, công nghệ, vươn lên hội nhập, xây dựng nhà máy ngày càng phát triển, tạo dựng được uy tín trên thị trường. Trong lĩnh vực sản xuất hàng kinh tế, nhà máy đã sản xuất nhiều mặt hàng mới có giá trị, kỹ thuật cao phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Đặc biệt, có nhiều sản phẩm trước đây phải phụ thuộc phần lớn vào nước ngoài, đến nay, đã được nhà máy sản xuất thành công như: Băng tải cao su các loại; phụ tùng cao su; ống cao su; tấm cao su; đệm cầu cảng...
Để không ngừng nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, gần đây, nhà máy đã chủ động đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và mua sắm các trang bị, thiết bị, công nghệ hiện đại để tăng sức cạnh tranh. Cùng với đó, nhà máy đã thực hiện cuộc “cách mạng” nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp theo hướng rà soát, sắp xếp lại lực lượng, giảm tối đa lao động gián tiếp, tăng lao động trực tiếp sản xuất, thành lập một số bộ phận mới đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhà máy luôn chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tập trung mũi nhọn vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới. Trong điều kiện thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhà máy quyết liệt triển khai các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường. Cùng với đó, xây dựng, bổ sung hệ thống quy chế, quy định về quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh. Với nhiều biện pháp đồng bộ, những năm gần đây, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của nhà máy luôn tăng, lợi nhuận bình quân năm sau cao hơn năm trước từ 8-10%...
Đưa thương hiệu hội nhập, vươn xa
So với các đơn vị sản xuất quốc phòng, gần đây, Nhà máy Z176 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) có lẽ là một trong những doanh nghiệp làm việc với đối tác nước ngoài nhiều nhất. Chia sẻ về điều này, Đại tá Phạm Anh Tuấn, Giám đốc nhà máy tiết lộ: “Sản phẩm tạo được uy tín với đối tác nước ngoài của chúng tôi chủ yếu là những chiếc túi đựng dùng cho hệ thống siêu thị ở các nước EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc… Khi mới bắt tay làm ăn với đối tác nước ngoài, nhà máy gặp không ít khó khăn, thách thức vì giá nhập khẩu các loại vật tư chính như nhựa, vải đều tăng mạnh. Đối tác ngày càng có yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm và tiến độ giao hàng, khiến nhà máy luôn bị đặt trong áp lực rất lớn. Trong khi năng lực sản xuất còn hạn chế, máy móc thiết bị đã cũ, mặt bằng sản xuất chật hẹp. Nhiều lúc chúng tôi cảm giác như mình đang “đi trên dây””.
Tuy nhiên, những thách thức ấy không khiến lãnh đạo nhà máy chùn bước. Đảng ủy, chỉ huy nhà máy đã trăn trở suy nghĩ, bàn bạc tìm ra những chiến lược, biện pháp hợp lý để giữ vững tăng trưởng sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, quyết tâm đáp ứng được tiến độ giao hàng. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đối mặt với khó khăn thách thức, dần dần, nhà máy đã tìm ra những cách mở nút thắt ở các khâu, công đoạn. Đầu tiên, nhà máy chọn “đột phá” vào việc tối ưu hóa, hợp lý hóa sản xuất từ công đoạn kéo sợi đến công đoạn cuối là may và hoàn chỉnh sản phẩm. Quá trình tổ chức thực hiện, nhà máy đã triển khai rất thận trọng, tính toán kỹ lưỡng, do đó mỗi năm đã tiết kiệm được chi phí quản lý và vận chuyển gần chục tỷ đồng, năng suất lao động tăng từ 10-15% so với trước. Thành công đó giúp cho phương pháp quản lý, tổ chức sản xuất ngày càng hiệu quả, chuyên nghiệp, khiến nhà máy càng thêm tự tin.
