Những trái tim khát khao cống hiến
Với tâm niệm không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, những người thợ, công nhân Thủ đô luôn tích cực tìm tòi, sáng tạo trong sản xuất, khẳng định tay nghề. Từ đó làm giàu tri thức, kỹ năng cho bản thân và mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp.
Gieo nỗ lực, gặt thành công
“Yêu nghề, nghề chẳng phụ mình đâu”, đó là tâm sự của anh Nguyễn Văn Tuân (Công ty cổ phần FECON) sau khi anh đạt giải Nhất nghề Hàn điện tại Hội thi Thợ giỏi thành phố Hà Nội lần thứ 2 do Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội tổ chức.
Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt khi anh nhắc đến nhiều kỷ niệm đẹp trong cuộc đời người thợ hàn. Tâm sự với chúng tôi, anh Tuân nhắc đến cơ duyên trở thành công nhân ngành hàn là do được truyền lửa từ cha của mình. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, anh lựa chọn theo học chuyên ngành hàn điện, Mig và Tig tại Trường Cao đẳng nghề Lilama. Học xong, anh làm việc tại Công ty cổ phần xi măng Sài Sơn, sau đó là Công ty cổ phần FECON.
Nhờ có sự chỉn chu, cẩn thận và tay nghề vững vàng, chỉ sau hơn một năm làm việc, anh được Công ty cổ phần FECON chọn cử tham gia Hội thi tay nghề của thành phố Hà Nội. “Nhiều năm gắn bó với nghề, tôi tích lũy kiến thức từ thực tế. Mỗi ngày một ít, lâu dần thành bề dày kinh nghiệm. Tham dự Hội thi Thợ giỏi và đạt được giải nhất, tôi phấn khởi, tự hào lắm. Nếu ai hỏi về bí quyết, tôi sẽ trả lời rằng có nhiều yêu cầu để trở thành một thợ hàn giỏi nghề, nhưng điều quan trọng nhất là người thợ phải có tình yêu với công việc và luôn chịu khó học hỏi, rèn luyện”, anh Tuân bày tỏ.
Gắn bó với quần áo bảo hộ, tia lửa hàn… dù làm việc ở bất kỳ đâu, anh Tuân cũng luôn chăm chỉ, dồn hết tâm sức cho công việc. Nhờ đó, anh từng đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô, được LĐLĐ thành phố Hà Nội biểu dương khen thưởng.
“Nếu có cơ hội, tôi sẽ phấn đấu làm tốt nhất những công việc được giao và tích cực tham gia các hội thi thợ giỏi của doanh nghiệp, quận và Thành phố. Đó chính là cơ hội để công nhân được học hỏi và rèn luyện thêm tay nghề, khi giỏi nghề, người công nhân sẽ có được công việc ổn định với mức thu nhập cao, đồng thời cũng đóng góp hữu ích cho sự phát triển của Công ty”, anh Nguyễn Văn Tuân bày tỏ.
Đến với Công ty TNHH MaxSport Limited (Việt Nam), chị Nguyễn Thị Vân Anh được đồng nghiệp yêu mến, đánh giá cao về năng lực và gây ấn tượng với tác phong công nghiệp. Đôi bàn tay với 20 năm gắn bó với đường kim, mũi chỉ đã mang đến cho chị những thành tựu quý giá như giải Nhất Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội lần thứ 2; giải Nhất tại Hội thi Thợ giỏi ngành Dệt May Hà Nội…
Với thâm niên cùng quá trình nỗ lực lao động không ngừng, ở bất cứ công đoạn, vị trí nào chị cũng thuộc việc như trong lòng bàn tay. Chị Vân Anh kể, nhiều người cho rằng, nghề may rất nhàm chán, quanh năm suốt tháng vẫn may đi may lại một công đoạn. Nhưng riêng chị lại nghĩ khác, nghề may là một nghề rất thú vị và cũng là một nghề năng động, bởi người thợ may vẫn có thể sáng tạo để cải tiến công việc hằng ngày. Chính vì vậy, chị đã không ngừng học tập, nâng cao chuyên môn và luôn là thợ giỏi, được lãnh đạo Công ty tin tưởng giao làm việc ở bộ phận may mẫu.
