Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 25)
Thời gian sau này, Pol Pot cũng đã nhiều lần tấn công Đồn CANDVT Đắk Đam, nhưng chúng đều bị ta đánh cho tơi tả, phải rút chạy về bên kia biên giới. Với những thành tích và chiến công đạt được trong chiến đấu bảo vệ biên giới, tháng 8/1978, Đồn CANDVT Đắk Đam vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Nhiều cá nhân được lãnh đạo các cấp khen thưởng.
Bài 25: Linh hoạt, mưu trí chiến đấu đập tan các cuộc tấn công của địch
Cùng với các đồn, đơn vị Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) khác trong tỉnh, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) 2 đồn CANDVT Đắk Đam và Trương Tấn Bửu đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, dũng cảm, mưu trí chiến đấu đập tan các cuộc tấn công của kẻ thù, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Sẵn sàng xả thân để bảo vệ Tổ quốc
Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Đắk Đam (tiền thân là Đồn CANDVT Đắk Đam), BĐBP Đắk Nông được xây dựng khang trang trong khuôn viên rộng rãi, có trồng nhiều hoa trái trông rất đẹp mắt. Trung tá Bùi Huy Triệu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắk Đam cho hay, nhà bia được xây dựng từ nguồn kinh phí tự cân đối của đơn vị và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhân dân trong địa bàn và các mạnh thường quân. Sở dĩ chọn vị trí xây dựng gần đồn là để tiện bề chăm sóc, hương hoa cho hương hồn các liệt sĩ được chu đáo.
“Mỗi tháng đôi rằm hoặc vào các ngày lễ, tết, đơn vị đều có đĩa trái cây, bó hoa dâng lên để tưởng nhớ các chú, các anh đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Đó cũng là cách giáo dục truyền thống cho các lớp CBCS của đơn vị” - Trung tá Triệu chia sẻ.
Trên tấm bia của đơn vị ghi danh 18 liệt sĩ hy sinh trong giai đoạn chiến đấu bảo vệ biên giới (năm 1978 và 1979). Thật xúc động khi mỗi người mỗi quê, từ Hà Tây, Lạng Sơn, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Đắk Lắk nhưng đã vĩnh viễn hóa thân vào vùng đất biên cương phía Nam Tây Nguyên của Tổ quốc. Đại tá Phạm Văn Hòa, nguyên Chính ủy BĐBP Đắk Nông nhớ lại: "Để phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giữ gìn an ninh chính trị địa bàn, cuối năm 1975, Đồn CANDVT Đắk Đam được thành lập với phiên hiệu 679. Phần lớn CBCS của đồn được tăng cường từ CANDVT tỉnh Sơn La và Tiểu đoàn 12 cơ động của Bộ Tư lệnh CANDVT...".
Đồn CANDVT Đắk Đam được giao quản lý đoạn biên giới dài 25km, thuộc xã Đắk Lao, huyện Đức Lập, tỉnh Quảng Đức (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông ngày nay). Nhiệm vụ lúc đó của đơn vị là chống địch xâm nhập từ ngoài biên giới vào nội địa và ngược lại. Chống địch câu kết móc nối, gây rối, gây bạo loạn ở khu vực biên phòng. Đấu tranh chống bọn phản động FULRO, truy quét bọn phản động, đập tan âm mưu, thủ đoạn của chúng, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Ngày 8/2/1978, địch bất ngờ dùng pháo bắn cấp tập rồi huy động một trung đoàn, chia thành 4 mũi bao vây Đồn Đắk Đam và Đại đội 5 CANDVT. Pháo vừa chuyển làn, bộ binh của chúng nhanh chóng từ bốn phía bao vây, áp sát đồn và dùng các loại mìn phá vật cản, mở cửa cho bộ binh tràn lên.
Đại tá Nguyễn Đình Chí, nguyên Đồn trưởng Đồn CANDVT Đắk Đam nhớ lại: "Trận chiến đấu diễn ra bất ngờ và ác liệt. Doanh trại và nhiều quân trang, quân dụng của ta bị pháo kích thiêu cháy ngay từ loạt đạn đầu. Nhưng với tinh thần “Thà hy sinh chứ không chịu mất nước...”, CBCS ta đã chiến đấu dũng cảm, đập tan âm mưu xâm lấn của địch, đẩy chúng về bên kia biên giới... Trong trận chiến ác liệt này, để giữ vững mảnh đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc, 18 CBCS của đồn và Đại đội 5 CANDVT đã anh dũng hy sinh".
