NHỮNG TƯỢNG ĐÀI BẤT TỬ
1. Tháng 8 năm 2023, tôi được tham gia một trại sáng tác về bộ đội biên phòng do Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La tổ chức. Theo sự phân công của Ban tổ chức, tôi về Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương để tìm đề tài sáng tác.
Với tôi, một người lính có gần hai mươi năm sống trong quân ngũ, thì đây là cơ hội rất quý để tôi được “trở về” với đồng đội tôi, với những tình cảm thiêng liêng mà chỉ những ai đã từng trải qua mới hiểu, đó là tình cảm của những người lính dành cho nhau “lúc thường cũng như lúc ra trận”[1]. Chính vì vậy tôi trăn trở tìm một đề tài thật chân thực để viết về người lính, viết về những chiến công, sự hy sinh và cống hiến của họ cho đất nước, cho quê hương Sơn La thân yêu của tôi.
Suốt mấy ngày liền, tôi theo chân các chiến sĩ biên phòng lên biên giới. Từ đỉnh núi sau bản Liên Hồng nhìn xuống, dòng sông Mã uốn lượn như một dải lụa mềm, chảy êm đềm bên những thửa ruộng vừa gặt, ánh lên màu rơm rạ. Trên cánh đồng bên kia đường biên, bà con bản Đán đang gặt lúa. Những cô gái Lào đang gom từng đon lúa đưa về bãi đập. Mấy người đàn ông giơ những bó lúa, đập thùm thụp vào những thùng gỗ lớn. Cánh đồng vàng ruộm với những khóm rạ mới cắt, trải dài suốt dọc triền sông. Tiếng mõ trâu lốc cốc trên mấy mỏm đồi phía xa vọng lại. Làn khói mỏng bay lên từ chỗ bọn trẻ con đốt rơm, lượn ngoằn ngoèo trong ánh chiều còn sót lại... Một khung cảnh yên bình, thơ mộng hiển hiện ngay cạnh con đường được thảm nhựa phẳng lỳ men theo sườn núi.
Nếu không có Trạm biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương và Trạm biên phòng cửa khẩu bản Đán của bạn Lào với kiến trúc rất khác biệt phía xa kia, có lẽ chẳng ai biết nơi đây là biên giới. Cũng chẳng ai biết những người nông dân dưới cánh đồng kia là người dân Lào đang giữa mùa gặt. Ngày nối ngày, đêm tiếp đêm, cuộc sống của những người dân nơi đây vẫn yên bình như những xóm làng nằm sâu trong nội địa. Nhưng có những công việc, có những nhiệm vụ mà chỉ những người lính biên phòng mới biết. Để giữ cho cuộc sống này bình yên, giữ cho Tổ quốc hòa bình và hữu nghị, họ đã phải hy sinh, vất vả biết nhường nào.
2. Ngày thứ ba trong chuyến công tác, tôi ngược dốc, lên thắp hương tại “Đài Tưởng niệm Liệt sĩ Bộ đội biên phòng Sơn La” trong khuôn viên của Đồn. Một đài tưởng niệm liệt sĩ giản dị, khiêm nhường với những tấm bia cẩm thạch, khắc rất trang trọng danh tính 53 liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Tôi thắp hương, chắp tay khấn vái, mong các anh phù hộ độ trì cho đất nước thanh bình, quốc thái dân an, quê hương phát triển.
Thắp hương xong, tôi lần tìm tên tuổi, cấp bậc, quê quán và nơi hy sinh của các liệt sĩ trên hai tấm bia dựng trên đài tưởng niệm. Điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên là từ trước tới nay, tôi luôn “mặc định” rằng, tỉnh Sơn La chỉ có biên giới với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, nên bộ đội biên phòng Sơn La chủ yếu chiến đấu và hy sinh trên chiến trường Lào và các tỉnh Tây Bắc. Vậy mà trên hai tấm bia này ghi tên 17 liệt sĩ hy sinh tại chiến trường miền Nam, trong đó có 16 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam trong những năm 1977-1978. Phát hiện này làm cho tôi cảm thấy những suy nghĩ của mình lâu nay là không chính xác.
