Những tín hiệu tích cực từ xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Anh
Kể từ đầu tháng 5/2023 khi lô sầu riêng Ri6 xuất khẩu chính ngạch đầu tiên đến Anh, mỗi tuần công ty TT Meridian đều đặn nhập 3-4 tấn trái cây đặc sản này, một tín hiệu cho thấy sầu riêng Ri6 đang được người tiêu dùng đón nhận tích cực tại thị trường này.
Với nhiều năm nghiên cứu các mặt hàng hoa quả thế mạnh của Việt Nam và có tiềm năng và lợi thế xuất khẩu vào thị trường Anh, TT Meridian, doanh nghiệp chuyên phân phối nông sản Việt Nam tại Anh, đặc biệt là trái cây đặc sản, nhận thấy nhiều triển vọng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này.
Ông Thái Trần, Giám đốc điều hành TT Meridian, cho biết, với mức thuế ưu đãi 0% theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA), sầu riêng Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn về giá so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại (đang chịu mức thuế 8%), trong bối cảnh lạm phát cao khiến giá là mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng Anh.
Với chất lượng gần tương đương với giống Mongthon của Thái Lan hay Musang King của Malaysia trong khi mùa thu hoạch sớm hơn và có giá bán thấp hơn, sầu riêng Ri6 của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh trên thị trường Anh, ông Thái Trần khẳng định. Lượng hàng nhập khẩu hàng tuần của công ty đang được tiêu thụ rất tốt cho thấy khả năng duy trì thị trường xuất khẩu sang Anh ổn định và lâu dài.
Ông Thái Trần cho biết Anh là một thị trường có nhiều phân khúc khách hàng và sầu riêng Việt Nam có thể hướng tới khách hàng châu Á cũng như các nhà sản xuất, chế biến sản phẩm từ sầu riêng như kem, sữa chua, đồ uống sầu riêng… Ông cho rằng lợi thế về giá trong thời điểm hiện tại mở ra cơ hội để sầu riêng Việt Nam tiếp cận và chinh phục người tiêu dùng và các nhà phân phối Anh.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh, cũng cho rằng phản ứng của thị trường đối với sầu riêng Ri6 rất tích cực, với lượng hàng nhập khẩu trong hơn 1 tháng qua đang được các nhà phân phối và bán lẻ tiêu thụ rất tốt. Ông Nguyễn Cảnh Cường nhận định đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy triển vọng thuận lợi cho trái sầu riêng đặc sản của Việt Nam mở rộng thị phần tại Anh trong tương lai.
Ông Nguyễn Cảnh Cường khẳng định mặc dù lần đầu xuất hiện tại thị trường Anh, nơi người tiêu dùng đã quen thuộc với sầu riêng Thái Lan và Malaysia, sầu riêng Việt Nam đang được đón nhận nhờ hương vị khác biệt và giá cả cạnh tranh. Ông chỉ ra rằng ngoài cộng đồng người Việt, cộng đồng người Hong Kong (Trung Quốc) với quy mô lớn hơn rất nhiều cộng đồng người Việt là nhóm khách hàng tiềm năng lớn cho sầu riêng cũng như các loại trái cây nhiệt đới khác của Việt Nam.
Mặc dù ghi nhận những dấu hiệu tích cực ban đầu từ thị trường, ông Thái Trần cho rằng vẫn còn nhiều thách thức để sầu riêng Việt Nam trụ vững tại thị trường đầy cạnh tranh này.
Ông Thái Trần chia sẻ, một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng là thủ tục xin chứng nhận xuất xứ lô hàng từ cơ quan chức năng Việt Nam. Là yêu cầu bắt buộc để hưởng ưu đãi thuế theo UKVFTA, thủ tục xin chứng nhận xuất xứ hiện mất khá nhiều thời gian, nhân lực và chi phí do doanh nghiệp phải trực tiếp đến xin cấp chứng nhận xuất xứ bằng bản giấy. Ông cũng chỉ ra rằng đây là một bất lợi đối với xuất khẩu trái cây tươi nói chung, và sầu riêng nói riêng, vốn là mặt hàng phải vận chuyển bằng đường hàng không sang nước nhập nhẩu cùng ngày thu hoạch để đảm bảo chất lượng, độ tươi ngon của sản phẩm. Ông Thái Trần cho rằng việc nhận chứng nhận xuất xứ ngay trong ngày lô hàng được thu hoạch sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp, cho rằng việc này có thể thực hiện thông qua thủ tục cấp chứng nhận điện tử với các giao dịch được thực hiện trực tuyến.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cũng đồng tình rằng yếu tố thời gian rất quan trọng trong xuất khẩu trái cây, cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách rút ngắn thời gian kiểm dịch, thời gian cấp giấy chứng nhận xuất xứ, đảm bảo toàn bộ quy trình đưa trái cây từ nơi thu hoạch đến phòng thí nghiệm, đến cửa khẩu, hải quan… trong vòng nửa ngày để kịp lên chuyến bay cùng ngày và khi đến tay người tiêu dùng vẫn đảm bảo tươi ngon.
