Những trận đánh lịch sử trong ký ức Tướng Quân đội nhân dân Việt Nam (kỳ II): Ý chí trong thương đau nuôi lớn các anh hùng

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu không bao giờ quên những đêm hành quân trong khói lửa mịt mùng, những ngày ẩn sâu trong lòng đất mẹ để che mắt quân thù, những giờ phút nín thở chờ giặc tới, tưởng như thời gian ngưng lại...

Trung Đoàn Triệu Hải - không chỉ là cái tên

Trận đánh thứ ba mà tôi nhớ nhất chính là trận đánh mở màn chiến dịch năm 1972. Khi ấy, tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn chủ công, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 của Mặt trận B5.

Cài thế trận xong, Tiểu đoàn do tôi phụ trách được giao nhiệm vụ bí mật luồn sâu theo trục đường xe địch di chuyển để đánh chia cắt. Tôi đã đưa từng đơn vị nhỏ tiếp cận địch, đêm 29, rạng sáng 30/4/1972, toàn bộ đội hình đã cài sẵn trên trục đường xe tăng địch tiến lên căn cứ 544 (địch gọi là Fulơ). Chúng tôi đã nhiều lần đánh tuyến phòng ngự này nhưng lần này quyết định đánh chia cắt, đánh phía sau, sở trường của tôi là đánh luồn sâu.

Sau khi cài xong trận địa, giờ G của mặt trận quy định là phải 11h30 thì mới được nổ súng nhưng vì thời cơ đã đến, tôi xin ý kiến mặt trận được nổ súng trước giờ G. Bởi vì, khoảng 9h chúng tôi phát hiện một đoàn xe tăng và nhiều lính địch hành quân lên căn cứ 544 để thay quân và khoảng 10h thì nằm gọn trong đội hình phục kích, do vậy, cần phải hành động ngay. Sau khoảng 35 phút, chúng tôi đã tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn địch, hoàn toàn làm chủ trận địa, mở toang cánh cửa ở phía Bắc và phía Tây Nam, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ.

Sau đó, cả Trung đoàn và Tiểu đoàn 3 chúng tôi được cơ động vượt qua Cửa Việt về đánh phía Đông, thực hiện đánh chia cắt, nhanh chóng, tạo điều kiện cho hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong nổi dậy làm chủ, giải phóng hai huyện này và góp phần vào giải phóng Quảng Trị. Sau này, đơn vị chúng tôi được tuyên dương đơn vị anh hùng, mang tên Trung Đoàn Triệu Hải anh hùng (tên của hai huyện). Năm 1973, tôi được tuyên dương Anh hùng vũ trang, cũng mang tên Trung đoàn Phó, Trung đoàn Triệu Hải anh hùng.

Suốt cuộc đời, tôi sẽ không bao giờ quên một thời đạn bom Quảng Trị, anh hùng nhưng cũng ngấm thương đau. Trên mảnh đất ấy, hiện nay đã có 72 nghĩa trang, chưa kể các nghĩa trang ở bìa rừng, dọc sông, suối hay trong Thành Cổ, chưa quy tụ được hết liệt sỹ dù chiến tranh đã lùi xa 5 thập kỷ. Riêng Trung đoàn tôi, để được tuyên dương Trung đoàn anh hùng đã có 2.500 cán bộ chiến sỹ hy sinh. Sự hy sinh để đất nước được hòa bình như ngày hôm nay là vô giá và không thể kể hết.

Má Sáu Ngẫu (đeo kính) chỉ đường trên tấm bản đồ cho quân ta (Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu là người thứ hai từ phải sang). (Ảnh: NVCC)

Má Sáu Ngẫu (đeo kính) chỉ đường trên tấm bản đồ cho quân ta (Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu là người thứ hai từ phải sang). (Ảnh: NVCC)

Từ “tấm bản đồ má trao” đến chiến công bất hủ

Trận đánh thứ tư in dấu suốt cuộc đời tôi là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Còn nhớ, ngày 18/3/1975, lúc đó tôi là Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1, Binh đoàn Quyết thắng nhận nhiệm vụ đưa cả Trung đoàn hành quân bằng cơ giới từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào tập kết tại Đông Hà (Quảng Trị), dự bị cho giải phóng Huế và Đà Nẵng.

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về trình độ tổ chức, chỉ huy, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, với nhiều bài học kinh nghiệm quý. Trước hết, là nét độc đáo về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng thọc sâu chiến dịch, tạo ưu thế về sức mạnh, đánh chiếm mục tiêu chiến lược, giành thắng lợi. Thực hiện phương châm: “Thần tốc, quyết thắng”, nên bộ đội ta nhanh chóng đánh vượt qua các trọng điểm đề kháng vòng ngoài, đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu; đặc biệt là đánh chiếm các cầu để đưa quân ta vào đánh các mục tiêu chiến lược trong nội đô Sài Gòn.

Tuy nhiên, do sự phát triển của chiến dịch Hồ Chí Minh rất nhanh, chúng tôi được lệnh về Đông Hà, tiếp tục cuộc hành quân theo trục đường Trường Sơn ở phía Đông của Thừa Thiên Huế. Còn nhớ, khi đó là mùa khô nên bụi của đất bazan phủ kín lên người, chỉ để lộ ra đôi mắt và sống mũi, đường đi còn bị tắc do có rất nhiều đoàn cùng đi.

