Những trào lưu công nghệ đang thất sủng

Sau giai đoạn đầu tư mạnh, các công nghệ như metaverse, blockchain hay xe tự lái đang đối diện thực tế phũ phàng.

Trong thập kỷ qua, nhiều công nghệ nổi lên rồi hạ nhiệt sau thời gian ngắn. Từng có thời điểm chúng được đầu tư hàng tỷ USD, giới truyền thông nhắc đến liên tục.

Dù không biến mất hoàn toàn, các lĩnh vực metaverse, blockchain hay xe tự lái ngày càng thu hẹp quy mô, giới đầu tư rút dần. Nhìn chung, mỗi công nghệ đều có vấn đề cần giải quyết trước khi được chấp nhận rộng rãi.

Metaverse

Đã hơn 2 năm từ khi công ty Facebook đổi tên thành Meta, một phần thể hiện tham vọng bá chủ lĩnh vực vũ trụ ảo (metaverse). Tuy nhiên, canh bạc này khiến Meta thua lỗ 3-4 tỷ USD mỗi quý.

Metaverse được mô tả như thế giới 3D, cho phép người tham gia thể hiện các hành động giống ngoài đời, chẳng hạn như trò chuyện, tập thể thao, chơi game hay mua sắm.

 Người dùng trải nghiệm kính Oculus Quest 2 của Meta. Ảnh: Bloomberg.

Người dùng trải nghiệm kính Oculus Quest 2 của Meta. Ảnh: Bloomberg.

Niềm tin về sự phổ biến của metaverse cao trào trong lúc thế giới phải học tập, làm việc tại nhà thời kỳ dịch bệnh. Tuy nhiên khi mọi thứ dần trở về bình thường, metaverse không còn tính thú vị.

Cuối năm 2022, Andrew Bosworth, Giám đốc Công nghệ tại Meta, thừa nhận "nghi ngờ các khoản đầu tư" khi áp lực lên bộ phận kinh doanh cốt lõi ngày càng cao.

Theo WSJ, thành công lớn nhất của Meta trong 18 tháng qua lại là Reels, tính năng chia sẻ video ngắn trên Instagram và Facebook. Công ty cũng không còn tập trung vào metaverse và thực tế ảo (VR), thay vào đó là thực tế tăng cường (AR) - khả năng kết hợp yếu tố ảo lên thế giới thực.

 Dòng kính thông minh Ray-Ban của Meta. Ảnh: Bloomberg.

Dòng kính thông minh Ray-Ban của Meta. Ảnh: Bloomberg.

Tháng 12/2023, CEO Mark Zuckerberg giới thiệu dòng kính Ray-Ban mới, kết hợp AR và trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng tính tương tác giữa người dùng và môi trường AR.

Thực chất, kế hoạch tập trung vào AR và AI của Meta vẫn xoay quanh kính thông minh. Tuy nhiên khi nhìn vào bức tranh lớn hơn, đây cũng là con đường Apple đang theo đuổi với Vision Pro.

Blockchain

Đầu tháng 1, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã chấp thuận loạt hồ sơ xin mở các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) Bitcoin.

Đây là động thái mang tính bước ngoặt với lĩnh vực tài sản kỹ thuật số, nhưng chưa đủ để khẳng định blockchain - công nghệ đứng sau Bitcoin - được chấp nhận rộng rãi.

Vài năm trước, blockchain được nhận định sẽ "xây dựng lại Internet" với nền tảng công nghệ Web3. Ý tưởng chung là các giao dịch mua bán (tranh vẽ, tiền ảo trong game...) được lưu trữ trên blockchain dưới dạng dữ liệu không trùng lặp.

Các token này sau đó có thể giao dịch, truy vết hoặc xem bởi mọi cá nhân hoặc tổ chức.

 Một cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin tại El Salvador năm 2021. Ảnh: Reuters.

