Những tỉnh nào còn 'vướng' mặt bằng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1?
Theo tin từ Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT), tính đến nay, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (11 dự án thành phần) đi qua 13 địa phương đã hoàn thành công tác bồi thường (đạt 100%), bàn giao 655,555 km (đạt 99,95%), còn lại khoảng 0,305 km đang vướng mắc.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn tồn tại 55 m còn vướng mắc chưa bàn giao mặt bằng và một số công trình hạ tầng kỹ thuật, mồ mả chưa di dời.
Trong đó, dự án thành phần đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu còn 100 m đường ống nước D800 (xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai) chưa hoàn thành di dời; Dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt còn 55 m đã bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Huyện Diễn Châu còn 5 m qua khu nghĩa trang xóm Tây Thọ xã Diễn Thọ; huyện Hưng Nguyên còn 50 m (40 m vướng 2 hộ đang xây dựng nhà tại khu tái định cư và 10 m vướng 1 ngôi mộ).
Ngoài ra, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật hiện còn tồn tại 10/65 vị trí đường điện qua tỉnh Nghệ An, gồm 4/6 vị trí điện cao thế (Diễn Châu 1, Hưng Nguyên 3), 5/25 vị trí điện trung thế và 1/32 vị trí điện hạ thế thuộc huyện Hưng Nguyên đang di dời.
Tại tỉnh Quảng Trị hiện còn vướng mắc cục bộ về GPMB phục vụ thi công dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Cụ thể, về mặt bằng, hiện còn vướng mắc tại một số vị trí cục bộ và một số phát sinh GPMB do điều chỉnh xử lý kỹ thuật.
Đoạn nâng đường đỏ, Khe Ái Tử (đã có thông báo thu hồi đất bổ sung ngày 29/4/2022), Hội đồng GPMB huyện Triệu Phong đang hoàn thiện thủ tục để chi trả hộ dân (nhà thầu đã tự ứng tiền để thi công trước); đường gom ĐG7 thuộc huyện Triệu Phong (vướng 60 m của 2 hộ dân, có thông báo thu hồi đất, Hội đồng GPMB huyện Triệu Phong đang thực hiện các thủ tục tiếp theo (nhà thầu đã tự ứng tiền để thi công trước); đoạn xử lý sụt trượt Km26+140 - Km26+500 (huyện Hải Lăng) chưa trình bổ sung kế hoạch sử dụng đất.
Về di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, hiện còn 1 vị trí đường điện 220 kV chưa hoàn thành di dời (vị trí cột điện và đường điện này không ảnh hưởng đến thi công, chỉ ảnh hưởng khi đưa dự án vào khai thác). Cục QLXD&CLCTGT cho biết, hiện đang trình Cục Điện lực - Bộ Công thương thẩm định thiết kế.
Địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện còn 13 vị trí đường điện cao thế đang trình Cục Năng lượng - Bộ Công Thương thẩm định hồ sơ thiết kế để tổ chức đầu thầu xây lắp di dời đường điện (các vị trí cột điện và đường điện này không ảnh hưởng đến thi công, chỉ ảnh hưởng khi đưa dự án vào khai thác).
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm hiện còn vướng khoảng 250 m chưa bàn giao mặt bằng do 2 hộ dân, 1 tổ chức (Viện Paster) và 1 mỏ đá Phước Thành còn khoảng 100 m; 8 vị trí cột điện cao thế, 28/40 vị trí cột điện trung thế, 11/22 vị trí cột điện hạ thế.
Dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo hiện còn 1 vị trí cột điện trung thế và 50 m cáp viễn thông chưa di dời thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa; khoảng 400 m đường ống nước thuộc địa bàn tỉnh Ninh Thuận (chờ hào kỹ thuật).
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, dự án án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết: Hiện còn 17 vị trí cột điện cao thế 220 kV - 500 kV (16 vị trí cột điện và đường điện này không ảnh hưởng đến thi công, chỉ ảnh hưởng khi đưa dự án vào khai thác; 1 vị trí đường dây 500 kV tại Km138+900 tĩnh không đường dây không đảm bảo để thi công phần nền đường, ảnh hưởng khoảng 100 m nền đường).
Dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây hiện còn 2 vị trí cột điện 500 kV; 2 cột điện hạ thế nằm trên tuyến nối cao tốc với QL1A (QL1 - Mỹ Thạnh) và 3 vị trí đường ống nước chưa di dời.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây hiện còn 1 đường điện 220 kV và 1 đường điện 500 kV chưa được nâng cao tĩnh không; 14 vị trí cột điện trung thế, 10 vị trí đường viễn thông, 1 vị trí đường điện chiếu sáng, 20 vị trí đường điện dân sinh và 2 vị trí đường ống nước chưa di dời.
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 hiện còn 3 vị trí cột điện cao thế trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thành di dời.