Khi ấy, tôi quyết định đưa Đại đội 17 Công binh và Tiểu đoàn 5 khắc phục đường vòng, tiếp tục cuộc hành quân. Đang trong thời khắc khó khăn đó, chúng tôi nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh này sau đó được truyền đạt cho tất cả cán bộ, chiến sỹ. Anh em chiến sỹ tổng khoảng 3.000 người quên hết mệt nhọc, hành quân suốt 12 ngày đêm vào tập kết ở Đồng Xoài và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, rồi tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Còn nhớ ngày 26/4/1975, bắt đầu nổ súng tiến công toàn mặt trận, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Chúng tôi được lệnh tiến công đánh vượt qua Tân Uyên theo đường đất đỏ qua Bình Chuẩn. Tối 29/4/1975, đơn vị vào tới Búng, cách Lái Thiêu 10km. Đến 20h ngày 29/4, tôi và đồng chí Trịnh Văn Thư, Chính ủy trung đoàn, cùng tổ trinh sát gặp một ngôi nhà lá với ánh đèn mờ lúc sáng, lúc tỏ. Khi ấy, tôi phán đoán đây là cơ sở cách mạng và cùng anh em tiếp cận ngôi nhà, đọc mật khẩu “Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh”. Một lát sau có bà má khẽ mở cửa đáp lại “Muôn năm, Muôn năm, Muôn năm”. Vậy là chúng tôi đã bắt được liên lạc với cơ sở cách mạng.

Má tên là Sáu Ngẫu, chồng bị địch bắt năm Mậu Thân (1968) rồi bị đày ra Côn Đảo và hy sinh tại đó. Tôi nhờ má cung cấp thông tin. Má không hiểu rõ bản đồ quân sự nên vào buồng lấy ra tấm bản đồ Thành Đô cất giữ từ lâu, trao ngay cho chúng tôi. Má Sáu chỉ tường tận đường đi, các chốt đóng quân, trận địa hỏa lực của địch mà má đã đánh dấu. Nhờ tấm bản đồ chỉ dẫn của má Sáu, sáng 30/4/1975, trong đội hình của Sư đoàn 320B (Quân đoàn 1), Trung đoàn 27 theo trục đường 13, lần lượt đánh chiếm quận lỵ Lái Thiêu, bao vây, chia cắt, cô lập, bức hàng hơn 2.000 tên địch tại Trại lính Huỳnh Văn Lương và đánh chiếm cầu Vĩnh Bình theo phương châm chỉ đạo thần tốc, táo bạo, quyết thắng, bỏ qua các mục tiêu không cần thiết, đánh thẳng mục tiêu chính; tiếp đó tiến công đánh chiếm Bộ tư lệnh Thiết giáp ngụy, chiếm 13 căn cứ Lục quân công xưởng, tiếp quản Tổng y viện cộng hòa.

9h30 phút ngày 30/4/1975, ba mũi tiến công của Quân đoàn 1 đã gặp nhau ở khu vực cột cờ, trước trụ sở Bộ Tổng tham mưu ngụy. 16 giờ ngày 30/4/1975, các đơn vị của quân đoàn đều hoàn thành nhiệm vụ được giao; quân đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngay sau chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, báo Quân đội nhân dân ngày ấy đã đăng bài báo với nhan đề “Bà má tham mưu của Trung đoàn”. Như đã hứa, sau khi chiến thắng, tôi quay lại tìm và cảm ơn má. Nhạc sỹ Văn Thành Nho, sau khi nghe tôi kể lại câu chuyện này cũng đã sáng tác bài hát “Tấm bản đồ má trao”. Đó là chiến dịch mà dù đã 50 năm đã qua tôi vẫn nhớ như in trong trái tim mình.

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về trình độ tổ chức, chỉ huy, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, với nhiều bài học kinh nghiệm quý. Trước hết, là nét độc đáo về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng thọc sâu chiến dịch, tạo ưu thế về sức mạnh, đánh chiếm mục tiêu chiến lược, giành thắng lợi. Thực hiện phương châm: “Thần tốc, quyết thắng”, nên bộ đội ta nhanh chóng đánh vượt qua các trọng điểm đề kháng vòng ngoài, đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu; đặc biệt là các cầu để đưa quân ta vào đánh các mục tiêu chiến lược trong nội đô Sài Gòn.

Đây là nét độc đáo về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng thọc sâu trong chiến dịch; nhanh chóng tiêu diệt các cơ quan đầu não của địch; thực hiện triệt để tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Thần tốc, táo bạo, chắc thắng”.

Suốt 60 năm "cuộc đời binh nghiệp", Tướng Hiệu không bao giờ quên những đêm hành quân trong khói lửa mịt mùng; những ngày ẩn sâu trong lòng đất mẹ để che mắt quân thù; những giờ phút lặng phắc, nín thở chờ giặc tới tưởng như trái tim cùng thời gian ngưng lại; những trận chiến đấu quả cảm thiêu cháy quân thù bằng ngọn lửa hờn căm; những niềm vui ngất trời khi lá cờ chiến thắng lồng lộng tung bay trên căn cứ địch... và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào, đau thắt khi lặng lẽ tiễn đưa đồng đội về nơi an nghỉ... Tướng Hiệu kể lại, vào một đêm mùa Đông nước Nga khi ông có dịp tới Nga làm việc, khi ngắm tuyết lắc rắc rơi, nhìn qua cửa sổ, dòng người dòng xe lầm lũi đi qua, ông đã thầm nhủ: "Ông trời đã ưu ái mình đến thế! Sao tôi lại được đặc ân thưởng ngoạn hạnh phúc này? Đồng chí, đồng bào ơi! Các bạn đã bỏ lại thân mình nơi chiến trường, còn mình thì lại đang được hưởng trong thanh bình. Tôi biết ơn các bạn hữu, biết ơn cuộc đời này đến vậy!".

Phạm Hằng (ghi)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-tran-danh-lich-su-trong-ky-uc-tuong-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-ky-ii-y-chi-trong-thuong-dau-nuoi-lon-cac-anh-hung-298182.html