Những triển vọng và rủi ro chính trị sau khi Pháp có Thủ tướng mới

Ông Michel Barnier, đại diện của Đảng Cộng hòa Pháp, đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng mới của đất nước hình lục lăng. Liệu điều này có giúp nước Pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị suốt gần 2 tháng qua?

Ngày 5/9, Tổng thống Pháp Macron đã bổ nhiệm ông Michel Barnier làm Thủ tướng mới của nước này, kế nhiệm ông Gabriel Attal, chấm dứt gần 2 tháng bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử quốc hội vào đầu tháng 7 vừa qua, với việc không đảng nào chiếm thế đa số để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ.

Một thông báo từ Văn phòng Tổng thống Macron nói, đã bổ nhiệm ông Barnier làm Thủ tướng, người có sự mệnh thành lập một chính phủ thống nhất để phụng sự đất nước và người dân Pháp.

 Tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier. Ảnh: Getty Images

Tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier. Ảnh: Getty Images

Ông Michel Barnier thay thế ông Gabriel Attal (34 tuổi), người được bổ nhiệm chức Thủ tướng ngày 9/1 và đã từ chức vào ngày 16/7, sau cuộc bầu cử lập pháp diễn ra nhanh chóng dẫn đến một quốc hội chia rẽ với ba nhóm lớn - cánh tả, trung dung và cực hữu - với những nền tảng quan điểm, ý tưởng và chương trình nghị sự rất khác biệt, cạnh tranh nhau và hoàn toàn không có truyền thống làm việc cùng nhau, đẩy nước Pháp vào tình trạng bất ổn chính trị.

Phe cánh tả khó “nuốt trôi”

Sau cuộc bầu cử quốc hội sớm của Pháp, được xem là thất bại thảm hại đối với liên minh trung dung của Tổng thống Macron, chính quyền đã không thể thành lập chính phủ trong gần 2 tháng.

Chiến thắng vào tháng 7 thuộc về liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NEP), nhận được 184 ghế, và liên minh trung dung của Tổng thống Macron nhận được 166 ghế, phe cực hữu nhận được 143 ghế trong tổng số 577 ghế trong Quốc hội Pháp.

Giới phân tích chính trị cho rằng, quyết định bổ nhiệm ông Michel Barnier làm Thủ tướng chỉ làm trầm trọng thêm sự bất mãn của các lực lượng chính trị hàng đầu trong nước đối với Tổng thống Macron, người cố gắng trì hoãn việc thành lập nội các mới.

Trong đó, các đại diện cấp tiến của NEP chắc chắc sẽ khó “nuốt trôi” vì ứng cử viên Lucie Castet mà họ đề xuất không được chấp nhận mặc dù NEP là đảng về đầu trong cuộc bầu cử vào tháng 7 vừa qua. Ông Macron từ chối bổ nhiệm Lucie Castet vì nghi ngờ khả năng bà đạt được đa số phiếu ở Hạ viện để thực hiện cải cách và thông qua ngân sách đất nước.

Tuy nhiên, lãnh đạo đảng cánh tả lớn nhất nước Pháp, Nước Pháp bất khuất (LFI), Jean-Luc Mélenchon, cho rằng việc Tổng thống Macron bổ nhiệm Michel Barnier đã “đánh cắp” cuộc bầu cử của người dân Pháp và kêu gọi sự ủng hộ của người dân Pháp.

Ngoài ra, lãnh đạo của Đảng Mặt trận Quốc gia (RN) cực hữu Jordan Bardella đã viết trên mạng xã hội X rằng, quyết định trên của Tổng thống Macron “không xứng đáng với một nền dân chủ vĩ đại”. Ông cũng lưu ý rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc sẽ đánh giá tân Thủ tướng Michel Barnier sau khi ông trình bày chương trình chính trị của mình.

"Sự lựa chọn an toàn" của ông Macron?

Ngày 2/9, Tổng thống Macron đã gặp các chính trị gia cấp cao của đất nước, trong số đó có cựu Thủ tướng Đảng Xã hội Bernard Cazeneuve và Chủ tịch hội đồng vùng Hauts-de-France, thành viên Đảng Cộng hòa Xavier Bertrand.

Trước đó, truyền thông Pháp nhận định đây là những ứng cử viên tiềm năng cho chức thủ tướng. Tuy nhiên, việc ông Macron lựa chọn Michel Barnier là quyết định bất ngờ, bởi lẽ ông Michel Barnier vẫn chưa đưa ra được chương trình chính trị của mình trước một quốc hội đang bị chia rẽ nghiêm trọng.