Để làm tốt vị trí công việc này, mỗi khi tiếp nhận đơn hàng, chị Vân Anh thường nghiên cứu, tham khảo kỹ lưỡng để đối chiếu các yêu cầu kỹ thuật có liên quan, sau đó bắt tay làm việc sao cho khoa học và hiệu quả. Nhờ thế, không chỉ tạo ra các sản phẩm mẫu có chất lượng, năng suất làm viêc của chị cũng luôn vượt trội. Đó là những thành quả tuyệt vời mà nghề đã mang lại cho chị, là một nguồn động lực để chị tiếp tục nỗ lực, gắn bó với công việc và “yêu mãi nghề may ấy thôi”.
Tôn vinh những người thợ giỏi
Nỗ lực làm việc và dành nhiều tình yêu cho nghề cũng giúp anh Nguyễn Xuân Long (công nhân Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam) gặt hái nhiều trái ngọt. Hơn 11 năm gắn bó với Công ty, anh Long được mệnh danh là người có “đôi bàn tay vàng” của bộ phận dây chuyền thành hình lốp xe máy.
Anh Long chia sẻ, mỗi ngày vào xưởng sản xuất, anh đều đặt ra mục tiêu sản xuất phải an toàn, chất lượng sản phẩm đảm bảo, sản lượng đạt mục tiêu. Chính mục tiêu đó đã thôi thúc anh có những sáng kiến, cải tiến khi bắt gặp các lỗi trong quá trình sản xuất. Một trong những sáng kiến của anh Long được Ban lãnh đạo Công ty đánh giá cao là cải tiến rút bớt thời gian dán lốp xe.
Từ khi dùng máy bóc tấm mành thứ 3, năng suất đạt từ 118 chiếc lốp xe lên 138 chiếc, mang lại nhiều lợi nhuận cho Công ty. Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng sáng kiến, sáng tạo, anh Nguyễn Xuân Long đã được các cấp Công đoàn biểu dương và được LĐLĐ thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2022.
Anh Tuân, chị Vân Anh và anh Long là số ít những gương trong rừng hoa thợ giỏi Thủ đô. Những tấm gương tiêu biểu trong lao động - sản xuất xuất hiện ngày càng nhiều. Thành quả lao động của họ không chỉ tạo niềm vui, sự phát triển nghề nghiệp, nâng cao thu nhập của bản thân mà còn đóng góp hữu ích cho doanh nghiệp và xã hội.
Riêng trong năm 2022, Hà Nội có 112 thí sinh đạt giải tại Hội thi Thợ giỏi thành phố Hà Nội lần thứ 2. Bên cạnh đó, trên 56.500 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; 1.655 công nhân lao động được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở. LĐLĐ Thành phố đã tặng Bằng công nhận cho 100 công nhân lao động đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”…
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh nhiều năm qua, Công đoàn Thủ đô luôn coi trọng và đẩy mạnh phong trào thi đua trong công nhân viên chức lao động với mục tiêu: “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, cải thiện đời sống người lao động”. Phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; phong trào thi đua phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo”… thu hút đông đảo công nhân lao động thuộc các thành phần kinh tế.
Trong đó, phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề” và Hội thi Thợ giỏi thành phố Hà Nội đã trở thành hoạt động nổi bật trong tất cả LĐLĐ quận, huyện, Công đoàn ngành. Là nền tảng, chất xúc tác để thợ giỏi Thủ đô tranh tài, thăng hoa hơn trong công việc và có những bước tiến mới trong sự nghiệp…
“Lao động có kỹ năng là nguồn tài nguyên vô giá, tiêu biểu cho một lớp công nhân năng động, yêu nghề. Họ đã góp phần tạo nên một không khí làm việc hăng say, sáng tạo trong tập thể, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của Thủ đô và quốc gia trong quá trình hội nhập”.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-trai-tim-khat-khao-cong-hien-153989.html