Những trận đấu lịch sử thống nhất hai miền Nam – Bắc
Một năm sau khi đất nước giải phóng hoàn toàn, trận cầu lịch sử đại diện cho bóng đá hai miền Nam - Bắc là Tổng cục Đường sắt và Hải Quan diễn ra trên sân vận động với một cái tên ý nghĩa: Thống Nhất!
Ngày hạnh phúc
Ngày 30/4/1975, miền Nam giải phóng hoàn toàn. Lịch sử đất nước Việt Nam sang trang. Hai miền Bắc – Nam về chung một mái nhà, với tên gọi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
“Khi nghe tin xe tăng húc đổ Dinh Độc Lập, lá cờ Tổ quốc Việt Nam bay phấp phới trên đài, người dân miền Bắc chúng tôi vui sướng lắm. Người người đổ ra đường với cờ quạt rầm rộ. Từ trẻ con đến người lớn đều ăn mừng khoảnh khắc lịch sử thống nhất đất nước hoàn toàn. Ai nấy cũng sung sướng lắm, cũng phấn khởi lắm”, ông Mai Đức Chung – danh thủ một thời của Tổng cục Đường sắt và nay là HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia nữ Việt Nam bồi hồi kể lại.
“Cá nhân tôi chứng kiến quang cảnh năm 1975 thấy vô cùng hạnh phúc. Cảm giác ngày ấy với thế hệ trẻ chúng tôi như tháo bỏ đi một điều gì nặng nề lắm với đất nước này. Từ nay, đất nước chúng ta là một. Anh em Nam - Bắc chúng ta là một, không còn bị chia cắt nữa”.
Cùng thời điểm giai đoạn ấy ở trong Nam, danh thủ Hồ Thanh Cang – người từng được lên cả France Football (tạp chí nổi tiếng về bóng đá bậc nhất thế giới) nhẹ nhõm: “Trước ngày 30/4, tôi lo lắng. Nói thật là vậy. Người dân ở Sài Gòn cũng có chung một tâm trạng ấy. Không lo sao được. Bởi giai đoạn ấy, những kẻ xấu thổi phồng và nói nhiều điều không hay về chế độ ngoài Bắc. Nhưng cảm giác ấy sớm được xua tan đi. Không hề có những điều xấu xa như nhiều kẻ phá hoại vẫn thêu dệt. Cuộc sống của chúng tôi diễn ra bình thường sau khi đất nước thống nhất. Chiều 30/4 ấy, chính xác là như vậy, tức là vài tiếng sau khi cổng Dinh Độc Lập bị xe tăng húc đổ, tôi cùng mấy anh em còn ra sân Tao Đàn, giăng lưới lên chơi bóng”.
Hành trình đến trận cầu thống nhất
Hơn 1 năm sau khi đất nước giải phóng hoàn toàn, trận cầu lịch sử ghép nối bóng đá hai miền diễn ra. Tháng 11/1976, Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam có liên hệ với Tổng Công đoàn trong TP Hồ Chí Minh. Bấy giờ, đội Tổng cục Đường sắt được chọn vào Sài Gòn thi đấu với Cảng Sài Gòn.
Ông Mai Đức Chung, trụ cột của Tổng cục Đường sắt ngày ấy chia sẻ: “Tôi và anh em cầu thủ cảm thấy vinh dự, sung sướng lắm, không ăn, không ngủ được, hơn cả thi đấu ở nước ngoài. Bởi sau bao nhiêu năm đất nước bị chia cắt, giờ mình mới được vào thi đấu dưới sự chứng kiến của khán giả miền Nam”.
Ông Chung vẫn nhớ khi ra sân Thống Nhất, ngày ấy vẫn có tên là sân Cộng Hòa để tập luyện và thi đấu, khán giả ùa vào sờ chân, sờ đùi cầu thủ. Họ bảo với ông: “Ui dồi ôi, các chú trông khỏe, đẹp trai, cao to thế này, chắc là thắng đấy”. Ông chỉ cười và bảo: “Chúng tôi ở ngoài Bắc cũng được ăn tập, thi đấu. Còn thực sự đội không nghĩ đến thắng thua. Điều quan trọng là Bắc-Nam được sum họp một nhà. Trận đấu này là phục vụ bà con”.
Danh thủ Hồ Thanh Cang nhớ lại ký ức trước ngày mà trận đấu giữa Tổng cục Đường sắt và Hải Quan – đội mạnh nhất miền Nam diễn ra. Ông kể lại: “Năm 1976 cũng là thời điểm 1 năm sau khi đất nước giải phóng hoàn toàn. Chúng tôi có giải Cửu Long. Hải Quan của chúng tôi vô địch và được xem là mạnh nhất của miền Nam khi ấy. Giai đoạn đó, Tổng cục Đường sắt - đội có thể xem mạnh nhất phía Bắc có vào trong Nam thi đấu. Đấy cũng là lần đầu tiên, những trận đấu bóng đá của đại diện hai miền được diễn ra.
Trước khi gặp Hải Quan, Tổng cục Đường sắt thắng chẻ tre từ Tây Ninh (2-0), Cần Thơ (3-1), Đồng Tháp (2-0) rồi thậm chí là cả Cảng Sài Gòn (2-0) ngay trên sân Thống Nhất. Lúc bấy giờ chúng tôi cũng lo lắm, áp lực lắm. Đại diện miền Bắc thắng đến 4 trận trước đại diện miền Nam rồi. Và khi chúng tôi đi qua khán đài B sân Thống Nhất để chuẩn bị cho trận đấu, khán giả đứng lên vỗ tay ầm ầm và hô lên: “Hải Quan ơi, hãy giữ lại danh dự cho Sài Gòn”!
