Những trái tim thiện nguyện vì trẻ em vùng khó: Đi để trân trọng hơn cuộc sống
'Có đi qua những cung đường gian nan mới thấy thương hơn những học sinh nơi đây, thương những người thầy giáo, cô giáo đã không ngại khó, ngại khổ bám bản, bám lớp, bám trường,' Lê Thùy Linh nói.
Vượt hàng trăm cây số từ nhiều tỉnh, thành như Lạng Sơn, Nghệ An, Hải Phòng để tập trung tại Hà Nội, rồi từ lại từ Hà Nội vượt hơn 400 km với những con dốc cao, những khúc cua tay áo để đến với Bảo Lâm - huyện biên giới đặc biệt khó khăn, nghèo nhất và xa nhất của tỉnh Cao Bằng, đó là những đoạn đường xa nhất nhưng vẫn “êm ái” nhất của 22 tình nguyện viên và nhà bảo trợ của Quỹ Vì tầm vóc Việt trong chuyến đi “Mùa nắng Pác Miầu” vừa qua. Để đến với những em học sinh mầm non đang được Quỹ bảo trợ bữa ăn bán trú, các tình nguyện viên còn phải vượt qua cung đường khó khăn nhất không thể đi được xe ô tô mà phải di chuyển bằng xe máy.
Cung đường 25km từ thị trấn Pác Miầu lên điểm trường Sáng Xoáy, điểm trường xa nhất, khó khăn nhất của Trường Mầm non Thái Sơn (huyện Bảo Lâm), lởm chởm đá, bánh xe nảy lên rồi trượt từ bên này sang bên kia như muốn hất văng người ngồi sau khỏi yên xe và thách thức người cầm lái, những đoạn đường dốc như chúc thẳng xuống rồi lại lao ngược lên, vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, những đoạn đường lội băng dọc suối đầy đá cuội, những đường mòn xuyên rừng hay những cung đường quanh co ôm núi mà diện tích mặt đường chỉ… lọt bánh xe.
“Ngồi sau xe, nhiều lúc em thấy sợ đến thót tim, nhưng đến đây, các em nhỏ ùa ra đón, nhìn những gương mặt hồn nhiên, thơ ngayå em lại rất vui vẻ, quên hết quãng đường khó khăn đã qua. Có đi qua những cung đường gian nan đó mới thấy thương hơn những học sinh nơi đây, thương những người thầy giáo, cô giáo đã không ngại khó, ngại khổ bám bản, bám lớp, bám trường,” Lê Thùy Linh, một tình nguyện viên đến từ Hà Nội xúc động nói.
Đi để thấu hiểu và yêu thương
Quỹ Vì tầm vóc Việt đang thực hiện bảo trợ bữa ăn bán trú cho 205 học sinh mầm non dân tộc thiểu số ở 5 điểm trường của huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng và 132 học sinh tiểu học có hoàn cảnh có khó khăn ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. “Mùa nắng Pác Miầu” là chuyến đi thường niên của Quỹ và các tình nguyện viên, các nhà bảo trợ đến các điểm trường ở Cao Bằng nhằm động viên, khích lệ các em học sinh dân tộc thiểu số trên hành trình vượt núi băng đèo đi học.
Những món quà ý nghĩa được Quỹ và các tình nguyện viên tự tay chuẩn bị để trao cho các em nhỏ ở 5 điểm trường, mỗi suất quà bao gồm ủng và chăn với tổng trị giá gần 70 triệu đồng. Ngoài ra, Quỹ cũng kêu gọi cộng đồng chung tay đóng góp hàng trăm món đồ chơi làm quà tặng cho các em nhỏ vùng cao.
Linh bảo, đây là lần thứ hai cô tham gia chương trình. Thay vì chỉ chuyển khoản quyên góp, chương trình giúp những tình nguyện viên như cô có thể đến tận nơi, đi qua những con đường gập ghềnh đầy sỏi đá, nhiều lúc tưởng sắp bay khỏi xe để hiểu những khó khăn vất vả ngay trên từng bước chân tới trường của các em; được giao lưu, trao quà cho các em nhỏ để thấy được những niềm vui ngập tràn trong ánh mắt các em; được gặp các thầy cô, phụ huynh và nghe những chia sẻ của họ để hiểu cả những vất vả, thiệt thòi cũng như những nỗ lực, hy sinh, cống hiến của các thầy cô giáo.