Đọc kỹ chút nữa, tôi biết thêm một chi tiết, đó là chỉ trong tháng 2 năm 1978, có tới 4 liệt sĩ hy sinh tại tỉnh Sông Bé[2]. Đó là các anh: Hà Duy Báu, Cà Văn Phúc, Nguyễn Văn Đức và Tòng Văn Ộng. Thông tin trên những tấm bia khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện về trận đánh sinh tử, đã đi vào huyền thoại của Đồn Công an Nhân dân vũ trang Hoa Lư năm 1978, mà tôi đã nhắc đến trong cuốn “Rừng Khộp mùa thay lá”[3] tôi đã viết trước đây.
Không biết trong số các anh, có ai hy sinh trong trận đánh này không? Đó là câu hỏi thôi thúc tôi phải tìm câu trả lời.
3.Trở lại cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
Tháng 8/1978, khi vừa thi xong môn cuối cùng của năm thứ ba đại học thì tôi nhận lệnh nhập ngũ. Sau mấy tháng huấn luyện tại Hà Nam, chúng tôi lên tàu rồi sang Campuchia chiến đấu. Đó cũng là giai đoạn đất nước ta đang trải qua những thời khắc hết sức nghiêm trọng. Trên biên giới Tây Nam, tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Xary kéo hàng chục sư đoàn đánh sang các tỉnh giáp ranh của ta. Chúng tàn phá, bắn giết, hãm hiếp dân lành, gây nên cảnh đầu rơi máu chảy ở rất nhiều nơi như Tịnh Biên, Bảy Núi, Ba Chúc (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp). Một phần đất nước đã có chiến tranh. Trước tình hình đó, để chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng tiến công đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot, giải phóng Campuchia, các đơn vị trên tuyến biên giới Tây Nam được tăng cường quân số rất lớn. Đoàn Hà Nội chúng tôi là một trong những đoàn tân binh được đưa vào chiến trường để kịp thời bổ sung cho các đơn vị của Quân khu 7 trước khi chiến dịch mở màn.
Ngày 5/12/1978, từ Đồng Nai, chúng tôi hành quân bằng xe ô tô theo quốc lộ 13 sang Campuchia. Khi đến cửa khẩu Hoa Lư, quang cảnh nơi đây hết sức nhộn nhịp. Bộ đội, thanh niên xung phong khoác súng, đeo lựu đạn quanh người đi lại như mắc cửi. Những kho súng, kho đạn phủ bạt khắp nơi. Hàng dãy xe tăng, xe kéo pháo với bụi đất đỏ quạch đỗ dọc lộ... Cảm giác chiến tranh hiện lên thật rõ ràng. Hỏi chuyện mấy chàng lính cựu, họ nói rằng cách đây mấy tháng, chính tại nơi này, bọn Pol Pot đã sử dụng một lực lượng khoảng gần 2.000 tên, bất ngờ tấn công Đồn Công an Nhân dân vũ trang Hoa Lư. Các chiến sĩ của đồn đã chiến đấu rất dũng cảm, tiêu diệt hàng trăm tên địch, đánh bật hàng chục đợt tiến công của chúng. Nhưng cuối cùng, với lực lượng áp đảo, địch vẫn chiếm được đồn. Ta phải mở đường máu để rút lui. Trên đường rút, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta bị địch sát hại. Rất nhiều người đã anh dũng hy sinh.
