Những trang sử 'đá' của xứ Thanh
Với sức sống bền bỉ qua năm tháng, những tấm văn bia được xem là 'những trang sử đá', di sản Hán - Nôm đặc sắc của dân tộc, thời đại... Vì lẽ đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn bia cần phải được quan tâm, chú trọng hơn nữa...
Bia Vĩnh Lăng tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân).
Những Bảo vật Quốc gia tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh
Sức sống của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh trên mảnh đất Thọ Xuân từ lâu đã trở thành biểu tượng danh giá, là niềm tự hào của đất và người xứ Thanh. Mỗi hiện vật nơi đây đều in đậm dấu ấn vương triều, lắng đọng tinh hoa văn hóa - lịch sử. Đến nay, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã có 5 hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Thú vị hơn hết, cả 5 Bảo vật Quốc gia được công nhận đều là những tấm bia đá ghi lại công đức của các vị vua, hoàng thái hậu, đó là: bia Vĩnh Lăng (Lam Sơn Vĩnh Lăng bi); bia lăng Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (Khôn Nguyên Chí Đức chi bi), bia lăng vua Lê Thánh tông (Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi), bia lăng vua Lê Hiến tông (Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng bi), bia lăng vua Lê Túc tông (Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi).
Bia Vĩnh Lăng (còn gọi là Lam Sơn Vĩnh Lăng bi), được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2013. Bia được dựng sau khi vua Lê Thái tổ băng hà. Đây là tấm bia cổ thời Lê Sơ, được tạo tác khéo léo, tỉ mỉ với những hình vuông – tròn biểu tượng cho trời – đất, rồng chầu, vân mây cách điệu, hoa văn sóng nước... thể hiện tâm huyết, trình độ chế tác đá, chế tác văn bia của người xưa. Nội dung bia Vĩnh Lăng do Vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển, Tam tri quản sự Nguyễn Trãi soạn, ghi lại thân thế, sự nghiệp của vua Lê Thái tổ. Văn bia tuy ngắn gọn nhưng đã khắc họa rõ nét về cuộc đời, sự nghiệp, đặc biệt là những công lao to lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và tấm lòng khoan dung, độ lượng của vua Lê Thái tổ.
Trong số các tấm bia được công nhận là Bảo vật Quốc gia hiện đang lưu giữ ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, duy chỉ có 1 tấm bia ghi lại thân thế, sự nghiệp và ngợi ca công đức của một người phụ nữ. Đó là tấm bia lăng Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (Khôn Nguyên Chí Đức chi bi).
Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao sinh năm Canh Tý (1420) tại xã Định Hòa, Yên Định. Tuy ở ngôi cao nhưng Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao có lối sống giản dị, khuôn phép, cần kiệm. Bà là bậc Mẫu nghi thiên hạ giàu lòng nhân ái, khoan dung, đức độ. Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao được sử sách đánh giá rất cao và cho rằng bà là người có công lớn với xã tắc, đặc biệt là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thánh tông.
Những đóng góp ấy của bà được ghi lại một cách chân thực, xúc động trong tấm bia lăng Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (có tên gọi khác là Khôn Nguyên Chí Đức chi bi). Ngoài giá trị về mặt điêu khắc, mỹ thuật, điểm đặc biệt nhất của tấm bia là lưu lại 36 bài thơ họa của các quần thần nhằm ca ngợi công đức, bày tỏ niềm tiếc thương, yêu mến, kính trọng đối với bà. Nội dung tấm bia ghi rõ: “Nhân Thánh Hoàng Thái hậu nhận được đức lớn của tiền nhân, kết nối mọi vẻ đẹp của đời trước mà sinh ra đức Thánh tông thuần hoàng đế, đưa nước nhà lên cảnh thịnh trị... Thánh tông hoàng đế là bậc hùng tài đại lược, thần vũ anh minh, nhưng mỗi khi được hoàng hậu dạy bảo điều gì thì ngày đêm kính cẩn tuân theo. Vì thế mà lễ nhạc văn chương rạng rỡ đáng kể, phong thái kẻ sĩ, lề thói thứ dân đều thay đổi và trở nên thuần hậu, đó là nhờ công đức của Hoàng Thái hậu vậy”.
“Minh Tịnh tự bi văn” - tự hào Danh xưng Thanh Hóa
Trên hành trình ngược dòng lịch sử nhằm xác định thời điểm ra đời Danh xưng Thanh Hóa, bên cạnh những tấm văn bia có giá trị như: “An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký”, “Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh”; “Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi”, tấm văn bia thu hút được nhiều sự quan tâm nhất là “Minh Tịnh tự bi văn”.
