Những toan tính của Anh khi lật lại thỏa thuận Brexit
Trước việc Anh dự định loại bỏ một số nội dung của thỏa thuận Brexit đã ký kết với EU, tờ Le Monde đặt câu hỏi: London đang toan tính gì và liệu nước này có sẵn sàng vượt qua 'ranh giới đỏ' hay không?
Ngày 9/9, các nghị sĩ Anh bày tỏ việc sẵn sàng xem xét một dự luật cho phép loại bỏ một số nội dung của thỏa thuận Brexit, vốn đã được thông qua hồi tháng 1/2020. Ý tưởng này đã gây ra tranh cãi không chỉ trong đảng Bảo thủ Anh mà cả trong các thiết chế của Liên minh châu Âu (EU).
Theo tờ Le Monde của Pháp, khi được hỏi về vấn đề này tại Hạ viện Anh ngày 8/9, Quốc vụ khanh phụ trách về Bắc Ireland, Brandon Lewis đã khẳng định: “Những quy định trong dự luật được giới thiệu ngày hôm nay vi phạm hoặc có thể vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng đây là trường hợp đặc biệt và có giới hạn”.
Trước đó, tờ Financial Times (Anh) ngày 7/9 đã tiết lộ những chủ định này của Chính phủ Anh. Theo tạp chí Le Point của Pháp, trước các nghị sĩ Anh, cựu Thủ tướng Theresa May đã đặt câu hỏi với ông Brandon Lewis rằng Chính phủ Anh sẽ phải làm thế nào để các đối tác của Anh trong thời gian tới tin tưởng vào việc nước này giữ đúng các cam kết của mình.
Vấn đề Ireland
Dự luật nêu trên của Anh nhằm chuẩn bị cho việc kết thúc giai đoạn chuyển đổi, vốn được ấn định vào ngày 31/12/2020. Phát biểu tại Quốc hội Anh, ông Johnson khẳng định dự luật mới bảo vệ việc làm, duy trì tăng trưởng và đảm bảo thị trường nội địa Anh hoạt động trôi chảy và an toàn.
Ông Johnson gọi dự luật mới này là "lưới an toàn pháp lý" trong trường hợp EU "diễn giải thiên lệch" những thỏa thuận hậu Brexit. Ông khẳng định nhiệm vụ của ông là đảm bảo sự thống nhất thị trường trong nước nhưng cũng phải bảo vệ cả tiến trình hòa bình của Bắc Ireland và Hiệp ước thứ Sáu Tốt lành giúp chấm dứt hơn 30 năm xung đột tại vùng lãnh thổ này.
Dự luật, nếu được thông qua, sẽ cho các quan chức Chính phủ Anh quyền hạn bỏ qua một số điều khoản trong thỏa thuận rút lui bằng cách thay đổi mẫu các tờ khai xuất khẩu hoặc những quy trình rút lui khác.
Tuy nhiên, theo thỏa thuận rút lui ký với EU, Anh phải liên lạc với EU khi thực hiện bất kỳ dàn xếp nào với vùng Bắc Ireland, đường biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh và EU thời hậu Brexit. Dự luật này sẽ được đưa ra thảo luận tại lưỡng viện Quốc hội Anh và phải được thông qua mới trở thành luật.
Politico giải thích, dự luật này nhằm chuẩn bị cho việc “chuyển giao quyền đề ra các quy định trong các lĩnh vực mà trước đó do EU chi phối, như các tiêu chi về thực phẩm và chính sách về môi trường, sang cho các cơ quan có thẩm quyền của Anh”.
Còn theo báo Le Monde, thỏa thuận Brexit được ký kết năm 2019 giữa EU và Anh quy định, nếu Vương quốc Anh rời Liên minh Thuế quan châu Âu vào cuối giai đoạn chuyển đổi này, thì Bắc Ireland vẫn tuân theo các tiêu chuẩn của châu Âu được xác định trong khuôn khổ thị trường nội địa của cộng đồng chung, đồng thời Belfast “vẫn thuộc Liên minh thuế quan của Anh”.
Tuần báo Courrier International nhắc lại, điều khoản này được biết đến dưới tên gọi “backstop”, nhằm “tránh việc thiết lập trở lại đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland”.