Đã nhiều năm trôi qua, câu chuyện về trận đánh của Đồn biên phòng Hoa Lư năm nào dường như đã nằm sâu trong ký ức của tôi. Bởi ngay sau đó, chúng tôi cũng phải lao vào một cuộc chiến với những trận đánh khốc liệt và bi hùng trên khắp đất nước Campuchia. Những địa danh như Kra’tie, Sisophon, Kh’vao Battamboong, Pailin, Cao Melai… là những địa danh thấm bao xương máu của những người lính tình nguyện, để rồi hôm nay chỉ cần nhắc đến thôi, đã khiến rất nhiều người không thể cầm được nước mắt. Những trận đánh một mất một còn giữa ta và địch, cùng những hiểm họa khác như mìn, sốt rét ác tính, bệnh đái huyết sắc tố, những trận đói, trận khát kinh hoàng giữa những cánh rừng biên giới Campuchia - Thái Lan năm xưa đã khiến hàng chục, hàng trăm đồng đội của tôi hy sinh. Các anh đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.
Sau khi thắp hương trở về, tôi trăn trở và tự nhủ rằng: Nhất định phải làm sáng tỏ sự hy sinh của các chiến sỹ bộ đội biên phòng Sơn La trên biên giới Tây Nam năm xưa. Nhất định phải trả lời được câu hỏi: Trong số các liệt sĩ trên những tấm bia kia, có ai tham gia trận đánh của Đồn Hoa Lư mà tôi đã từng nghe trước đây hay không?
Tôi bắt đầu lục tìm sách báo và các loại tài liệu, đọc các cuốn sử của Bộ đội Biên phòng, các tác phẩm văn học viết về những trận đánh trên biên giới Tây Nam để tìm câu trả lời. Và điều bất ngờ đã tới, trên “Báo Biên Phòng” năm 2023có loạt bài “Những tượng đài bất tử trên biên giới” viết về những chiến công của Bộ đội Biên phòng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Bài số 22 ngày 24/7/2023 với tựa đề “Bất khuất Hoa Lư” ghi lại rất chi tiết về trận đánh lịch sử này. Bài báo nhấn mạnh: “Trận chiến đấu quyết tử của Đồn Công an nhân dân vũ trang Hoa Lư, Sông Bé (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Bộ đội Biên phòng Bình Phước) vẫn còn in đậm trong những trang sử vàng chói lọi về tinh thần yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong trận chiến đấu này, 33 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”[4]
Một chi tiết nữa trong bài báo khiến tôi vô cùng xúc động, bởi điều mà tôi linh cảm đã đúng. Đó là đoạn viết về liệt sĩ Lò Văn Phúc và liệt sĩ Nguyễn Văn Đức: “Bộ phận mở đường do Đồn trưởng Nguyễn Văn Vải và Đồn phó Ngô Văn Hát chỉ huy. Bộ phận thứ hai do Chính trị viên Hoàng Yển và Chính trị viên phó Lò Văn Phúc phụ trách.”[5]. Tiếp đó: “Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Đức (quê ở Yên Châu, tỉnh Sơn La) bị thương nặng, biết mình không qua khỏi vẫn không quên dặn đồng đội, nếu về đến đơn vị, hãy báo cấp trên rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ, quyết không để bị giặc bắt...”[6]
Đây rồi. Các anh đây rồi. Tôi reo lên một mình. Mừng vui khôn xiết, nhưng rồi lại bụm miệng bởi sự vô duyên của mình. Vậy là trận đánh oai hùng và khốc liệt tại Đồn Hoa Lư ngày 28/2/1978 có sự đóng góp của các chiến sĩ bộ đội biên phòng Sơn La đúng như linh cảm của tôi mách bảo.
Nhưng đến đây, những câu hỏi khác lại xuất hiện, đó là tại sao bộ đội biên phòng Sơn La lại tham gia chiến đấu, hy sinh tại Sông Bé, Đắc Lắc và Kiên Giang trong những năm đó? Ngoài hai anh Lò Văn Phúc và Nguyễn Văn Đức, còn ai nữa đã hy sinh trong trận đánh này? Còn những ai đã từng chiến đấu và trở về, hiện đang sống ở Sơn La mà tôi chưa biết? Tôi trăn trở với những câu hỏi ấy. Gặp ai tôi cũng chia sẻ những suy nghĩ của mình.
