Những trái tim giàu lòng nhân ái
Không biết tự bao giờ, những thầy cô giáo được ví như người 'lái đò' tận tụy đưa các thế hệ học sinh đến bến bờ tri thức. Trong dòng chảy bất tận ấy, tôi đã gặp ở Trường THPT số 1 Bát Xát những 'lái đò' đặc biệt, không chỉ truyền thụ tri thức, mà còn là những người cha, người mẹ thứ hai của học trò nghèo.
Thầy Lệ nuôi học trò nghèo
Từ mùa hè năm 2021, trong ngôi nhà gỗ đơn sơ của thầy giáo Trần Ngọc Lệ, giáo viên Trường THPT số 1 Bát Xát không chỉ có hai vợ chồng và con gái hơn 1 tuổi, mà có thêm một thành viên mới. Điều kỳ lạ, đó không phải là người thân, họ hàng trong gia đình, mà là một học sinh dân tộc Mông, em Sùng A Lồng, lớp 11, Trường THPT số 1 Bát Xát. Các đồng nghiệp của thầy Lệ cũng không quá ngạc nhiên, vì đây không phải là lần đầu tiên thầy Lệ đón học sinh về nhà mình nuôi ăn học như con cháu trong gia đình.
Thầy giáo Trần Ngọc Lệ kể: Trong học kỳ I, năm học 2020 - 2021, tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp 10A7, nên biết em Sùng A Lồng nhà ở thôn Ngải Thầu Hạ, xã A Lù có hoàn cảnh rất khó khăn. Tôi còn nhớ mãi khi em xuống trường chỉ có manh áo mỏng đã cũ và đôi dép rách phải đóng đinh, buộc dây thép chằng chịt vẫn đi lên lớp học, nên đã xin quần áo, giày dép cho em. Thời điểm cuối năm học, vợ tôi phải đi cách ly để phòng, chống dịch Covid-19, chỉ có tôi với con gái nhỏ 1 tuổi ở nhà. Khi đó, em Lồng ở bán trú phải học trực tuyến nhưng không có phương tiện để học. Biết Lồng chăm chỉ, học giỏi, không muốn em lỡ dở việc học tập nên tôi trò chuyện với em và bảo về ở với thầy cho tiện học hành. Sau phút giây bất ngờ và ngần ngại, em Lồng đã đồng ý.
Khi tôi hỏi: “Nhà thầy chật hẹp, lại có con nhỏ, chắc trong sinh hoạt sẽ nảy sinh những bất tiện?”, thầy Lệ bộc bạch: Quả thực khi bước vào năm học 2021 - 2022, em Lồng về nhà tôi ở ban đầu cũng có những bất tiện. Vợ tôi rất ủng hộ việc nhận nuôi em Lồng và bảo mình làm phúc cho người hoàn cảnh khó khăn thì sau này mình gặp khó khăn cũng được mọi người giúp đỡ. Tuy nhiên vì nhà tôi chỉ có một phòng ngủ, nên em Lồng phải ngủ ngoài phòng khách. Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng được 12 triệu đồng, lại nuôi con nhỏ và trả nợ tiền mua nhà, nên thêm người, việc chi tiêu cũng tốn kém hơn. Thật vui vì gia đình bên vợ tôi cũng rất quý mến em Lồng, coi em như con, còn đi xin xe đạp cũ về cho em đi học. Tôi mua cho em Lồng con lợn nhựa để bỏ tiền được Nhà nước hỗ trợ bán trú vào đó gửi nuôi em trai đang học lớp 10 tại Trường THPT số 2 Bát Xát. Ngoài thời gian học trên lớp, em Lồng còn giúp vợ chồng tôi việc dọn dẹp nhà ở và trông cháu nhỏ, không khí ngày nào cũng rất vui vẻ.
Được biết, mấy năm trước thầy cũng đã nhận nuôi một học sinh học khác hết 3 năm THPT. “Đó là em Ly Xe Mờ, học sinh lớp 10, dân tộc Hà Nhì ở thôn Tả Dì Thàng, xã Y Tý, hoàn cảnh rất khó khăn, bố bị tai nạn xe máy liệt nửa người, mẹ không biết tiếng phổ thông, sau Mờ còn có 3 em. Vào năm 2013, khi tôi vừa tốt nghiệp đại học và về công tác tại Trường THPT số 1 Bát Xát thì gặp Mờ vào một buổi chiều muộn. Khi đó, em bảo vì không có tiền mua rau nên đi hái rau xuyến chi mọc bên đường về xào ăn. Lúc đưa em về chỗ thuê trọ thì thấy nơi ở quá tạm bợ, dột nát nên tôi quyết định luôn bảo em về ở với thầy. Khi đó, tôi cũng thuê trọ ngoài trường, lương tháng được 2,8 triệu đồng, tiền trọ đã mất 700 nghìn đồng, hai thầy trò chi tiêu chưa đến cuối tháng đã hết tiền, nhiều khi phải ăn mỳ tôm thay cơm”.