Theo Alexey Chikhachev, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Nga (MGIMO) cho rằng, nhiệm vụ của Tổng thống Macron không phải là tìm kiếm một nhân vật tham vọng có thể thực hiện những cải cách mới, mà là người bảo đảm sẽ không thất bại ngay ngày đầu tiên đảm nhiệm chức vụ mới của mình.

“Tổng thống Macron không thể tìm được một ứng cử viên có thể làm hài lòng tất cả các lực lượng chính trị trong nước. Nếu ông bổ nhiệm Cazeneuve theo chủ nghĩa xã hội, cánh hữu sẽ phản đối điều đó, và việc ứng cử của Bertrand, một thành viên của Đảng Cộng hòa, sẽ bị cánh tả chặn lại. Vì vậy, Michel Barnier có thể được xem là phương án tối ưu, bởi lẽ ông là một chính trị gia cánh hữu cổ điển, giàu kinh nghiệm, phù hợp với cánh hữu ôn hòa và cánh tả ôn hòa”, chuyên gia Chikhachev khẳng định

Như tờ Le Monde lưu ý, tân Thủ tướng Pháp sẽ phải giải quyết nhiệm vụ khó khăn là thiết lập các quy trình lập pháp trong một quốc hội có sự phân cực cao vào thời điểm đất nước đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.

Ngoài ra, thời hạn chính phủ mới trình bày dự thảo luật ngân sách cho năm 2025 đang đến gần. Cựu Thủ tướng (2017-2020) Edouard Philippe, người mới tuyên bố tham gia cuộc đua tổng thống năm 2027, cho biết: “Nhiệm vụ của Thủ tướng Michel Barnier có vẻ khó khăn, nhưng ông ấy chưa bao giờ nản lòng trước khó khăn”.

Nguy cơ Tổng thống Macron bị luận tội

Hiện tại, 81 nghị sĩ thuộc Đảng LFI đã bắt đầu thủ tục luận tội Tổng thống Macron, cáo buộc ông thực hiện một “cuộc đảo chính thể chế chống lại nền dân chủ” vì không tính đến kết quả bầu cử vào tháng 7 mà phe cánh tả đã giành chiến thắng (dù không đạt được đa số).

“Đề nghị ra nghị quyết tham gia vào quá trình luận tội Tổng thống theo quy định của Điều 68 Hiến pháp đã được gửi đến các nghị sĩ để cùng ký kết. Tổng thống Macron từ chối kết quả cuộc bỏ phiếu phổ thông, vì vậy chúng tôi phải sa thải ông ấy”, một trong những thủ lĩnh phe cánh tả Mathilde Panot, viết trên trang X của mình.

Theo Điều 68 của Hiến pháp Pháp, được phe cánh tả trích dẫn, cho phép luận tội tổng thống vì “sự lơ là nhiệm vụ mà rõ ràng là trách nhiệm của ông ấy”. Một trong những người sáng lập đảng LFI, Jean-Luc Mélenchon, cáo buộc “việc từ chối ghi nhận các cuộc bầu cử lập pháp và quyết định hủy bỏ chúng” vi phạm các hiến định của Pháp đối với tổng thống.

Văn phòng Quốc hội sẽ xem xét nghị quyết vào ngày 11/9. Nếu bảo đảm hợp pháp, đề xuất luận tội tổng thống sẽ được gửi đến ủy ban pháp luật, nơi sẽ cần phải có đa số phiếu để thông qua. Sau đó, đề xuất này có thể được thảo luận tại phiên họp quốc hội vào đầu tháng 10. Để một nghị quyết cuối cùng được thông qua, cần phải có sự chấp thuận của đa số 2/3 đại biểu quốc hội.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung của giới quan sát, việc luận tội Tổng thống Macron là khó xảy ra. Về mặt pháp lý, nghị quyết này khó có thể được quốc hội thông qua, tức sẽ không nhận được đủ đa số phiếu bầu. Và đây chỉ được xem như một kế hoạch của phe cánh tả nhằm tận dụng những bất bình của công chúng Pháp để phát động chiến dịch gây sức ép đối với Tổng thống Macron.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-trien-vong-va-rui-ro-chinh-tri-sau-khi-phap-co-thu-tuong-moi-post311018.html