“Rời thủ đô hoa lệ, chuyến đi cho tôi hiểu hơn về cuộc sống của người dân nơi miền núi xa xôi, thấy thương hơn những em nhỏ vùng cao và mong muốn có thể thực hiện nhiều chuyến từ thiện hơn, làm nhiều điều hơn cho các em. Dù vất vả nhưng tôi rất mong mỗi năm lại được đi cùng Quỹ,” Linh chia sẻ.
Khác với Linh, đây là lần đầu tiên Đào Huyền Trang, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia chương trình thiện nguyện của Quỹ Vì tầm vóc Việt. Được người quen giới thiệu và nhận thấy đơn vị tổ chức có uy tín, cô sinh viên đã quyết định đăng ký ngay bởi thấy được giá trị nhân văn của chương trình.
“Đi qua cung đường gian nan, tôi càng khâm phục các thầy cô đã lên tận nơi này để dạy dỗ cho các em nhỏ. Thương cuộc sống và điều kiện học tập quá nhiều thiếu thốn của các em, tôi cảm nhận sâu sắc rằng niềm hạnh phúc đôi khi chỉ giản đơn là được tới trường, được ăn no và ăn đủ chất. Tôi càng thấy trân trọng hơn cuộc sống và những gì mình đang có, thấy mình phải làm nhiều điều có ý nghĩa hơn, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng,” Trang xúc động nói.
Trang bảo, chuyến đi cũng cho cô thêm niềm tin yêu vào cuộc sống khi lần đầu tiên gặp gỡ những người bạn tình nguyện viên hoàn toàn xa lạ nhưng đã nhanh chóng kết nối với nhau. “Mọi người không chỉ mang quà mà còn mang đến cho các em cả tình yêu thương từ chính trái tim mình. Dù phải đi rất xa, rất vất vả và mệt nhưng ai cũng hứng khởi, mang năng lượng tích cực,” Trang chia sẻ.
Là một cán bộ thuộc Tập đoàn TH, sớm biết đến các hoạt động của Quỹ Vì tầm vóc Việt, anh Nguyễn Văn Thiết đã có ba năm gắn bó với chương trình. Có con nhỏ cũng trong độ tuổi mầm non, anh Thiết đã rất xúc động khi đến các điểm trường vùng khó, biết các em nhỏ nơi đây vẫn còn thiếu ăn, thiếu mặc.
“Tiền tiểu học là độ tuổi rất quan trọng trọng trong phát triển cả về thể chất và nhận thức của trẻ. Vì vậy, với việc bảo trợ bữa ăn bán trú và bữa phụ chiều cho các em trong suốt bốn năm qua, dự án ‘Cùng con khôn lớn’ của Quỹ Vì tầm vóc Việt có ý nghĩa rất lớn khi góp phần quan trọng giúp trẻ đảm bảo dinh dưỡng. Mỗi lần đến với điểm trường tôi lại cảm nhận rõ hơn điều đó khi thấy các con có sự thay đổi rõ rệt, cao hơn, nhanh nhẹn, hoạt bát hơn,” anh Thiết nói.
“Đỡ đầu” ươm những mầm xanh
Trong số các tình nguyện viên tham gia chuyến đi, nhiều người cũng chính là các nhà bảo trợ, đã đóng góp tiền để cùng Quỹ mang đến những bữa ăn cho các em học sinh tại 5 điểm trường trong năm học vừa qua. Đến với huyện biên giới xa xôi, các “anh chị nuôi” đã có cơ hội gặp gỡ và thấy được những đổi thay tích cực của các em sau 1 năm học đến trường cùng với những bữa ăn thơm ngon, ấm nóng, đầy đủ dinh dưỡng do mình bảo trợ.
Chị Nguyễn Thị Việt, nhân viên ADC Book Trần Thái Tông, Hà Nội, cũng đã có ba năm đồng hành trong những chuyến đi của Quỹ Vì tầm vóc Việt. Sau chuyến đi đến hai điểm trường Khau Noong và Nà Ó của Trường Mầm non Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng năm 2023, tận mắt chứng kiến cuộc sống nhiều thiếu thốn của các em, chị Việt đã quyết định nhận bảo trợ tiền ăn cho một bé trong suốt năm học 2023-2024.
Vì vậy, đến điểm trường Khau Noong lần này, chị Việt rất nóng lòng được gặp “em nuôi”. “Học tập là con đường ngắn nhất để thay đổi cuộc sống không chỉ của cá nhân mà cả cộng đồng xung quanh. Tôi muốn góp một phần nhỏ bé để giúp các bé vùng cao có cuộc sống tốt hơn, có bữa ăn cải thiện hơn hơn, thể chất tốt hơn để học tập chuyên cần hơn và hy vọng các em có tương lai tươi sáng hơn. Tôi rất vui khi gặp lại, thấy bé khỏe mạnh, vui vẻ, học tập tốt,” chị Việt hồ hởi nói.