Rồi cuối cùng, phép màu đã tới, tôi đã gặp anh, một con người bằng xương bằng thịt. Anh là Cao Xuân Khánh. Anh Khánh nguyên là Trung đội trưởng Trung đội trinh sát vũ trang của Đồn biên phòng Hoa Lư, người đã trực tiếp tham gia trận đánh ngày 28/2/1978 và may mắn trở về, hiện đang sống tại phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La. Khi nghe tôi hỏi về trận đánh của Đồn biên phòng Hoa Lư, anh Khánh bùi ngùi: Suốt từ sáng đến chiều ngày 28/2/1978, địch liên tục tiến công. Ngay những loạt pháo đầu tiên, toàn bộ nhà cửa, doanh trại của đồn cháy hết. Anh em đã chiến đấu rất dũng cảm… Nhưng đến chiều, đạn hết, nước hết, lương thực hết, quân tăng viện không tới được, tình hình trở nên hết sức nguy cấp. Khi có lệnh mở đường máu rút lui, tôi cùng 3 chiến sỹ nữa phá vây rồi bị lạc trong rừng Lộc Tấn. Mãi sáu ngày sau, chúng tôi mới tìm được đường về đơn vị. Sau khi địch rút, đồng đội tôi thấy một xác chết đã trương phình, không thể nhận dạng nên họ nghĩ đó là tôi. Họ đã chôn xác chết trong nghĩa trang của đồn và cắm lên mộ một tấm biển bằng gỗ khắc tên “Cao Xuân Khánh"…
Sau 12 năm quân ngũ, lăn lộn suốt dải biên giới Việt Nam – Campuchia và sau đó là biên giới Campuchia - Thái Lan, năm 1987, với quân hàm thượng úy, anh Cao Xuân Khánh chuyển ngành về công tác tại Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La, sau đó là Hội Nông dân tỉnh và nghỉ hưu năm 2013.
Cuộc nói chuyện với anh Khánh đã làm rõ hơn những điều tôi còn băn khoăn lâu nay. Đó là ngay từ tháng 3/1975, khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đang diễn biến hết sức khẩn trương, thực hiện lệnh của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Ban chỉ huy Công an Nhân dân vũ trang Sơn La đã điều động gần 500 cán bộ, chiến sĩ từ các đồn biên phòng của tỉnh lên đường vào Nam chiến đấu. Khi lực lượng của Sơn La vào đến miền Đông Nam Bộ thì Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất. Các anh được biên chế về các đồn biên phòng dọc các tỉnh biên giới Tây Nam. Anh Khánh cùng các anh Ngô Văn Hát, Vì Văn Ay, Tòng Văn Ộng, Nguyễn Văn Đức, Cà Văn Phúc, Hà Duy Báu, Vũ Minh Đức, Vì Văn Cớn và một số anh em nữa được điều động, tăng cường cho bộ đội biên phòng tỉnh Sông Bé. Một số anh em khác được tăng cường cho tỉnh Tây Ninh, Kiên Giang và Đắc Lắc. Năm 1977, bộ đội biên phòng Sơn La lại có một đợt tăng cường nữa cho các tỉnh biên giới Tây Nam. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng Sơn La lại xung phong lên đường vào Nam chiến đấu.
Như vậy là ngoài anh Khánh và 17 liệt sĩ biên phòng hi sinh trên biên giới Tây Nam, còn hàng trăm cán bộ, chiến sỹ nữa đã từng được điều động từ Sơn La vào miền Nam chiến đấu trong những năm từ 1975 đến năm 1977.
