Những tính năng trên ô tô giúp giảm nguy cơ mất an toàn
Công nghệ giao thông đã có những tiến bộ vượt bậc từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là những tính năng đã được ra đời nhằm đảm bảo an toàn và giảm thiểu thương vong cho quá trình tham gia giao thông của con người.
Camera lùi
Camera lùi là một trong những đổi mới đầu tiên trong công nghệ an toàn ô tô. Mặc dù ý tưởng này xuất hiện từ năm 1956 trên một mô hình Buick, nhưng công nghệ này chỉ thực sự phổ biến từ những năm 2000 trở đi. Đến năm 2018, camera lùi trở thành yêu cầu tiêu chuẩn cho tất cả các ô tô mới.
Các nghiên cứu chỉ ra, camera lùi đã giảm đáng kể số vụ tai nạn và tỷ lệ tử vong, đặc biệt là trong các vụ tai nạn liên quan đến trẻ em và người cao tuổi. Khi kết hợp với công nghệ khác như phanh tự động và cảm biến đỗ xe, số vụ tai nạn giảm mạnh hơn.
Camera phạt nguội
Vượt đèn đỏ là nguyên nhân gây ra tử vong cho 1.109 người và khoảng 127.000 vụ tai nạn thương tích vào năm 2021. Song, từ khi ứng dụng camera phạt nguội, số vụ tai nạn chết người tại các giao lộ thành phố giảm khoảng 21% và và khoảng 14% ở những địa phương khác.
Hệ thống camera phạt nguội giúp cảnh sát xem xét vi phạm và phạt nguội từ đó, siết chặt kỷ cương. Mặc dù có những lo ngại về quyền riêng tư và giám sát, nhưng đến năm 2021, có 344 đô thị đã sử dụng camera phạt nguội lắp tại trụ đèn tín hiệu ở giao lộ.
Công nghệ giao tiếp xe với xe (V2V)
V2V là một công nghệ tránh va chạm, dựa vào việc trao đổi thông tin giữa các phương tiện ở gần để cảnh báo người lái về các tình huống nguy hiểm có thể dẫn đến va chạm.
Ví dụ: V2V có thể giúp cảnh báo người lái xe rằng một phương tiện phía trước đang phanh và họ cần giảm tốc độ hoặc cho người lái xe biết nguy cơ mất an toàn khi đi qua giao lộ vì một chiếc xe khác (người lái xe chưa nhìn thấy) đang nhanh chóng đến gần.
Giao tiếp giữa xe với xe (V2V) cho phép xe trao đổi không dây thông tin về tốc độ, vị trí và hướng đi của chúng.
Công nghệ đằng sau giao tiếp V2V cho phép các phương tiện phát và nhận tin nhắn đa hướng (tối đa 10 lần mỗi giây), tạo ra "nhận thức" liên tục, đa chiều về các phương tiện khác ở gần.
Tới đây, công nghệ này có thể sử dụng các cảnh báo bằng hình ảnh, xúc giác và âm thanh—hoặc kết hợp các cảnh báo này—để cảnh báo người lái xe. Những cảnh báo này cho phép người lái xe có khả năng thực hiện hành động để tránh va chạm.
Mặc dù vẫn trong giai đoạn thử nghiệm nhưng công nghệ này đã được định giá đạt tới khoảng 19.98 tỷ USD vào năm 2022.
Hệ thống cảnh báo điểm mù
Được giới thiệu vào năm 2004 bởi Volvo, công nghệ cảnh báo điểm mù đang ngày càng phổ biến, ứng dụng nhiều trong các phương tiện mới.
Công nghệ này sử dụng camera, radar hoặc công nghệ cảm biến siêu âm nhằm mục đích phát hiện các phương tiện mà người lái không thể nhìn thấy bên cạnh hoặc phía sau xe.
Theo dữ liệu năm 2018, các phương tiện có tính năng cảnh báo điểm mù bị vướng vào các vụ tai nạn thay đổi làn đường ít hơn so với các ô tô không có tính năng này khoảng 14%.
Điều này chứng minh, công nghệ cảnh báo điểm mù đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu các va chạm khi xe thay đổi làn đường và tăng cường an toàn cho người lái.