Những trọng tâm bao trùm trong UNCLOS 1982
Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là một văn kiện quốc tế đa phương đồ sộ, thể hiện sự thỏa hiệp mang tính toàn cầu, bao quát toàn bộ các vấn đề pháp lý quan trọng nhất liên quan đến biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, có tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia khác nhau (gồm cả những nước có biển và không có biển, các nước phát triển cũng như đang phát triển).
Quy chế bao trùm các vấn đề về phạm vi tài phán
Phân tích về UNCLOS 1982, giới chuyên gia chỉ ra rằng, các quy định trong văn kiện bao trùm các vấn đề về phạm vi tài phán quốc gia. Trước hết, các vùng biển thuộc phạm vi tài phán quốc gia của nước ven biển được quyền thiết lập và thực thi chủ quyền đầy đủ đối với lãnh hải rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải (bao gồm cả vùng nước, bầu trời và lòng đất đáy biển). Tuy nhiên, tàu thuyền và máy bay của tất cả các nước đều có quyền qua lại vô hại trên vùng nước lãnh hải thuộc quốc gia ven biển. Đối với các khu vực lãnh hải có eo biển được sử dụng cho hàng hải quốc tế, tàu thuyền và máy bay của các nước được hưởng quyền quá cảnh với quy chế tự do hơn.
Những quốc gia quần đảo được quyền xác định đường cơ sở lãnh hải nối các đảo ngoài cùng thuộc quần đảo; tàu thuyền nước ngoài được phép qua lại vô hại trong vùng nước quần đảo hoặc đi theo các tuyến đường hàng hải do nước quần đảo ấn định. Trong vùng tiếp giáp lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý, quốc gia ven biển được thực thi các quyền về hải quan, tài chính, nhập cư, kiểm dịch y tế và trừng phạt vi phạm.
Nước ven biển được thiết lập vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải và thực thi các quyền chủ quyền và tài phán đối với việc thăm dò, khai thác và bảo vệ các nguồn tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Đồng thời, cho phép các nước không có biển hoặc bất lợi về địa lý được tham gia khai thác một phần dư dôi của các tài nguyên. Nước ven biển cũng có quyền chủ quyền và tài phán đối với một số hoạt động kinh tế khác, bao gồm hoạt động nghiên cứu và bảo vệ môi trường. Các nước khác có quyền tự do hàng hải và hàng không, tự do đặt dây cáp và đường ống dẫn ngầm trong vùng đặc quyền kinh tế.
Nước ven biển có quyền chủ quyền về thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng thềm lục địa với chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải, hoặc có thể mở rộng hơn tại những nơi ranh giới ngoài của thềm lục địa kéo dài quá 200 hải lý, nhưng tối đa không quá 350 hải lý và phải được sự chấp thuận của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (được thành lập theo Phụ lục II trong UNCLOS 1982), đồng thời, phải chia sẻ với cộng đồng quốc tế một phần lợi tức thu được từ việc khai thác tài nguyên ở khu vực thềm lục địa mở rộng.
Tiếp đó, quy chế các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia bao gồm 2 chế độ pháp lý khác nhau. Cụ thể, vùng biển quốc tế theo quy chế tự do biển cả; tài nguyên khoáng sản ở khu vực đáy đại dương được coi là tài sản chung của nhân loại.
Trong quy chế vùng biển quốc tế (biển cả), trên cơ sở nguyên tắc tập quán lâu đời về quyền tự do biển cả, UNCLOS 1982 quy định tất cả quốc gia đều có quyền tự do về hàng hải, hàng không; tự do đặt dây cáp, đường ống dẫn ngầm; tự do nghiên cứu và đánh cá trên các vùng biển quốc tế. Đồng thời, các nước có nghĩa vụ tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác, đảm bảo an toàn hàng hải, hợp tác chống tội phạm.