Trở lại trận đánh của Đồn Biên phòng Hoa Lư ngày 28/2/1978. Qua tài liệu và lời kể của anh Cao Xuân Khánh, trận đánh sinh tử ấy được tái hiện hết sức rõ ràng:
Nhằm bao vây, tiêu diệt Đồn Hoa Lư, tối 27/2/1978, một trung đoàn tăng cường của Pol Pot, với lực lượng gần 2000 tên, được sự yểm trợ của pháo binh Sư đoàn 260 đã bí mật bao vây Trạm kiểm soát và đồn biên phòng của ta. Rạng sáng ngày 28/2, nhận thấy địch đã vây sát đồn và đang đào hầm hào chiến đấu, Thượng úy Đồn trưởng Nguyễn Văn Vải lệnh cho bộ đội đồng loạt nổ súng, đánh vỗ mặt quân địch. Bị tổn thất nặng nề, quân Pol Pot bắn trả quyết liệt. Ngay trong những loạt pháo đầu tiên, toàn bộ doanh trại của đồn bị lửa pháo thiêu rụi. Quân Pol Pot ồ ạt tấn công vào đồn...
Dựa vào hệ thống công sự vững chắc, tập thể cán bộ chiến sĩ trong đồn đã triển khai đội hình phòng ngự, kiên quyết tiêu diệt địch. Sau hơn 10 lần tổ chức tiến công đều bị ta đánh chặn quyết liệt, địch tạm dừng để củng cố đội hình. Chiều hôm đó, chúng tiếp tục tiến công nhưng cũng bị ta đánh trả, hàng chục tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. Về phía ta, do lực lượng dần bị tiêu hao, đạn đã hết, bồn đựng nước của đồn bị đạn pháo địch bắn thủng nên nước uống cũng hết. Trong khi đó, lực lượng tăng cường gồm 2 đại đội vũ trang của tỉnh Sông Bé và Tiểu đoàn Phú Lợi cơ động đến chi viện cho đồn bị địch chặn đánh quyết liệt, không thể tiếp cận được đồn... Trước tình hình đó, 16 giờ ngày 28/2, cấp trên ra lệnh cho đồn mở đường máu, rút về vị trí dự phòng, củng cố lực lượng, chờ cơ hội phản công giành lại đồn.
Sau khi thu gom liệt sĩ, cất giấu và hủy hết tài liệu, đơn vị tổ chức thành 2 bộ phận bí mật rút khỏi đồn. Bộ phận mở đường do Đồn trưởng Nguyễn Văn Vải và Đồn phó Ngô Văn Hát chỉ huy. Bộ phận thứ hai do Chính trị viên Hoàng Yển và Chính trị viên phó Lò Văn Phúc phụ trách. Khi bộ phận đi đầu rút ra cách đồn hơn 400m thì đụng địch phục kích, Đồn trưởng Nguyễn Văn Vải và một số cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Số còn lại chia nhau thành từng tốp 2 đến 3 người, lợi dụng địa hình địa vật, vừa rút vừa chiến đấu, đánh trả quân địch.
Trong trận đánh không cân sức này xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu hết sức dúng cảm, ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ của đồn. “Khi súng cối 82mm hết đạn, xạ thủ, hạ sĩ Bùi Minh Tiến (quê ở Xuân Thủy, Hà Nam) dùng súng bắn tỉa để đánh trả quân địch. Anh đã hy sinh trong tư thế chiến đấu ngay trên chiến hào khi vừa bước qua tuổi 24. Trung sĩ Phạm Nhật Lệ dũng cảm bắn đến 17 quả B40, tiêu diệt nhiều tên địch. Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Đức (quê ở Yên Châu, tỉnh Sơn La) bị thương nặng, biết mình không qua khỏi vẫn không quên dặn đồng đội: Hãy báo với cấp trên rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ, quyết không để bị giặc bắt...”[7]
Mặc dù chỉ có 68 con người, phải chống trả một lực lượng địch đông gấp hàng chục lần, nhưng những cán bộ chiến sĩ Đồn Công an Nhân dân vũ trang Hoa Lư đã kiên cường chiến đấu, kiên quyết bám trận địa, đánh lui hàng chục đợt tấn công của chúng, tiêu diệt 107 tên địch. Về phía ta, 33 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và 13 người bị thương. Các anh là những tấm gương sáng, thể hiện cao đẹp chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Sau khi địch chiếm được đồn 3 ngày, ngày 1/9/1978, ta đã tổ chức phản công, đánh đuổi địch, buộc chúng phải tháo chạy về bên kia biên giới.
