Những trường hợp phải giảm tốc độ khi tham gia giao thông từ 1/1/2025, theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải

Từ ngày 1/1/2025, dự thảo Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ sẽ chính thức áp dụng nếu được ban hành, trong đó có 13 trường hợp người tham gia giao thông buộc phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn và tránh bị phạt.

Nhằm cụ thể hóa các quy định trong Luật Đường bộ 2024 và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 31/2019/TT-BGTVT.

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là việc quy định rõ 13 trường hợp mà người điều khiển phương tiện cần giảm tốc độ khi tham gia giao thông, nhằm tăng cường an toàn cho tất cả mọi người trên đường.

 13 trường hợp được đề xuất phải giảm tốc độ khi tham gia giao thông từ 1/1/2025.

13 trường hợp được đề xuất phải giảm tốc độ khi tham gia giao thông từ 1/1/2025.

Tại Điều 5 dự thảo Thông tư cũng đã đề xuất quy định 13 trường hợp phải giảm tốc độ khi tham gia giao thông từ 1/1/2025 như sau:

Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc biển báo dành cho người đi bộ hoặc tại nơi người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường: Điều này nhằm bảo vệ an toàn cho người đi bộ, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương như người khuyết tật.

Khi có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc chướng ngại vật trên đường: Những khu vực này tiềm ẩn nguy cơ cao, yêu cầu người điều khiển phương tiện phải cảnh giác và giảm tốc độ để đảm bảo an toàn.

Khi chuyển hướng xe hoặc tầm nhìn bị hạn chế: Việc giảm tốc độ giúp người lái xe có đủ thời gian quan sát và phản ứng với các tình huống bất ngờ.

Tại nơi đường bộ giao nhau với đường bộ khác, đường sắt, đường hẹp, đường vòng, đường quanh co, đường đèo dốc: Những đoạn đường này thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi người lái xe phải cẩn trọng hơn.

Khi đi qua cầu, cống hẹp, đập tràn, đường ngầm, hầm chui: Địa hình phức tạp và không gian hạn chế ở những khu vực này yêu cầu người lái xe giảm tốc độ để tránh xảy ra va chạm.

Khu vực gần trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng đông người, khu dân cư đông đúc, chợ, hoặc khu vực đang thi công, hiện trường vụ tai nạn: Đây là những nơi thường xuyên có đông người qua lại, do đó cần giảm tốc độ để bảo đảm an toàn cho mọi người xung quanh.

Khi có vật nuôi đi trên đường hoặc chăn thả ở ven đường: Động vật có thể di chuyển bất ngờ ra đường, việc giảm tốc độ sẽ giúp người lái xe tránh được va chạm không mong muốn.

Tránh xe đi ngược chiều hoặc khi cho xe phía sau vượt, khi có tín hiệu xin đường hoặc tín hiệu khẩn cấp từ xe khác: Tình huống này đòi hỏi người điều khiển phương tiện phải nhường đường và giảm tốc độ để tránh gây nguy hiểm.

Tại điểm dừng xe, đỗ xe có khách đang lên, xuống: Việc giảm tốc độ giúp bảo vệ an toàn cho hành khách khi lên xuống xe tại các trạm dừng.

Khi gặp xe chở hàng siêu trường, siêu trọng, hàng hóa nguy hiểm hoặc đoàn người đi bộ: Đây là những trường hợp đặc biệt yêu cầu người lái xe phải hết sức thận trọng.

Gặp xe ưu tiên: Khi phát hiện xe ưu tiên như cứu thương, cảnh sát, cứu hỏa đang làm nhiệm vụ, người điều khiển phương tiện cần giảm tốc độ và nhường đường.

Khi điều kiện thời tiết xấu như mưa, gió, sương mù, khói, bụi, hoặc khi đường trơn trượt, lầy lội: Điều kiện đường xá và thời tiết xấu có thể làm giảm tầm nhìn và độ bám đường, đòi hỏi người lái xe phải giảm tốc độ để kiểm soát phương tiện tốt hơn.

Khu vực đang tổ chức kiểm soát giao thông: Khi đi qua những khu vực này, người tham gia giao thông cần chú ý giảm tốc độ theo hướng dẫn để đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định của lực lượng chức năng.

Việc áp dụng các quy định mới về giảm tốc độ trong 13 trường hợp cụ thể này không chỉ giúp bảo vệ an toàn cho người lái xe mà còn đảm bảo sự an toàn cho người đi bộ, xe cộ khác và những người tham gia giao thông trên đường. Nếu không tuân thủ, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo các quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Đức Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-truong-hop-phai-giam-toc-do-khi-tham-gia-giao-thong-tu-1-1-2025-theo-de-xuat-cua-bo-giao-thong-van-tai-post314807.html