Các vùng biển quốc tế phải được sử dụng vì mục đích hòa bình và không nước nào được đòi hỏi chủ quyền đối với bất cứ bộ phận nào thuộc vùng biển quốc tế. Đồng thời, có nghĩa vụ ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra.
Mọi quốc gia phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật biển và hợp tác hoặc thông qua các tổ chức quốc tế, khu vực nhằm bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ đa dạng sinh học, chống khai thác quá mức, có các biện pháp ngăn cấm công dân của họ vi phạm các quy định về bảo tồn sinh vật biển.
Mặt khác, đáy đại dương và nguồn tài nguyên vô cùng to lớn trên bề mặt và dưới lòng đất đáy đại dương là tài sản chung của nhân loại. UNCLOS 1982 thiết lập cơ chế pháp lý là Cơ quan quyền lực đáy đại dương thay mặt các quốc gia thành viên kiểm soát và quản lý việc thăm dò, khai thác tài nguyên theo chế độ chung. Cơ quan quyền lực bao gồm Đại hội đồng và Hội đồng, Ban Thư ký, Ủy ban Tài chính. Cơ quan quyền lực còn thành lập pháp nhân gọi là Xí nghiệp đảm nhận các công việc liên quan đến hoạt động khai thác và kinh doanh các sản phẩm khai thác được từ đáy đại dương.
Hợp tác và giải quyết hòa bình các tranh chấp biển
Nguyên tắc nền tảng của UNCLOS 1982 là các nước phải hợp tác giải quyết mọi tranh chấp về giải thích và áp dụng các điều khoản của UNCLOS 1982 bằng các biện pháp hòa bình theo đúng Điều 2, Khoản 3 của Hiến chương Liên hợp quốc, với các thủ tục nêu tại Điều 33, Khoản 1 của Hiến chương.
Giới chuyên gia lưu ý rằng, cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS 1982 chỉ áp dụng đối với tranh chấp tồn tại giữa các nước về phương diện giải thích và áp dụng UNCLOS 1982; các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ lại theo cơ chế khác quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc. Việc đưa vào UNCLOS 1982 các điều khoản bắt buộc về giải quyết tranh chấp biển được coi là một bước tiến lớn của Luật quốc tế, cho phép một quốc gia có thể đơn phương đưa tranh chấp ra giải quyết theo thủ tục hòa giải, trọng tài hoặc tòa án (Tòa án Luật Biển).
Giới chuyên gia chỉ ra rằng, UNCLOS 1982 đã xây dựng được một cơ chế giải quyết tranh chấp với nhiều tầng, vừa bảo đảm quyền tự do lựa chọn của các bên về biện pháp, cơ quan giải quyết tranh chấp, vừa tạo điều kiện thúc đẩy quá trình giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, UNCLOS 1982 cũng đòi hỏi các nước có bờ biển tiếp giáp hoặc đối diện nhau phải tiến hành đàm phán phân định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên cơ sở luật pháp quốc tế và Điều 38 của Quy chế Tòa án Công lý quốc tế nhằm đi đến một giải pháp công bằng. Nếu không đạt được giải pháp trong một thời gian hợp lý, các bên sẽ sử dụng các thủ tục quy định tại phần XV của Công ước; đồng thời có thể cố gắng tìm kiếm giải pháp tạm thời trên tinh thần hiểu biết và hợp tác; nhưng không làm ảnh hưởng tới giải pháp cuối cùng. Như vậy, có thể nói, cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982 đã đi tiên phong trong việc quy định quyền đơn phương khởi kiện của các quốc gia thành viên ra một cơ quan tài phán quốc tế.
Theo giới chuyên gia, UNCLOS 1982 cũng yêu cầu các quốc gia nằm trong khu vực biển kín hoặc nửa kín phải hợp tác cùng nhau trong việc quản lý nguồn tài nguyên sinh vật cũng như trong các chính sách và hoạt động về môi trường và nghiên cứu khoa học. Các quốc gia không có biển được quyền tiếp cận với biển và được tự do quá cảnh ra biển thông qua nước ven biển.