Để xác minh chính xác thông tin về những cán bộ, chiến sĩ biên phòng Sơn La tham gia trận đánh quyết tử của Đồn Hoa Lư ngày 28/2/1978, tôi đã trực tiếp liên hệ với Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước và qua các anh, liên hệ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhờ các anh chụp lại tấm bia ghi danh các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh này, hiện được dựng tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư để đối sánh. Nhận được đề nghị của tôi, anh Trương Văn Thi, Chánh Văn phòng Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước đã giúp đỡ hết sức nhiệt tình. Ngay ngày hôm sau, tôi đã có trong tay tấm ảnh chụp tấm bia này.
Khi đặt ba tấm ảnh chụp những tấm bia tại hai đài tưởng niệm liệt sĩ tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư cạnh nhau, danh tính của các liệt sĩ bộ đội biên phòng Sơn La hy sinh trong trận đánh ngày 28/2/1978 đã được xác định. Đó là các anh: Thượng sĩ Hà Duy Báu (xã Chiềng Khoa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); Trung sĩ Cà Văn Phúc Chính trị viên phó (xã Chiềng Cọ, huyện Mường La - nay là thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La); Thượng sĩ Nguyễn Văn Đức, Tiểu đội trưởng (xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) và Thượng sĩ Tòng Văn Ộng, Tiểu đội trưởng (xã Chiềng Ngần, huyện Mường La - nay là thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La).
Các anh Ngô Văn Hát (Đồn phó) và Cao Xuân Khánh (Trung đội trưởng trung đội trinh sát vũ trang) là hai trong số các chiến sĩ biên phòng Sơn La tham gia trận đánh này may mắn trở về. Anh Ngô Văn Hát, người Chiềng Khương, huyện Sông Mã, sau khi trở về từ biên giới Tây Nam tiếp tục công tác nhiều năm trong lực lượng biên phòng Sơn La, anh là Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương trước khi nghỉ hưu và đã mất năm 2023 vì bạo bệnh.
Sau khi nghiên cứu chiến lệ của trận đánh và tham khảo ý kiến của một số đồng đội, tôi phát hiện ra một số sai sót trên những tấm bia này, rất cần được chỉnh sửa để trả lại đúng danh tính các anh. Đó là: Liệt sĩ Hà Duy Báu, tại tấm bia của Đài tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư ghi là Hà Huy Báu; Liệt sĩ Tòng Văn Ộng, tại tấm bia của Đài tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư ghi là Tòng Văn Ong. Trận đánh quyết tử của đồn Hoa Lư diễn ra ngày 28/2/1978, nhưng tại tấm bia của Đài tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương ghi ngày hy sinh của Liệt sĩ Tòng Văn Ộng là 10/2/1978; của Liệt sĩ Nguyễn Văn Đức là 20/2/1978.
Về chức vụ khi hy sinh, tại tấm bia của Đài tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư ghi liệt sĩ Cà Văn Phúc là Chính trị viên phó. Nhưng tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương lại ghi chức vụ là tiểu đội phó…
Theo chỉ dẫn của anh Cao Xuân Khánh, ngày 8/8/2024, tôi đã tìm về gia đình của liệt sĩ Tòng Văn Ộng tại bản Noong La, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La. Bố anh, cụ Tòng Văn Xí nay đã 96 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, cụ kể: Là con cả của gia đình có đến 13 anh em, anh Ộng rất chăm học, anh học hết lớp 10 rồi đi học sư phạm. Khi ra trường, anh làm giáo viên của Trường nội trú huyện Mường La. Năm 1975, anh đi bộ đội, năm 1978, gia đình nhận được giấy báo tử. Cách đây hơn 20 năm, gia đình đã vào tỉnh Bình Phước, đưa thi hài anh về an táng tại nghĩa trang của bản. Tấm ảnh Liệt sĩ Tòng Văn Ộng trên ban thờ của gia đình ghi ngày hy sinh của anh là 9/2/1978 (tức ngày 3/1 Mậu Ngọ).
