Những trăn trở của Thủ tướng trước ngày 20/11

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), chiều qua (17/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu. Theo dõi buổi gặp mặt, có thể nhận thấy một điều đặc biệt là Thủ tướng đặt một số câu hỏi, một số suy nghĩ có tính gợi mở.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu.

Thủ tướng khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, giáo dục luôn tồn tại, phát triển cùng đất nước, đóng vai trò quan trọng như một trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của nước nhà.

Ngành Giáo dục đạt được những kết quả đáng tự hào như ngày hôm nay là “có sự đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhà giáo - những người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, yêu nghề; luôn nỗ lực tu dưỡng, nâng cao năng lực, khắc phục nhiều khó khăn, vượt qua nhiều thách thức để “bám trường, bám lớp”, hết mình truyền thụ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, tư duy, đạo đức nhằm phát triển toàn diện thế hệ tương lai của đất nước”, Thủ tướng khẳng định.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 29 của Trung ương, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Phương châm đặt ra là “Lấy học sinh làm trung tâm”, “Lấy nhà trường làm nền tảng”, “Lấy thầy, cô giáo làm động lực”. Đồng thời bảo đảm yêu cầu đặt ra là “Học thật, thi thật, nhân tài thật”, “Thực tâm, thực tài, thực nghề”.

Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng nêu lên một số vấn đề lớn. Chúng ta đã, đang và sẽ phải làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo một cách hiệu quả? Trong bối cảnh, tình hình mới, công tác dạy và học cần thay đổi như thế nào cho phù hợp? Làm thế nào để “học” thực sự đi đôi với “hành”? Làm sao để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế? Giải pháp nào để vừa xây cho học sinh những kiến thức nền tảng, cơ bản, vừa tạo điều kiện để các em phát triển năng khiếu bản thân? Chính sách đãi ngộ thế nào là phù hợp để thầy, cô yên tâm công tác, cống hiến. Và đặc biệt, “muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy tốt”.

Nhắc đến giáo dục, thời gian qua, một số người nghĩ ngay đến một số sự việc còn tồn tại như câu chuyện sách giáo khoa, lạm thu, suất ăn học sinh chưa bảo đảm số lượng và chất lượng, giáo viên quá nghiêm khắc với học sinh… Nhưng thực tế đó chỉ là một số trường hợp cá biệt, chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất và cần phải kiên quyết đấu tranh dẹp bỏ để những hiện tượng đó không được phép “lây lan”.

Thủ tướng đã rất tinh tế, ý nhị khi nêu thoáng qua những hiện tượng đó và chia sẻ, gợi mở với các thầy, cô giáo suy nghĩ “muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy tốt”. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục là rất đúng đắn. Vấn đề tất cả chúng ta phải thực hiện đúng mục đích chủ trương, vì cái chung, vì thế hệ tương lai; chứ không ai được phép lợi dụng đổi mới giáo dục để toan tính mưu lợi cá nhân; thì nhất định những chính sách, chủ trương sẽ sớm đi vào thực tế, phát huy sức mạnh.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-tran-tro-cua-thu-tuong-truoc-ngay-2011-post495863.html