Giống như Việt, chị Khiếu Thị Linh Hương, phóng viên của Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC cũng đã nhận bảo trợ hai em nhỏ ở điểm trường Khau Noong sau khi đồng hành cùng dự án “Cùng em khôn lớn” năm 2023 với vai trò hỗ trợ truyền thông.
“Năm nay, gặp lại hai bé tôi thấy rất vui, ấm áp vì sự chia sẻ với các bé cho mình cảm giác thân thương như người nhà. Tôi cũng rất xúc động vì cảm nhận thấy rõ những bữa ăn mà mình cũng như nhiều cá nhân, tổ chức bảo trợ khác đã mang đến kết quả khả quan khi các con có sự thay đổi về tầm vóc, chiều cao, cân nặng tăng lên đạt chuẩn, tỷ lệ chuyên cần đạt 100%. Dự án dường như đã đem lại cả sự tươi tắn, trưởng thành hơn cho các con. Những hoạt động của Quỹ thực sự đã như cánh tay nối dài giúp những nhà bảo trợ như chúng tôi đến được những em nhỏ vùng khó khăn đang cần giúp đỡ,” chị Hương xúc động chia sẻ.
Cũng theo chị Hương, là một phóng viên, điều chị quan tâm đầu tiên trước khi quyết định tham gia bảo trợ là tính minh bạch trong hoạt động tài chính của dự án để đảm bảo khoản tiền của nhà bảo trợ sẽ được sử dụng đúng mục đích, thực sự mang đến bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho các bé. Khi làm việc với Quỹ, trao đổi với các giáo viên và đặc biệt là qua việc gặp gỡ trực tiếp các em nhỏ, chị cảm nhận rất rõ mình đã đặt niềm tin đúng chỗ.
“Số tiền bảo trợ cho một bữa ăn bán trú của một bé là 8.500 đồng, một năm là 1,7 triệu đồng, có lẽ chỉ bằng tiền ăn sáng một tháng cộng lại hoặc thậm chí chưa bằng tiền một chiếc túi, một chiếc áo, nhưng lại giúp cho một em nhỏ vùng cao có thể thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, tạo động lực để các em đến trường chăm chỉ mỗi ngày. Tôi rất mong dự án sẽ tiếp tục lan tỏa và sẽ có thêm nhiều hơn nữa những nhà bảo trợ để thêm nhiều em nhỏ vùng cao được giúp đỡ hơn,” chị Hương nói./.
Theo bà Trần Thị Như Trang, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Vì tầm vóc Việt, dự án “Cùng em khôn lớn” được khởi xướng từ năm 2020 và là dự án dài hạn của Quỹ nhằm bảo trợ bữa ăn bán trú và cải thiện điều kiện học tập cho học sinh mầm non và tiểu học tại nhiều địa bàn khó khăn trên cả nước.
Trong 4 năm qua, đã có 1.042 lượt học sinh được bảo trợ, hơn 263.000 nhà tài trợ cá nhân, tổ chức đồng hành liên tục cùng dự án, hơn 294.000 bữa ăn đã được trao cho các em. Tổng số tiền tài trợ lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Tính riêng trong năm học 2023-2024, dự án bảo trợ 205 học sinh dân tộc thiểu số tại 5 điểm trường mầm non của huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, và 132 học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn tại Vân Hồ, Sơn La. Tổng số bữa ăn dinh dưỡng được bảo trợ đến hết năm học đạt hơn 97.000 bữa và tổng số tiền đóng góp từ các nhà bảo trợ lên đến hơn 674 triệu đồng.
Tháng 6/2024, Quỹ sẽ tiếp tục khởi động chiến dịch gây quỹ bảo trợ bữa ăn bán trú năm học 2024-2025. Dự án dự kiến sẽ mở rộng bảo trợ thêm ít nhất một điểm trường mới của trường Mầm non Thái Sơn.
“Với 1,7 triệu đồng, các nhà hảo tâm có thể bảo trợ bữa ăn trong suốt một năm học cho mỗi bé nhưng chúng tôi kêu gọi các nhà bảo trợ có thể quyên góp từ một khoản tiền bất kỳ để cùng góp sức mang đến những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, làm tiền đề phát triển cả thể chất, tinh thần và tri thức cho các em nhỏ vùng cao vốn đã chịu quá nhiều thua thiệt,” bà Trang nói.