Một thách thức khác đối với doanh nghiệp nhập khẩu sầu riêng là sự đồng đều về chất lượng sản phẩm, ông Thái Trần chia sẻ. Ông nhận định việc các lô hàng sầu riêng nhập khẩu vào Anh hiện chưa có sự ổn định về chất lượng sẽ cản trở việc xây dựng niềm tin, yếu tố quan trọng để phát triển quan hệ đối tác lâu dài với các nhà phân phối, bán buôn và bán lẻ tại Anh. Ông Thái Trần cho rằng các nhà sản xuất và xuất khẩu sầu riêng cần áp dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ bảo quản, đảm bảo chất lượng ổn định của sản phẩm nếu muốn duy trì thị trường xuất khẩu lâu dài.
Theo ông Thái Trần, cước vận tải, chi phí logistics và chi phí trung gian cao cũng là những thách thức cần phải giải quyết để sầu riêng và trái cây Việt Nam có thể cạnh tranh tốt tại thị trường Anh. Ông Thái Trần chỉ ra rằng cước vận tải - chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá thành sản phẩm như sầu riêng - đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam sang Anh hiện vẫn cao hơn khoảng 1 USD/kg so với các đối thủ cạnh tranh khác như Trung Quốc, Malaysia hay Thái Lan. Ngoài ra, chi phí logistics và các chi phí trung gian khá cao khiến giá thành sầu riêng Việt Nam bị đội lên nhiều khi tới tay nhà phân phối và người tiêu dùng Anh, mặc dù giá gốc tại vườn rất tốt.
Ông Thái Trần khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần cắt giảm tối đa chi phí trung gian, đồng thời tích cực tìm kiếm những đối tác logistics lớn, chào giá cạnh tranh, để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế Anh khó khăn với lạm phát cao kỷ lục. Các nhà xuất khẩu cũng cần cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, chú trọng vào năng suất, hiệu quả bằng cách áp dụng các phương pháp sản xuất và quản lý tiên tiến của thế giới, cũng như các tiêu chuẩn chất lượng như HACCP, ISO.
Ngoài ra, các nhà sản xuất và xuất khẩu sầu riêng, cần đa dạng hóa đầu ra thay vì phụ thuộc vào một thị trường duy nhất để tránh rủi ro khi bạn hàng thay đổi về chính sách hay điều chỉnh nguồn cung. Đây cũng là chủ trương của chính phủ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ông Thái Trần lưu ý dù các thị trường như châu Mỹ, châu Âu, Anh, Nhật Bản, hiện chưa nhập số lượng lớn sầu riêng Việt Nam, song nhập khẩu qua đường chính ngạch và có giá bán tương đối tốt so với mặt bằng giá chung. Vì vậy đây là các thị trường tiềm năng mà các nhà sản xuất và xuất khẩu cần để mắt thay vì tập trung duy nhất vào Trung Quốc, một thị trường lớn của Việt Nam, nhập khẩu với số lượng lớn và vận chuyển bằng đường bộ khá thuận tiện.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần đầu tư xây dựng thương hiệu quốc gia đối với hàng Việt Nam nói chung và trái cây nói riêng, ông Thái Trần nhấn mạnh. Ông nêu rõ rằng với nhiều giống cây đặc sản mang tính đặc trưng của Việt Nam như vải thiều, sầu riêng, doanh nghiệp cần chú trọng quảng bá các sản phẩm thế mạnh, các đặc sản của Việt Nam gắn với hình ảnh đất nước, gây ấn tượng và khiến người tiêu dùng liên tưởng đến Việt Nam khi nhắc đến một đặc sản như sầu riêng hay vải thiều chẳng hạn.
Ông Thái Trần cho biết việc này có thể thực hiện thông qua các kênh truyền thông hiện đại như mạng xã hội, quảng bá tại các sự kiện thể thao lớn, các báo, trang thông tin điện tử… với chi phí thấp hơn nhiều so với cách thức truyền thống như tham gia hội chợ.
Ông Thái Trần chia sẻ, bắt đầu từ năm nay, TT Meridian sẽ sử dụng bao bì sản phẩm Việt Nam phân phối tại Anh với hình ảnh cờ đỏ sao vàng nhằm xây dựng và quảng bá thương hiệu Việt Nam như một nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn của thế giới, giúp người tiêu dùng dễ dàng và nhanh chóng nhận diện sản phẩm Việt Nam trên kệ hàng siêu thị tại Anh.
Trong tháng Sáu, TT Meridian lần đầu tiên nhập khẩu chính ngạch vải u hồng (vải chín sớm), và vải thiều không hạt ,với bao bì mang hình ảnh cờ đỏ sao vàng Việt Nam nhằm giúp người tiêu dùng Anh nhận diện thương hiệu quốc gia, tạo ấn tượng trái vải là một đặc sản riêng của Việt Nam.
Ông Thái Trần nhận định với lợi thế cạnh tranh hiện nay về giá, sầu riêng Việt Nam có thể tự tin duy trì thị phần ổn định tại Anh nếu các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đồng hành tháo gỡ các khó khăn, thách thức trong xuất khẩu loại trái cây đặc sản, có giá trị cao này.