Những tiếng khóc nghẹn trong lễ cầu siêu, tưởng niệm đồng bào mất vì COVID-19

Nhiều người tham dự lễ cầu siêu, tưởng niệm đồng bào mất vì COVID-19 tại chùa Minh Đạo, quận 3, TP.HCM, khóc nghẹn khi nhớ tới người thân của mình.

Sáng 19/11, hưởng ứng Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 diễn ra trên khắp cả nước, chùa Minh Đạo (quận 3, TP.HCM) tổ chức lễ tụng kinh tưởng niệm và cầu siêu cho các nạn nhân không may qua đời vì COVID-19.

Lễ tưởng niệm, cầu siêu đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.

Lễ tưởng niệm, cầu siêu đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.

Buổi lễ diễn ra trang trọng từ 8h - 10h. Lễ cầu siêu và khai đàn chuẩn tế được tổ chức theo nghi thức truyền thống tâm linh Phật giáo để trợ duyên cho hương linh người tử vong trong đại dịch COVID-19 được siêu sanh về cõi an lành. Mỗi tiếng chuông chùa ngân lên như những tiếng lòng bi ai của người ở lại.

Để xoa dịu nỗi đau cho những trẻ em có bố hoặc mẹ tử vong vì COVID-19, UBND quận 3 phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 3 tặng 57 phần quà cho các em, hy vọng giúp các em vững bước trên con đường tương lai.

Nghẹn ngào khi nghe văn tế đồng bào tử nạn do COVID-19

"COVID-19 như bóng ma bao trùm trái đất, mảnh đất Việt Nam đau thương chất ngất, hơn 2 vạn người ra đi lặng lẽ.

Bàn tay thần chết không chừa một ai, từ cụ già đến phụ nữ mang thai, cái chết đến nhanh như ai bóp cổ. Những trẻ thơ chưa kịp mở mắt, tiếng khóc chào đời cũng là tiếng khóc biệt ly, chưa kịp đặt tên đã theo mẹ ra đi, tên tuổi chỉ là dãy số...

Nhiều người khóc nghẹn sau khi nghe văn tế.

Nhiều người khóc nghẹn sau khi nghe văn tế.

Nước mắt không chỉ của những người thương nhớ, của cả chiến sĩ tuyến đầu kề cận đêm đêm và những tấm lòng thiện nguyện, thảo thơm.

Những sinh linh có tên và chưa có tên dứt bỏ dương gian; những tàu ngầm, chiến hạm, sân bay, phi thuyền… đang chờ khám phá.

Thương thay những thân phận, cát bụi lại trở về cát bụi, nay hũ tro tàn trong tay người chiến sỹ cùng nén nhang cong dẫn lối về nhà. Gia đình trắng khăn tang nhưng phải cách xa, khẩu trang đầm nước mắt….", văn tế ghi.

Sau những lời văn tế đồng bào tử nạn do COVID-19 từ ông Huỳnh Gia Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 3, TP.HCM vang lên, những người có mặt trong hội trường không kìm được cảm xúc, nước mắt lả tả rơi. Những tiếng nấc nghẹn của những ở lại khiến ai nấy đều xót xa.

Chị Loan cùng con trai tham dự lễ tưởng niệm.

Chị Loan cùng con trai tham dự lễ tưởng niệm.

Chị Võ Thị Kim Loan (ngụ quận 3) cho hay, sau khi nghe thông tin quận tổ chức lễ tưởng niệm chị đăng ký tham gia để cầu nguyện cho chồng mình. Trong khi nghe văn tế, chị không giấu nổi xúc động.

Chồng chị tham gia trong nhóm thiện nguyện, đi phát quà cho những hộ dân khó khăn trong đại dịch, chẳng may anh mắc COVID-19. Trong khi chuyển đi bệnh viện lúc trở nặng, anh đã không vượt qua và ra đi mãi mãi, để lại 2 con nhỏ cho chị, đứa đầu 11 tuổi, con trai thứ 6 tuổi.

"Hai đứa cũng có hỏi về ba nhưng lớn rồi nên cũng hiểu, đau thương nó để trong lòng thôi. Tôi không ngờ chồng mình ra đi nhanh đến như vậy", chị Loan nói trong nghẹn ngào.

Hối tiếc về người chồng mất, ngày ngày lên chùa cầu nguyện

Gương mặt thất thần trong buổi lễ, chị Võ Thị Lụa không giấu nổi cảm xúc khi nghĩ về người chồng đã ra đi mãi mãi vì COVID-19.

Tôi cảm thấy đau, mọi thứ đến quá nhanh và tôi không tin là chồng mình đã mất. Ngày tôi gặp anh đấy là lúc mang sữa vào cho chồng tôi ở bệnh viện, chúng tôi chỉ từ xa và không nói với nhau được câu nào, đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp chồng tôi”, chị Võ Thị Lụa nghẹn ngào chia sẻ trong lễ tưởng niệm.