Trận đấu lịch sử
Trước khi gặp Hải Quan, thực tế Tổng cục Đường sắt đã có một trận đấu để đời với một đại diện mạnh khác của phía Nam khi đó là Cảng Sài Gòn. HLV Mai Đức Chung cũng ấn tượng về quang cảnh khi ấy: “Chúng tôi đá với đội Cảng Sài Gòn vào chiều tối. Nhưng từ 11 - 12 giờ trưa, sân đấu đã đông nghịt khán giả. Người ta trèo lên cây, tràn vào cả đường pitch để chờ xem thi đấu. Chúng tôi từng sang Đông Âu để tập huấn, thi đấu nhưng chưa bao giờ thấy khán giả đông như vậy.
Hồi ấy chưa có thủ tục hát quốc ca. Hai đội chỉ ra sân, bắt tay, tặng hoa. Đội Cảng Sài Gòn có anh Tam Lang được ví như bức tường thép, không ai qua được. Còn anh Ngô, anh Hà thì nhanh, khéo léo kiểu như Ba Đẻn ngoài Bắc.
Tôi còn nhớ rằng tôi chơi ở vị trí tiền vệ. Anh Minh Điểm tạt bóng từ biên phải và tôi băng lên rồi bật cao đánh đầu, ghi bàn đầu tiên của trận đấu. Còn ở bàn thứ hai thì anh Thụy Hải sút bóng rất căng từ gần vòng cung giữa sân vào lưới. Đội Tổng cục Đường sắt thắng chung cuộc 2-0.
Bàn thắng ấy với chúng tôi thiêng liêng lắm, vinh dự lắm, bởi không phải ai cũng có thể làm được. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời cầu thủ của tôi. Tôi vẫn nhớ sau khi ghi bàn, tôi giơ tay, chạy ăn mừng đầy sung sướng. Đó là trận đấu cuộc đời, một trận đấu lịch sử mà bất cứ ai tham gia vẫn còn ghi nhớ mãi”.
Trận đấu quan trọng nhất giữa Tổng cục Đường sắt – đại diện mạnh nhất của miền Bắc và Hải Quan – đại diện ưu tú nhất của phía Nam diễn ra. Hải Quan bị Tổng cục Đường sắt dẫn trước 1-0.
Danh thủ Hồ Thanh Cang kể lại: “Nói thật là chúng tôi cũng run, cũng sợ. Tôi với Cù Sinh cứ đập tường với nhau. Rồi bất ngờ Cù Sinh xoay 180 độ sút bóng dưới thân người thủ môn gỡ hòa 1-1. Sau đó Hải Quan tấn công dữ lắm. Bóng được phối hợp qua, phối hợp lại. Rồi cầu thủ đội tôi sút bóng dội vào người cầu thủ Tổng cục Đường sắt khiến bóng dội ra trước khu vực 11 mét.
Lúc đấy, tôi đang trên đà tấn công. Thấy bóng ở tầm có thể dứt điểm, tôi tung người ngả bàn đèn đưa bóng liếm xà ngang và bay vào lưới. Tôi ngã xuống, nằm thẳng cẳng. Các bạn chạy đến nhảy đè lên chúc mừng bàn thắng. Khán giả 4 mặt sân Thống Nhất hò reo ầm ĩ. Nón lá, nói cối rồi cả giày dép bay tung lên trời”.
Quan trọng hơn, kể từ sau trận đấu đấy, bóng đá hai miền coi như hòa vào làm một. Chúng tôi không còn phân chia ranh giới 2 miền. Tôi hay anh Mai Đức Chung, bạn thân của tôi ở Tổng cục Đường sắt, suy cho cùng cũng cùng 1 cái tên. Đó là cầu thủ Việt Nam, là con người Việt Nam cả”.
Ba năm sau, bóng đá Việt Nam khai sinh giải vô địch quốc gia và những cầu thủ Tổng cục Đường sắt là nhân chứng sống trong trận cầu lịch sử đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất đã lên ngôi vô địch. Những cầu thủ ưu tú ngày ấy người mất người còn nhưng tất cả mãi không quên khí thế hào hùng của ngày Chủ nhật đỏ. Ngày 7/11/1976 đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam
Bóng đá Sài Gòn sống lại từ trận “derby” miền Nam lịch sử
Một năm trước khi Tổng cục Đường sắt vào Nam thi đấu, trận đấu nội bộ của miền Nam giữa Hải quan và Ngân hàng đã diễn ra trên sân Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất), đúng vào ngày 2/9/1975 – Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam sau khi hai miền Nam – Bắc thống nhất.
Sau đó, Phạm Huỳnh Tam Lang được đưa đi CHDC Đức học lớp HLV, trở về phục vụ Tổ quốc và được kết nạp Đảng. Đỗ Thới Vinh nằm xuống nhưng lớp thế hệ cầu thủ sau được xem là hậu duệ của bóng đá TP Hồ Chí Minh trưởng thành từ cái nôi TP Hồ Chí Minh. Lê Huỳnh Đức, con trai của Lê Văn Tâm - người dự trận cầu lịch sử ngày 2/9 ấy, trở thành tuyển thủ quốc gia. Bóng đá Sài Gòn đã được phục sinh như thế.