Những thông tin trên của Liệt sĩ Tòng Văn Ộng và các liệt sĩ biên phòng Sơn La trên đây là những tư liệu rất sống động và rất rõ ràng, khẳng định sự hy sinh, đóng góp của những chiến sĩ biên phòng Sơn La trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Nhưng do thông tin sai lệch, gia đình các anh đang tổ chức cúng giỗ không đúng ngày hy sinh của các liệt sĩ.
Đất nước ta đã trải qua bao cuộc chiến tranh. Để có giang sơn thu về một mối, đất nước thống nhất, thanh bình và phát triển như ngày hôm nay, hàng triệu người con đất Việt đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ Quốc. Hàng triệu người lính rời cuộc chiến trở về cơ thể không lành lặn; hàng vạn gia đình vẫn mong ngóng được tìm thấy phần mộ của liệt sỹ... Sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử.
“Thân nằm xuống thành đất đai Tổ Quốc
Hồn bay lên hóa Linh khí Quốc gia”[8].
Trước khi lao vào trận đánh, người lính không toan tính gì, không đòi hỏi điều gì. Nhưng lịch sử nhất định phải nhắc đến họ. Đó chính là lòng biết ơn, sự tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ đã hy sinh thân mình, góp phần để Tổ quốc ta trường tồn và phát triển hôm nay. Những đóng góp và sự hy sinh của họ phải được lịch sử ghi nhận. Những nhân chứng, vật chứng về các liệt sĩ bộ đội biên phòng Sơn La trên biên giới Tây Nam nói chung và trong trận đánh sinh tử ngày 28/2/1978 của Đồn Công an Nhân dân vũ trang Hoa Lư rất cần được ghi trong Lịch sử bộ đội Biên phòng Sơn La cũng như Lịch sử Quân sự tỉnh Sơn La. Đó là sự tưởng nhớ, tri ân các anh và góp phần tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về trách nhiệm và bổn phận của mình với quê hương, đất nước.
Từ những thông tin này, tôi mong Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Phước kiểm tra, xác định chính xác tên tuổi, chức danh, ngày hy sinh của một số liệt sĩ trên những tấm bia tại hai đài tưởng niệm nêu trên; chỉnh lý lại những sai sót, đảm bảo tính chính xác thông tin của các anh, để gia đình thờ cúng các anh đúng ngày các anh hy sinh, giúp linh hồn các anh được thỏa nguyện.
Từ Sông Mã trở về, lòng tôi vui phơi phới. Ngồi trên xe, tôi khe khẽ đọc những vần thơ tôi viết về cuộc đời người lính:
“Thế hệ chúng tôi đã đi qua chiến tranh
nếm trải bao ngọt bùi, cay đắng.
cõng bạn trên lưng mà lòng trĩu nặng
nỗi đau
đồng đội, chiến binh...
Nay trở về với hai chữ "Nhân dân"
chúng tôi đang sống thêm phần đồng đội
họ đã chết để cho mình ở lại...
món nợ ân tình biết trả được hay không?
Hãy giữ gìn ân nghĩa trong lòng
hãy biết ơn những người nằm xuống
hãy xứng đáng với những ngày được sống
và đừng bao giờ quên, ngày ấy - lũ chúng tôi…
Chú thích:
[1] Trích lời thề thứ 7 trong “Mười lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam
[2] Nay được tách thành hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương
[3] Nguyễn Vũ Điền: Rừng Khộp mùa thay lá, nxb Trẻ; 2019.
[4][5] [6][7] Báo Biên phòng online; Cơ quan của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng ngày 24/7/2023; Trang thông tin điện tử; Cơ quan của Ban Chỉ đạo thông tin Đối ngoại, ngày 24/7/2023, Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 22).
[8] Câu đối của Đại tá, Nhà báo, Nhà Văn, Chủ tịch Hội HTGĐLS TP. Hồ Chí Minh
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phong-su/nhung-tuong-dai-bat-tu-GMGPQ1SHg.html