Những trường hợp nên thẳng thắn 'nói không' với yêu cầu làm thêm của sếp
Ôm đồm quá nhiều việc, nhiệm vụ nào được giao cũng sẵn sàng nhận không phải là điều một người khôn ngoan nên làm. Thay vào đó, trước những việc không hợp lý, biết cách từ chối khôn khéo sẽ giúp bạn tự tin và làm chủ công việc hiệu quả hơn.
Theo Harvard Business Review, trước cuộc “Đại khủng hoảng lao động”, nhiều đợt sa thải lớn trên thế giới và xu hướng "nghỉ việc trong im lặng" (quiet quitting), nhiều công ty, tổ chức rơi vào tình trạng thiếu nhân sự. Trong tình hình này, những thành viên còn lại trong công ty thường được giao phó thêm một khối lượng công việc đáng kể. Mặc dù tăng khối lượng công việc có thể tăng hiệu suất và tạo sự thúc đẩy cho từng cá nhân, nhưng về lâu dài, điều đó có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức và ảnh hưởng đến kết quả của cả tập thể.
Sếp giao thêm việc cho bạn khi tổ chức, nhóm thiếu nhân sự không có gì là sai, nhưng có những trường hợp bạn nên “nói không”, từ chối điều này. Dưới đây là 4 trường hợp bạn nên từ chối yêu cầu làm thêm của sếp và cách để thực hiện điều đó một cách duyên dáng và chuyên nghiệp.
Trách nhiệm công việc chính của bạn sẽ bị ảnh hưởng
Giả sử bạn làm việc trong nhóm sản phẩm, nhưng bạn được yêu cầu trợ giúp về tiếp thị và phải dành quá nhiều thời gian để xem xét tài liệu về công việc mới được giao, lúc này công việc chính của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu một nhiệm vụ làm giảm trách nhiệm cốt lõi hoặc sẽ ảnh hưởng đến khả năng của bạn trong việc hoàn thành công việc đạt chất lượng cao mà không đem lại bất kỳ lợi ích mới nào về kỹ năng chuyên môn, tốt nhất bạn nên từ chối và tập trung vào công việc chính của mình.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, khi từ chối, không nên thẳng thừng nói: "Xin lỗi, nhưng việc này không phải trách nhiệm của tôi". Cách tiếp cận tốt hơn là hãy giải thích lý do từ chối của mình theo hướng liên quan đến nhiều người khác, như: “Nếu tôi nhận việc này thì tôi sẽ làm ảnh hưởng tới nhiều người khác”. Hoặc bạn có thể nói nói rằng: "Tôi sợ mình gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc hiện tại, tôi muốn tập trung cho nó". Nghiên cứu cho thấy, cách nói này có thể giúp bạn được xem là người chu đáo và tận tâm.
Đó là công việc của người khác.
Trong thời đại với quy trình làm việc mang tính cộng tác cao, bạn dễ dàng “bị cuốn” vào những công việc không phải là việc của mình. Nếu bạn không ngại làm thêm việc hoặc cảm thấy trách nhiệm đó góp phần vào sự phát triển của mình một cách có ý nghĩa, hãy phác thảo rõ ràng những gì bạn mong muốn nhận được sau khi hoàn thành công việc, chẳng hạn cơ hội được thăng chức, tăng lương, thưởng... Bạn có thể nói: "Trong sáu tháng qua, tôi đã đảm nhận các trách nhiệm A, B và C. Mức thù lao của tôi sẽ được điều chỉnh ra sao để tương xứng với khối lượng công việc được thêm vào như vậy?".
Ảnh minh họa.
Công việc không có chiến lược rõ ràng
Bạn nên chỉ đảm nhận thêm trách nhiệm khi bạn hiểu toàn bộ phạm vi của những gì liên quan. Khi sếp của bạn yêu cầu bạn tham gia vào một dự án mới, hãy hỏi và tìm hiểu các thông tin cụ thể như: Bạn cần tham gia dự án này trong bao lâu? Những cuộc họp nào bạn sẽ phải tham dự?
Nếu sau khi nhận được sự rõ ràng, bạn xác định nó không phù hợp, hãy khéo léo từ chối với sếp rằng: “Cảm ơn sếp rất nhiều vì cơ hội thú vị này, nhưng tôi sẽ thấy áy náy lắm nếu đồng ý nhận việc trong khi bản thân không đủ khả năng hoàn thành công việc một cách tốt nhất”
Ngoài ra, bạn có thể đề xuất giúp đỡ những phần việc nhỏ phù hợp với khả năng. Điều này sẽ giúp bạn “ghi điểm”, chứng tỏ bản thân là một người nhiệt huyết với công việc và có tinh thần đồng đội cao.
Sếp yêu cầu vô lý
Trong trường hợp sếp yêu cầu bạn làm một kế hoạch kinh doanh chỉ trong vòng hai ngày, bạn biết điều đó là không thể thì hãy thử từ chối một cách tích cực. Điều này vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian của mình mà vẫn giữ được mối quan hệ tốt với sếp.
Ảnh minh họa.
Đáp lại yêu cầu của sếp, bạn hãy trả lời bày khéo léo những gì mình có thể thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định: “Tôi không thể hoàn thành toàn bộ yêu cầu trong khoảng thời gian trên nhưng có thể làm một bản nháp, hoặc một phần báo cáo”. Hoặc bạn thể đề nghị điều chỉnh thời gian, ví dụ: "Thứ sáu là không thể nhưng tôi có thể hoàn thành xong và gửi lại sếp vào chiều thứ hai được không?". Ngoài ra, giới thiệu với sếp các cá nhân có thể hỗ trợ hoàn thành cũng là một cách hay.