Cũng như nhiều tấm văn bia khác, “Minh Tịnh tự bi văn” có một số phận khá lênh đênh. Được biết, tấm bia này nguyên dựng tại một ngôi chùa ở ven sông thuộc địa phận xã Hoằng Phúc (nay là thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa) nhưng do dòng chảy thay đổi, một phần đất của khu chùa bị lở xuống sông và ngôi chùa cũng đổ từ khi nào không rõ. Trên nền chùa chỉ còn lại một tấm bia, dân làng sợ bia đổ xuống sông nên đã cùng nhau chuyển về đặt tại nghè Tế Độ (xã Hoằng Phúc cũ). Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, “Minh Tịnh tự bi văn” được lưu giữ tại khu văn hóa thôn Thọ Văn (xã Hoằng Phúc cũ). “Minh Tịnh tự bi văn” được giới thiệu rộng rãi tại Thông báo Hán - Nôm năm 2000 và bài viết “Tấm bia đời Lý tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa” của tác giả Phạm Văn Thắm đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 5-2003 đã cung cấp nhiều tư liệu văn hóa – lịch sử có giá trị.
Theo đó, về hình thức, tấm bia được làm từ chất liệu đá xanh; cấu trúc bia gồm: trán bia, đế bia và diềm bia bao quanh mặt bia, trang trí hoa văn đẹp mắt. Tấm bia gồm 2 mặt; bài văn khắc trên mặt bia được sử dụng chữ Hán, kỹ thuật khắc chìm. Hàng chữ cuối cùng cho biết bia được dựng vào ngày 15 tháng 2 năm Canh Ngọ niên hiệu Quảng Hựu 6 (1090). Nội dung tấm bia chủ yếu nói về việc lập chùa Minh Tịnh, ca ngợi công đức của Quyền tri Thanh Hóa trại, Sùng Nghi sứ Hoàng Khánh Văn.
Về đơn vị hành chính “Thanh Hóa trại” được nhắc đến trong "Minh Tịnh tự bi văn”, Phạm Văn Thắm nhận định: “Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, một trong những việc làm đầu tiên của ông là “đổi 10 đạo làm 24 lộ, châu Hoan, châu Ái làm trại”. Văn bia chùa Minh Tịnh dựng trên đất Hoằng Hóa có chữ trại, cho thấy vùng Thanh Hóa thời Lý Nhân tông gọi là trại, Hoằng Hóa thời đó thuộc trại Thanh Hóa”.
Trong bài viết “Thử đưa ra vài niên đại về Danh xưng Thanh Hóa qua tài liệu văn bia và thư tịch” của PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, cho biết: “Văn bia thời Lý trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn lại không nhiều”... Và “Minh Tịnh tự bi văn” là một trong những văn bia thời Lý có ghi chép về địa danh Thanh Hóa. Địa danh Thanh Hóa được nhắc đến trong văn bia gắn liền với hai nhân vật: Quyền tri Thanh Hóa trại, Sùng Nghi sứ Hoàng Khánh Văn và Đồng tri Thanh Hóa trại, Nội điện Sùng ban Hoàng Thừa Nhĩ.
Như vậy, “Minh Tịnh tự bi văn” đã cung cấp tư liệu lịch sử quan trọng trong việc xác định thời điểm ra đời của Danh xưng Thanh Hóa, góp phần khẳng định cái danh giá, chiều sâu, bề dày văn hóa - lịch sử của mảnh đất xứ Thanh.
Xứ Thanh - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi khởi phát của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, có bề dày văn hóa - lịch sử... Nơi đây hiện lưu giữ nhiều văn bia cổ, có giá trị như những tác phẩm văn học, nghệ thuật, chứa đựng hệ thống thông tin nhiều mặt, phản ánh sinh động về sự vận động và phát triển của từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử đã “khai sinh” ra nó... Các tấm văn bia đó không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà hơn hết, nó là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy: Những tác động của thời gian, điều kiện thời tiết và nhiều hạn chế trong công tác nghiên cứu, dịch thuật nội dung, cách thức, không gian lưu giữ, kinh phí... đã tác động không nhỏ đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn bia. Để tìm được lời giải cho những mệnh đề khó nêu trên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản ấy cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa từ phía các cấp, các ngành và đội ngũ các nhà nghiên cứu, khoa học về lĩnh vực này.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/nhung-trang-su-da-cua-xu-thanh/138694.htm