Một cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin tại El Salvador năm 2021. Ảnh: Reuters.

Molly White, nhà phát triển phần mềm với các dự án Web3 và tiền mã hóa, cho rằng một số công ty vẫn xây dựng Web3, nhưng chiến lược và hướng đi không còn như trước.

"Sự thổi phồng và tài trợ dành cho blockchain đã chuyển sang AI, hoặc những thứ họ cho rằng có tiềm năng mang về doanh thu lớn", White nhận định.

Theo WSJ, sức hút đầu tư tiền mã hóa nhưng quy định lỏng lẻo khiến blockchain chỉ được nhớ đến như công nghệ tức thời, có phần lừa đảo. Tuy nhiên, nền tảng cơ bản của blockchain vẫn có thể hữu ích khi tăng tính minh bạch về quyền sở hữu tài sản, giúp chuyển nhượng và truy cập dễ dàng hơn.

Một số công ty đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon đã thu về lợi nhuận khổng lồ từ tiền mã hóa, ngay trước khi nền tảng giao dịch FTX sụp đổ.

 Hoạt động giao dịch đầu tư mạo hiểm tại Mỹ từ năm 2021 với 3 công nghệ: tiền mã hóa, VR và xe tự lái. Ảnh: PitchBook.

Hoạt động giao dịch đầu tư mạo hiểm tại Mỹ từ năm 2021 với 3 công nghệ: tiền mã hóa, VR và xe tự lái. Ảnh: PitchBook.

Giờ đây, doanh thu từ lĩnh vực này sụt giảm nghiêm trọng, nhưng một số quỹ vẫn kiên nhẫn chờ đợi kết quả, thậm chí tìm kiếm khía cạnh mới về blockchain để đầu tư.

Scott Kominers, đối tác nghiên cứu về tiền mã hóa tại công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, lấy ví dụ với token không thể thay thế (NFT) - loại tài sản số nằm trên blockchain, đại diện quyền sở hữu một mặt hàng độc nhất.

Dù vậy, ứng dụng thực tế về cho còn rất ít. Tháng 3/2023, Ticketmaster thử nghiệm bán vé ca nhạc dưới dạng NFT. Andreessen Horowitz đã đầu tư một số startup về Web3, nhưng chưa có kết quả tích cực.

Xe tự lái

Xe tự lái đã chạy trên đường, nhưng chỉ dành cho một số khu vực đủ điều kiện. Tương tự xe điện, ôtô tự lái vẫn đối mặt một số thách thức để được áp dụng rộng rãi.

Theo WSJ, có rất nhiều rào cản với xe tự lái. Một trong số đó là trách nhiệm pháp lý khi xe gây tai nạn, có thể bị đùn đẩy từ chủ xe sang nhà sản xuất, hoặc công ty viết phần mềm.

 Xe tự lái của Waymo chạy trên đường. Ảnh: Bloomberg.

Xe tự lái của Waymo chạy trên đường. Ảnh: Bloomberg.

Trở ngại khác đến từ chi phí. Bỏ đi bộ phận điều khiển bởi con người, số tiền ấy lại chuyển phần lớn sang cảm biến, camera và máy tính. Chưa kể chi phí khảo sát đường phố, địa điểm những chiếc xe có thể lái đến.

Nhà nghiên cứu Scott Kominers cho biết metaverse, blockchain hay xe tự lái đều cần các yếu tố chung để phổ biến, bao gồm sự chấp nhận của pháp luật, cơ sở hạ tầng và đáp ứng kỳ vọng của người dùng.

Theo WSJ, việc quản lý tiền mã hóa, đảm bảo sự thoải mái của người dùng trong môi trường VR, xác định trách nhiệm pháp lý khi xe tự lái gây tai nạn có thể tốn nhiều thời gian và chi phí, thậm chí cao hơn những gì được đầu tư vào các công nghệ này.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-cong-nghe-that-sung-post1456464.html