Và Le Point nhấn mạnh, rộng hơn nữa là nhằm tránh “căng thẳng có thể lại nổi lên trong khu vực này, vốn đã xảy ra xung đột đẫm máu trong suốt 3 thập kỷ cho tới khi Hiệp định Hòa bình ngày Thứ Sáu Tốt lành được ký kết năm 1998”.
Chiến lược của Anh
Nếu như Thủ tướng Anh ông Boris Johnson đảm bảo rằng dự luật trên chỉ là nhằm “làm rõ” thủ tục của Bắc Ireland, thì tuần báo Courrier International lại cho rằng, dự luật này của Anh sẽ “loại bỏ yếu tố ràng buộc về mặt pháp lý”.
Cũng theo tuần báo này, để giải thích cho việc đề ra dự luật, ông Johnson lấy lý do lo ngại Bắc Ireland sẽ xa rời Anh và triển vọng thống nhất quốc đảo Ireland.
Trước vấn đề này, báo Le Monde đặt câu hỏi: “Đây có phải là hình thức đe dọa đối với châu Âu không?" Liệu đây có phải là toan tính nhằm giành được thỏa thuận thương mại phù hợp với Anh từ nay tới cuối năm không?
Le Monde cũng nhận định, ít nhất thì Thủ tướng Anh không muốn ngừng đàm phán với EU, ông không thể đảm bảo Vương quốc Anh có thể phồn thịnh khi không có thỏa thuận thương mại với EU.
Tuần báo Courrier International phân tích, ông Boris Johnson cho thấy ông sẵn sàng cho mọi trường hợp hơn là chấp nhận một thỏa thuận thương mại tồi, cướp đi sự độc lập của nước Anh.
Báo này cũng cho rằng, đây là cách gây sức ép đối với EU của Anh và nhấn mạnh, nghệ thuật đàm phán là nằm ở khả năng của mỗi bên khiến đối phương tin rằng họ sẵn sàng rời bàn đàm phán để đạt được điều họ muốn.
Phản ứng của châu Âu
Ngày 8/9, theo Euronews, Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli đã phản ứng mạnh mẽ trước động thái trên của Anh khi cho rằng: “Tôi chờ đợi Vương quốc Anh giữ lời hứa về các cam kết của mình, vốn đã được đàm phán và ký kết vào năm ngoái, đặc biệt là về các quyền công dân tại Bắc Ireland. Mọi toan tính của Vương quốc Anh hòng phá hoại hiệp định sẽ có hậu quả nghiêm trọng”.
Trong khi đó, theo tờ Politico, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen "nhắc nhở" Vương quốc Anh về nghĩa vụ của nước này căn cứ theo luật pháp quốc tế.
Chính phủ Đức, thành viên có ảnh hưởng nhất tại EU, hy vọng Anh sẽ "tuân thủ đầy đủ" thỏa thuận Brexit.
Trả lời phỏng vấn của các phóng viên tại thủ đô Berlin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Maria Adebahr khẳng định Berlin vẫn tiếp tục tin tưởng Chính phủ Anh thực sẽ thi đầy đủ thỏa thuận Brexit mà London và EU đạt được hồi năm ngoái, đồng thời cho biết, Berlin bày tỏ lo ngại trước dự luật mới được Chính phủ Anh công bố.
Bà Adebahr kêu gọi London nghiêm túc tôn trọng các điều khoản Brexit mà Anh đã nhất trí trước khi chính thức rời khỏi EU.
Politico nhấn mạnh, trong khi các nhà đàm phán châu Âu đang tiếp tục tự hỏi về chiến lược đàm phán của Thủ tướng Boris Johnson, thì chiến lược này có nguy cơ “đẩy cả hai bên tới chỗ không thể ký kết được thỏa thuận”.
Anh chính thức rời EU hồi cuối tháng 1/2020 song vẫn là một thành viên thị trường chung châu Âu, giúp các hoạt động trao đổi thương mại diễn ra theo mô hình cũ mà không bị gián đoạn trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tới cuối năm nay. Trong thời gian này, hai bên tiến hành đàm phán thỏa thuận thương mại song phương.
Các quan chức hai bên chỉ vừa mới tiến hành vòng đàm phán thương mại thứ tám về các vấn đề gai góc. Hai bên mong muốn có một thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhưng Anh cũng từng tuyên bố sẵn sàng "ra đi" mà không có thỏa thuận nếu không đàm phán được những điều khoản có lợi./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhung-toan-tinh-cua-anh-khi-lat-lai-thoa-thuan-brexit/169611.html