Những trang sách từ khói bom, máu lửa chiến trường
Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2020), ngày 22-7, Quỹ Mãi mãi tuổi 20, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Viện Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc và Câu lạc bộ Trái tim người lính phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm, gặp mặt các tác giả-nhân chứng lịch sử và giới thiệu bộ sách 'Nhật ký thời chiến Việt Nam'. Đây là bộ sách đầu tiên tập hợp nhiều tác phẩm nhật ký do những người lính viết trong thời kỳ chiến tranh, trong đó, có nhiều trang nhật ký còn vương đầy khói bom, máu lửa chiến trường của các anh hùng, liệt sĩ đã mãi mãi ra đi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Cái nhìn chân thực về cuộc kháng chiến chống Mỹ
Tiếp nối mạch cảm xúc và hiệu ứng đặc biệt của 2 cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm từng trở thành một trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của Việt Nam năm 2005, Quỹ Mãi mãi tuổi 20 đã lên ý tưởng làm một bộ sách tư liệu về chiến tranh qua những trang nhật ký. Bộ tổng tập “Nhật ký thời chiến Việt Nam” gồm 4 tập sách, với 31 tác phẩm của 31 tác giả, dày hơn 4.000 trang, được hoàn thành và ra mắt bạn đọc là thành quả của quá trình 16 năm lặn lội, vất vả sưu tầm, biên soạn của nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng và các cộng sự.
Trong bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” có những trang nhật ký đầy máu lửa chiến trường, mang đến một cái nhìn chân thực và sống động, nhưng cũng rất đời thường về cuộc chiến nhiều gian khổ, hi sinh để đi tới hòa bình, thống nhất đất nước, như: “Gửi lại mai sau” của Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ Công an nhân dân vũ trang Nguyễn Minh Sơn); “Nhật ký chiến tranh” của Anh hùng, nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong; “Nhật ký chiến trường” của liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; “Những ngày trong vòng vây” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; “Nhật ký vượt Trường Sơn” của Tiến sĩ Phạm Quang Nghị; “Nhật ký Bê trọc” của nhà văn, Tiến sĩ Phạm Việt Long; “Nhật ký đi B” của cố nhà văn Triệu Bôn... Bạn đọc còn được tiếp cận những trang viết hiếm hoi mang đầy chất văn hóa tâm linh trong nhật ký “Trở về trong giấc mơ” của liệt sĩ Trần Minh Tiến...
Nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, chủ biên bộ sách chia sẻ: “2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của nhiều gia đình”.
Nhận định về bộ sách, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4) cho rằng: “Đây là công trình có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” như một tượng đài Di sản phi vật thể mà các anh hùng, liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại dấu ấn của tâm hồn mình cho thế hệ sau”.
Nhà văn Lê Hoài Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Qua những trang nhật ký sinh động, cụ thể từng ngày, từng tháng của những người lính, bạn đọc có thể hình dung ra cuộc sống, chiến đấu vô cùng ác liệt, thiếu thốn ở chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi đầy bom đạn, hiểm nguy, sự sống và cái chết luôn cận kề và hầu như không có ranh giới”.
Dù các tác giả của những trang nhật ký là những người lính trong tập sách khác nhau về tuổi tác, trình độ, văn hóa, giọng văn và những trang ghi chép khác nhau về chiến trường, thời gian..., nhưng những cuốn nhật ký trong bộ sách đều giống nhau ở một điểm chung, đó là lời tự sự, tâm sự của những người con đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho nền hòa bình, thống nhất đất nước.
Tư liệu quý cho thế hệ mai sau
Để hoàn thành bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, có thể nói, đó là công sức lớn của nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng. Cách đây 16 năm, từ khi còn công tác tại Báo Công an nhân dân, qua công việc làm báo đã gợi mở và thôi thúc anh quyết định làm công việc sưu tầm thư và nhật ký thời chiến.
Trong quá trình sưu tập, làm sách, nhà văn Đặng Vương Hưng gặp rất nhiều khó khăn, bởi những cuốn nhật ký được thân nhân liệt sĩ trao lại cho anh đều đã có “tuổi đời” từ 40 năm, 50 năm, thậm chí là 60 năm. Những cuốn nhật kí được ra đời từ rất lâu, những trang giấy đã mờ nhòe bởi thời gian, mưa nắng, nhiều trang đã mất chữ, rách nát, có quyển từng nhuốm màu máu, có quyển bị cháy xém một góc, hay có trang nhật ký thì vẫn còn găm vết đạn... Khi làm sách, nhà văn Đặng Vương Hưng đã phải văn bản hóa lại để người đọc hiểu được cả câu chuyện dài của liệt sĩ; biến từ kỷ vật, di vật thành tác phẩm để mọi người hiểu, đồng cảm và chia sẻ.
Từng là người lính trở về từ chiến trận, nhà văn Đặng Vương Hưng hiểu hơn ai hết những mất mát, đau thương của chiến tranh. Anh cho rằng, tất cả những gì được viết trong nhật ký đều là sự thật, dù có thể thô nháp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật, nhất là sự ấm ức và nỗi buồn nản trong cuộc đời, kể cả tâm trạng “sống trong sợ hãi” tại chiến trường.
“Đôi khi, chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu, chúng gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa xã hội trong quá khứ, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện đại và tương lai tốt đẹp hơn”, nhà văn Đặng Vương Hưng tâm sự.