Thầy Lệ kể lại kỷ niệm khó quên, có lần Mờ mang gạo xuống, loại gạo cũ cất trên thang gác bị mốc, vo đến lần thứ 8 nước vẫn có màu nhờ nhờ xanh, khi nấu đổ bao nhiêu nước thì nở ra bấy nhiêu. Vất vả là vậy, nhưng thầy trò cũng dìu dắt nhau đến năm 2016 khi em Mờ tốt nghiệp lớp 12 rồi đi học nghề và trở về quê làm kinh tế.
Nói rồi, thầy Lệ bấm điện thoại gọi cho em Mờ. Ánh mắt thầy giáo trẻ ngập tràn niềm vui khi nghe Mờ bảo em đang chuẩn bị mở homestay đón khách du lịch ở Y Tý.
Những “lái đò” giàu lòng nhân ái
Tại Trường THPT số 1 huyện Bát Xát, câu chuyện về thầy giáo Trần Ngọc Lệ nhiều năm nuôi học trò nghèo vùng cao ăn học ở chính nhà mình trở thành câu chuyện xúc động về tình cảm thầy trò và nghị lực vượt qua khó khăn. Tìm hiểu thêm, tôi được biết cũng ở ngôi trường giàu truyền thống ấy còn có những câu chuyện cảm động khác. Thầy giáo Trần Thế Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bát Xát cho biết: Năm học 2021 - 2022, trường có 858 học sinh, trong đó có 289 học sinh bán trú là con em đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các xã, thôn, bản vùng cao trên địa bàn huyện. Nhiều em ở những nơi xa xôi như Y Tý, A Lù, A Mú Sung… có hoàn cảnh rất khó khăn. Đối với những học nghèo, ngoài được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh, còn được nhà trường miễn, giảm những khoản đóng góp khi học thêm và các khoản khác. Trường cũng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục tình yêu thương, lòng nhân ái cho học trò như giúp đỡ gia đình hoàn cảnh khó khăn tại xã Y Tý, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, đoàn viên tham gia hiến máu tình nguyện…
Chia sẻ với học sinh, các thầy cô giáo luôn dành cho các em tình cảm yêu thương và sự giúp đỡ bằng tinh thần và vật chất. Năm học 2020 - 2021, các cô giáo Mai Thị Nhài, Tống Thị Thùy Linh kêu gọi các tổ chức từ thiện tặng hàng trăm chiếc chăn bông, áo khoác ấm cho toàn bộ học sinh bán trú của trường. Trong mùa đông giá rét, các thầy cô giáo đưa học sinh nghèo ở bán trú đi mua giày dép, quần áo ấm để các em đến trường đỡ lạnh. Năm học trước, thầy giáo Lưu Quốc Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng nhận đỡ đầu một học sinh lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, giúp em học tập tiến bộ hơn, thi đỗ tốt nghiệp THPT và thi đỗ đại học. Là người say mê chuyên môn, thầy giáo Hương dành hết tâm huyết, tích cực bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi. Kết quả là trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2020, lần đầu tiên đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn của trường có 5 học sinh đoạt giải.
Thầy giáo Lưu Quốc Hương chia sẻ: Chúng ta đang nỗ lực xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Theo tôi, việc xây dựng trường học hạnh phúc phải đến từ nhiều đối tượng, lan tỏa được các giá trị cho xã hội. Đối với giáo viên phải thực sự say mê, mỗi giờ dạy phải mang đến niềm vui và hạnh phúc, thầy cô giáo phải giàu lòng nhân ái, tích cực động viên, khích lệ học sinh để chắp cánh tương lai cho các em. Đối với học sinh, khi có những giờ học hạnh phúc, sau này các em trở thành nhân tố quan trọng cho xã hội, cho các bản, làng vùng cao. Cùng với đó, phụ huynh cũng cảm thấy hạnh phúc khi con, em mình trưởng thành hơn, góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc.
Tâm sự của thầy Lưu Quốc Hương cũng là những suy nghĩ của các thầy cô giáo Trường THPT số 1 Bát Xát, xuất phát từ lòng nhân ái và tình yêu thương đối với học trò. Chính điều đó đã giúp các em vượt qua khó khăn, hăng say học tập, đạt nhiều thành tích. Năm học 2021 - 2021, trường có 24 học sinh đoạt giải trong cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó có em đoạt giải Nhất môn Vật lý; có 8 thầy cô được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cá nhân thầy giáo Trần Ngọc Lệ dạy môn Thể dục - Giáo dục quốc phòng cũng là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là Bí thư Đoàn trường được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn. Câu chuyện về những “người lái đò” vừa tâm huyết, nhiệt tình, vừa giàu lòng nhân ái ở Trường THPT số 1 Bát Xát sẽ còn được kể mãi cho những thế hệ mai sau.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/350305-nhung-trai-tim-giau-long-nhan-ai