Những trái tim của bản
Nếu những người có uy tín là nam giới giống như những điểm tựa thì phụ nữ là người có uy tín được người dân ví von như những trái tim của thôn bản. Ở họ, ngoài cái lý, cái tình để xử lý, giải quyết công việc, còn có sự ấm áp, mềm mại - bản năng vốn có của phụ nữ.
Bà Hoàng Thị Hoan, (ngoài cùng bên phải), thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa)
hướng dẫn phụ nữ trong thôn đan mây tre.
Trong số 12 người có uy tín của xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa), thì có duy nhất bà Hoàng Thị Hoan, thôn Ngầu 1 là nữ và cũng là người có “thâm niên làm nghề” ít nhất khi mới được bầu là người có uy tín từ cuối năm 2020.
Từng có nhiều năm công tác tại Hội Phụ nữ xã, khả năng vận động, kết nối các hội viên và đặc biệt là sự nhiệt tình, tâm huyết với mọi hoạt động giúp bà Hoan trở thành “linh hồn” trong hầu hết mọi hoạt động của thôn, bản. Trước khi được bầu là người có uy tín của thôn, bà Hoan đã đứng ra vận động và thành lập Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan với hơn 40 thành viên. Bà bảo, các thành viên trong tổ hợp tác hầu hết là phụ nữ độ tuổi từ 40 trở lên - lứa tuổi mà rất ít nhà máy, doanh nghiệp muốn nhận vào làm việc nữa. Bà thành lập được tổ hợp tác, xã mời các nghệ nhân từ làng nghề ở Chương Mỹ (Hà Nội) về dạy nghề. Những phụ nữ từ bé chỉ biết đan chiếc rá, chiếc rổ,... dần trở thành những “nghệ nhân làng”, tạo ra những chiếc làn mây, làn bằng guột, hộp đựng trang sức, mỹ phẩm, bình ủ ấm… bán cho khách du lịch.
Rồi mỗi khi trong thôn có chuyện mất đoàn kết, vợ chồng cãi vã, xích mích, bà lại được mời đến để cùng chuyện trò, hòa giải. Bà Hoan bảo, gặp những trường hợp như vậy, bà vận dụng hết những kiến thức, kinh nghiệm đã có được sau hơn 17 năm làm công tác hội, vừa nói lý, vừa nói tình, vừa nói bằng trái tim của người đã từng làm vợ, làm mẹ, làm dâu con trong nhà… May mắn là hầu như cuộc nào, bà và các thành viên trong tổ hòa giải cũng thành công cả.
Là thôn trung tâm của xã Trung Sơn (Yên Sơn), cũng là trung tâm của khu vực với chợ Nà Ho kết nối giao thương của nhiều xã như Trung Minh, Hùng Lợi, Kim Quan, Công Đa, Đạo Viện… Những năm đầu mới khánh thành chợ, việc nhiều tiểu thương tận dụng vỉa hè bày bán hàng hóa không theo hàng lối, mất an toàn giao thông diễn ra khá thường xuyên. Thấy vậy, bà Triệu Thị Cầu, thôn Lâm Sơn lại đến từng hộ nhắc nhở, vận động mọi người buôn bán đúng nơi quy định.
Bí thư Chi bộ thôn Nà Nẻm, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) chị Ma Thị Sửu (giữa)
cùng người dân thu hoạch mía. Ảnh: Bàn Thanh
Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Sơn Hoàng Thị Tuyến, những người như bà Triệu Thị Cầu là người hiểu rõ cuộc sống, con người của người dân nơi đây nên rất sâu sát, gần gũi với bà con, việc vận động bà con chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng dễ dàng hơn. Nhưng bà Cầu nhớ lại, thời gian đầu khó khăn lắm, vì chợ chỉ họp một sáng Chủ nhật, nên ai cũng tranh thủ chọn chỗ nào thuận tiện nhất, bắt mắt nhất để giới thiệu hàng hóa đến với người mua.
Để người dân nghe đã khó, để người dân buôn bán nghe theo càng khó hơn. Bà thường xuyên cập nhật thông tin trên báo, trên đài và xem ti vi để nắm bắt những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn bà con. Dẫn chứng cả những trường hợp đã bị xử phạt vì vi phạm hành lang đường bộ để bà con nắm được. Mưa dầm thấm lâu, khi người dân hiểu đúng, hiểu đủ về pháp luật thì việc giải tỏa hành lang đường bộ dễ dàng hơn, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng được giữ ổn định.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.116 người có uy tín, thì có 121 người là phụ nữ. Trong số này, có những người tuổi đời còn rất trẻ, như chị Lý Thị Xuân, sinh năm 1988 ở thôn Bắc Danh, xã Thanh Tương (Na Hang). Chị Xuân bảo, Bắc Danh có hơn 70 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Để bà con tin và làm theo, thì không gì hiệu quả hơn là mình cứ gương mẫu làm trước. Từ chăn nuôi trâu bò, đến trồng cỏ voi, trồng mỡ, bồ đề phủ xanh đất trống đồi trọc. Nhất là từ khi chiếc cầu phao nối Bắc Danh và Nà Coóc với Quốc lộ 2C hoàn thành, thì phong trào phát triển kinh tế lại càng được bà con đua nhau thực hiện.
121 phụ nữ có uy tín của thôn, bản như bà Hoan, bà Cầu hay chị Xuân không chỉ giúp đỡ dân bản vươn lên làm kinh tế, xóa đói nghèo, lạc hậu để hướng đến cuộc sống tốt đẹp mà còn là cầu nối gắn kết cộng đồng, gắn kết ý Đảng - lòng dân.