Cùng với bước đột phá trên, nhà máy chú trọng vào việc thực hiện chương trình tự động hóa, phát động cán bộ, nhân viên, người lao động tích cực tham gia sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Nhờ đó, đã tạo ra những sáng kiến như đưa vật liệu mới vào trong sản xuất túi siêu thị, giúp làm lợi mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, người lao động nơi đây còn tự thiết kế, chế tạo được nhiều thiết bị điều khiển tự động, tập trung vào các công đoạn tạo phôi, bao gói; đặc biệt là đã thiết kế chế tạo được 5 máy dán túi siêu thị tự động bằng công nghệ dán siêu âm, giúp tăng năng suất lao động từ 3-5 lần.
Để đa dạng hóa sản phẩm, chinh phục những thị trường khó tính, gần đây, nhà máy đã tập trung nguồn lực phát triển sản phẩm mới có kiểu dáng hiện đại, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao. 5 năm trở lại đây, nhà máy đã phát triển được hàng trăm sản phẩm mới các loại có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt như: Nhóm sản phẩm phục vụ du lịch, dã ngoại, thể thao, các loại túi đựng đồ trong gia đình, văn phòng... Các sản phẩm này luôn bảo đảm 5 yếu tố: Đẹp, bền, rẻ, tiện dụng, thân thiện với môi trường, vì vậy đã chinh phục được nhiều đối tác nước ngoài, kể cả những thị trường khó tính. Hiện nay, ngoài bạn hàng truyền thống là tập đoàn IKEA (Thụy Điển), nhà máy đã có ngày càng nhiều đối tác lớn đến ký hợp đồng sản xuất như: AMAZON (Mỹ); ADEO (Pháp), Bikezac (Đan Mạch)… Nhờ đó, năm 2018, lần đầu tiên doanh thu xuất khẩu của nhà máy vượt mức 1.000 tỷ đồng; năm 2019, doanh thu từ xuất khẩu của nhà máy đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Vừa qua, nhà máy được tập đoàn IKEA (Thụy Điển) bình chọn là nhà cung cấp ưu tiên, tập đoàn Decathlon (Pháp) đánh giá là nhà cung cấp hạng A... Đó là những phần thưởng quan trọng khẳng định thương hiệu, uy tín của nhà máy trên thị trường thế giới.
Không chỉ có Nhà máy Z176, toàn quân còn nhiều đơn vị vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, vừa tạo dựng được uy tín, vị thế trong lĩnh vực sản xuất hàng kinh tế, tham gia thị trường xuất khẩu. Tiêu biểu như, những năm gần đây, Nhà máy Z189 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã khẳng định được sự thành công nhờ xác định phương châm: Sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ chính trị trung tâm, sản xuất kinh tế là nhiệm vụ quan trọng. Với quan điểm đó nên cùng với việc ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, lãnh đạo nhà máy đã tận dụng tối đa công năng dôi dư, trình độ công nghệ, trang thiết bị, nguồn nhân lực tại chỗ để đẩy mạnh sản xuất hàng kinh tế. Thực hiện quan điểm “biết mình biết ta”, nhà máy triệt để tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm mang tính đặc trưng, có ưu thế về công nghệ, nhất là sở trường đóng tàu bằng hợp kim nhôm. Chia sẻ về hướng đi này, Thượng tá Nguyễn Thế Vỹ, Giám đốc nhà máy tự tin cho biết, hiện nay, có rất ít cơ sở đóng tàu có thể cạnh tranh được với đơn vị về công nghệ đóng tàu vỏ nhôm. Ngoài lĩnh vực thế mạnh, Nhà máy Z189 đang tiếp tục triển khai nhiều đề tài, dự án mới, thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm; chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là với các thị trường khó tính. Vừa qua, nhà máy đã đẩy mạnh hợp tác, đóng mới xuất khẩu được hàng chục loạt tàu có giá trị kinh tế cao sang thị trường châu Âu, châu Úc, châu Mỹ…, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và tiến độ.
Ngoài các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước kể trên, quân đội ta còn nhiều đơn vị khác đang ngày đêm sản xuất ra những mặt hàng giá trị khác, phục vụ hoạt động quốc phòng cũng như nhu cầu dân sinh. Những người lính thợ cần cù, sáng tạo, năng động, bản lĩnh ấy đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Đồng thời, qua đó khẳng định rằng, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, quân đội ta đủ sức hoàn thành tốt chức năng là “đội quân lao động sản xuất” mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.