Những tổn thương thường gặp khi mắc bệnh Basedow

Basedow là dạng cường giáp phổ biến nhất, chiếm hơn 90% các trường hợp cường giáp. Đây là bệnh tự miễn nhưng không rõ nguyên nhân và thường gặp ở phụ nữ trẻ từ 20 - 50 tuổi.

Lý do khiến nhiều người mắc bệnh Basedow

Hiện các nhà nghiên cứu cho rằng Basedow là bệnh tự miễn nhưng không rõ nguyên nhân. Các ghi nhận cho thấy nữ giới mắc bệnh nhiều gấp 5 - 10 lần so với nam giới. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng gặp nhiều nhất là trong độ tuổi từ 20 - 40.

Các nghiên cứu cho biết, yếu tố khởi bệnh thường gặp ở phụ nữ có thai, đặc biệt là giai đoạn sau sinh. Nếu đối tượng nào ăn quá nhiều i-ốt, đặc biệt là ở những vùng thiếu i-ốt, sẽ có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nên điều trị Lithium, có lẽ do thuốc này làm thay đổi đáp ứng miễn dịch hoặc ai nhiễm vi khuẩn, virus, ngừng điều trị Corticoide… cũng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh Basedow. Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến di truyền với 15% bệnh nhân có người thân mắc bệnh tương tự và khoảng 50% người thân của bệnh nhân có tự kháng thể kháng giáp trong máu.

Basedow là bệnh lý tự miễn dịch và hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh.

Basedow là bệnh lý tự miễn dịch và hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh.

Biểu hiện và các tổn thương do Basedow

Bệnh Basedow có thể khởi phát đột ngột hoặc tiến triển từ từ gây sút cân, mệt mỏi, khó nhận biết ngay.

Biểu hiện thường gặp nhất là gầy, sút cân, người bệnh có thể giảm từ 3 - 20kg trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, mặc dù có thể vẫn ăn ngon. Tuy nhiên, vẫn có một số bệnh nhân nữ trẻ tuổi tăng cân do ăn rất nhiều.

Người bệnh thường có các biểu hiện rối loạn tinh thần như: Dễ lo lắng, kích thích, cáu gắt, hay khóc, khó tập trung, mệt mỏi và khó ngủ.

Người bệnh còn có biểu hiện rối loạn điều hòa thân nhiệt, cụ thể có những cơn nóng bừng, vã mồ hôi, nhiều nhất là ở ngực và bàn tay, sợ nóng, bệnh nhân hay khát, uống rất nhiều nước.

Ngoài ra, người bệnh thường thấy có các biểu hiện của tim mạch như: Hồi hộp, đánh trống ngực, có thể có cảm giác nghẹt thở, đau vùng trước tim.

Biểu hiện rối loạn tiêu hóa chiếm khoảng 20%, với các biểu hiện đại tiện nhiều lần, phân nát do tăng nhu động ruột, có thể kèm buồn nôn, nôn hay đau bụng.

Lồi mắt là một trong như những dấu hiệu điển hình của bệnh Basedow. Ảnh minh họa.

Lồi mắt là một trong như những dấu hiệu điển hình của bệnh Basedow. Ảnh minh họa.

- Tổn thương thực thể ở người bệnh Basedow

- Biểu hiện tổn thương tim mạch với nhịp tim nhanh thường xuyên, kể cả lúc nghỉ ngơi hay gắng sức; Huyết áp tâm thu tăng, tâm trương không tăng; Các mạch máu có cảm giác đập mạnh và có thể suy tim, thường xảy ra ở người có bệnh tim từ trước kết hợp với đợt bệnh.

- Tổn thương thần kinh cơ

Người bệnh có biểu hiện run đầu chi, tăng lên khi xúc động hay cố gắng tập trung làm việc. Phản xạ gân xương thường tăng lên, yếu cơ tứ chi, đặc biệt là các cơ ở gốc chi, bệnh nhân đi lại nhanh mỏi, bước lên bậc thang khó khăn.

- Tổn thương bướu giáp

Người bệnh có biểu hiện bướu và là dấu hiệu gặp ở khoảng 80% các bệnh nhân Basedow, bướu lan tỏa, mật độ mềm hoặc chắc, di động khi nuốt.

-Tổn thương mắt nội tiết

Tổn thương này gặp ở khoảng 40 - 60% các bệnh nhân Basedow, thương tổn thường xuất hiện ở cả 2 mắt, nhưng có 10% trường hợp vẫn chỉ bị 1 bên. Dấu hiệu điển hình ở mắt là mi mắt nhắm không kín, hở khe mi mắt, lồi mắt hoặc nhìn đôi do liệt cơ vận nhãn.

- Tổn thương da do Basedow

Khá hiếm gặp, chỉ ở 2 - 3% bệnh nhân Basedow, biểu hiện lâm sàng có thể gặp như phù niêm trước xương chày, tổn thương xương, dấu hiệu móng tay ngắn lại, giường móng tay dài ra.

Chẩn đoán và điều trị bệnh Basedow

Dựa theo các biểu hiện thực thể và tiền sử của gia đình, các bác sĩ sẽ chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm máu, đặc biệt là xét nghiệm miễn dịch để chẩn đoán xác định bệnh. Ngoài ra, siêu âm tuyến giáp, điện tim, siêu âm Doppler tim… cũng sẽ giúp hỗ trợ cho chẩn đoán và tiên lượng bệnh.

Tùy từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Có thể dùng thuốc nội khoa, uống iod phóng xạ hay phẫu thuật. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần biết những lưu ý về chế độ ăn, tập luyện, nghỉ ngơi để giúp hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn.

Người bệnh Basedow cần được nghỉ ngơi, tránh hoạt động thể lực gắng sức, không hoạt động tinh thần căng thẳng.

Cơ thể người bị Basedow thường dễ bị gầy sút, suy kiệt, khuyến khích ăn chế độ giàu đạm, calo, uống nhiều nước. Vệ sinh thân thể hàng ngày để tránh nhiễm trùng da.

Người bị bệnh Basedow cần ăn chế độ giàu đạm, calo và uống nhiều nước.

Người bị bệnh Basedow cần ăn chế độ giàu đạm, calo và uống nhiều nước.

Lời khuyên thầy thuốc

Basedow là bệnh lý tự miễn dịch và hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, Vì vậy, hiện chưa có biện pháp hữu hiệu nào để phòng ngừa bệnh.

Đối với người đã bị Basedow, để tránh bệnh tái phát và phát triển thêm, cần thực hiện các biện pháp sau:

- Tránh hoạt động thể lực kéo dài

- Tránh các căng thẳng thần kinh, stress

- Không hút thuốc, tránh hít phải khói thuốc.

- Luôn đeo kính bảo vệ mắt khỏi khói bụi, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày.

- Không sờ nắn nhiều lên vùng cổ, hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều i-ốt.

- Đối với phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh có thể làm bệnh nặng thêm, do đó cần điều trị dứt điểm bệnh trước khi mang thai. Người bệnh cần tuân thủ điều trị và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ.

Mời độc giả xem thêm video:

BS Nguyễn Thị Thảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-ton-thuong-thuong-gap-khi-mac-benh-basedow-169221128202348945.htm