Bà Lụa không kìm được nước mắt khi nhắc đến người chồng của mình.

Bà Lụa không kìm được nước mắt khi nhắc đến người chồng của mình.

Chị Lụa cho biết, dù chồng đã qua đời hơn 3 tháng, nhưng chị chẳng thể nguôi ngoai nỗi đau và lúc nào cũng cảm thấy ân hận, hối tiếc. Chồng chị Lụa chạy xe ôm, sống ở quận 12, tiền bạc không dư giả nên chỉ lo được cho bản thân. Chị và con gái sống ở quận 3 để buôn bán, mưu sinh cùng gia đình bên ngoại nên không chăm sóc cho chồng được nhiều.

"Nhiều lần chồng tôi nói, đi làm về mà không có vợ con thì cũng buồn, nhưng lúc ấy tôi chỉ nói chồng thông cảm vì mẹ tôi già yếu và cần có người bên cạnh. Cứ như vậy, dù là gia đình nhưng mỗi người sống mỗi nơi, thứ 6 hàng tuần chồng tôi lên quận 3 ăn cơm rồi về…", chị Lụa kể lại.

Đến khi chồng mắc COVID-19, chị cũng chỉ có thể mang thực phẩm, sữa đến và đứng ở khoảng cách hỏi han, dặn dò vài câu vì chị có bệnh nền. Chị vẫn tin chồng tôi sẽ qua khỏi vì anh rất khỏe mạnh.

"Tôi còn khoe với anh con gái vẽ tranh rất đẹp, anh cố gắng để về xem tranh con vẽ, để gia đình đoàn tụ. Thế mà đấy cũng là lần cuối tôi được gặp chồng, được nói chuyện với chồng… điều này khiến tôi quá bất ngờ và đau lòng”, chị Lụa nấc nghẹn.

Từ khi chồng mất, lúc nào chị cũng ân hận, day dứt vì không lo lắng được cho chồng. Nỗi đau xen lẫn với sự hối tiếc cứ dằn vặt chị mỗi ngày, chị chọn cách lên chùa để đọc kinh cầu nguyện, hồi hướng cho linh hồn chồng cũng như cho lòng mình thanh thản hơn.

“Chỉ hướng tâm vào phật pháp thì lòng tôi mới vơi bớt được nỗi đau, nỗi nhớ và nỗi ân hận trong lòng. Tro cốt của chồng được gửi trong chùa nên mỗi ngày tôi đều vào để nhang khói, tưởng nhớ. Giờ chỉ còn con gái là động lực để tôi sống tiếp, gắng gượng vượt qua nỗi đau", chị Lụa nói.

Xúc động vì có lễ tưởng niệm

Có mặt tại buổi lễ tưởng niệm, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, ngụ phường 11, quận 3 cũng giàn dụa nước mắt khi nói về sự ra đi của chồng mình. Chồng bà mất vì COVID-19 đã hơn 100 ngày nhưng nghĩ đến chồng, nghĩ đến sự ra đi đơn độc, khổ sở của chồng mình bà lại không cầm được nước mắt.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai không kìm nỗi cảm xúc.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai không kìm nỗi cảm xúc.

“Cả nhà tôi phải đi bệnh viện cách ly, nhưng mỗi người cách ly một nơi. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh, buổi chiều tôi vào viện cách ly thì nghe tin chồng phải đi cấp cứu, mấy ngày sau là mất. Chồng tôi không có ai chăm sóc, không có người thân bên cạnh, ra đi trong đau khổ…”, bà Mai khóc lịm.

Điều khiến bà Mai được an ủi phần nào là con của bà đã có mặt tại bệnh viện để tiễn bố, nhưng chỉ có thể đứng từ xa nhìn được cỗ quan tài với dòng tên người thân.

“Dịch dã quá khắc nghiệt, nhưng nay được chính quyền quan tâm làm lễ tưởng niệm nên tôi thấy an ủi phần nào”, bà Mai cho biết.

TP.HCM đang dần hồi phục dù trên mình còn chi chít vết thương sau đại dịch COVID-19. Ai đã trải qua cơn thập tử nhất sinh, từng có người thân mất đi vì COVID-19 mới thấm thía được hết nỗi đau, khó có thể xóa nhòa.

"Chúng ta hoan hỉ, hướng tâm cầu nguyện, nén đi nỗi đau thương mất mát lớn lao. Hôm nay, TP.HCM đi vào giai đoạn bình thường mới, nỗi khổ vì dịch COVID-19 tạm đi qua.

Chúng tôi tha thiết kêu gọi sự chung tay của cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời cầu nguyện phật lực gia trì cho đại dịch sớm được tiêu trừ, đời sống con người trở lại ổn định", đại đức Thích Minh Ân nói trong lễ tưởng niệm.

Hoàng Thọ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-tieng-khoc-nghen-trong-le-cau-sieu-tuong-niem-dong-bao-mat-vi-covid-19-ar647392.html