Thời gian sau này, Pol Pot cũng đã nhiều lần tấn công Đồn CANDVT Đắk Đam, nhưng chúng đều bị ta đánh cho tơi tả, phải rút chạy về bên kia biên giới. Với những thành tích và chiến công đạt được trong chiến đấu bảo vệ biên giới, tháng 8/1978, Đồn CANDVT Đắk Đam vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Nhiều cá nhân được lãnh đạo các cấp khen thưởng.
Vững vàng Trương Tấn Bửu
Nằm cách Bu Prăng khoảng 25km, ngay từ khi mới thành lập, Đồn CANDVT Trương Tấn Bửu (nay là Đồn Biên phòng Tuy Đức, BĐBP Đắk Nông) đã phải đối mặt với các hoạt động khiêu khích, xâm chiếm biên giới của quân Pol Pot. Theo Đại tá Lê Văn Thông, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Nông: “Chúng ngang nhiên xây dựng lán trại ngay gần khu vực do đồn quản lý để dò la nắm tình hình, ban đêm lại rút về bên kia biên giới”...
Với ý đồ “nhổ” sạch các đơn vị vũ trang của ta trên biên giới rồi tấn công sâu vào nội địa, quân Pol Pot đã nhiều lần bắn phá, tấn công vào Đồn CANDVT Trương Tấn Bửu nhưng đều bị thất bại. “Từ tháng 11/1975 đến tháng 12/1976, Pol Pot đã 60 lần vi phạm chủ quyền biên giới của Việt Nam, trong đó, 18 vụ nổ súng, 2 lần tập kích bất ngờ vào chốt C2; Đồn Trương Tấn Bửu và Đồn Pu Prăng, làm một số đồng chí bị thương và hy sinh, cướp đi gần 2 tấn lương thực, thực phẩm và một số đạn dược...” - Đại tá Lê Văn Thông cho biết.
Ngày 14/1/1977, Pol Pot huy động 2 tiểu đoàn, lợi dụng đêm tối tập kích vào 2 đồn CANDVT Trương Tấn Bửu và Bu Prăng. Tại khu vực Đồn Trương Tấn Bửu, chúng dùng súng B40, M79 bắn cấp tập vào doanh trại, kho tàng. Ngay từ đầu, đã có 2 đồng chí hy sinh, hệ thống thông tin liên lạc của đồn bị hỏng. Ở khu vực chốt C2 (cách đồn 2km theo đường chim bay) cũng bị địch tấn công bất ngờ làm 4 đồng chí hy sinh.
Do lực lượng của chúng khá đông, vũ khí mạnh, nên anh em ở chốt C2 buộc phải rút ra vòng ngoài. Quyết không để mất chốt, trưa ngày 14/1/1977, Ban chỉ huy Đồn CANDVT Trương Tấn Bửu đã tổ chức lực lượng, phối hợp hiệp đồng tác chiến với đơn vị bạn, đánh bật quân Pol Pot ra khỏi khu vực biên giới, chiếm lĩnh trận địa và đưa toàn bộ thương binh, liệt sĩ về tuyến sau.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh CANDVT về việc kiên quyết đánh trả, đập tan âm mưu tấn công lấn chiếm qua biên giới của địch, CBCS Đồn CANDVT Trương Tấn Bửu vừa tập trung củng cố lực lượng, hệ thống hầm hào, vừa nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù. Ngày 4/4/1978, địch tập trung lực lượng bao vây Đồn Trương Tấn Bửu và Đồn Bu Prăng. Bộ binh của chúng tràn lên chiếm các mỏm đồi quanh khu vực, cuộc chiến dấu giữa ta và địch ngày càng căng thẳng và quyết liệt, đường dây liên lạc giữa đồn với trên bị chúng cắt đứt.
Tối ngày 16/4/1978, địch sử dụng 2 đại đội tấn công vào chốt C2. Lực lượng ta ở trên chốt C2 chỉ có 18 người, do Thiếu úy Nguyễn Đức Thiện chỉ huy, nhưng với tinh thần cảnh giác cao độ và ý chí quyết tâm tiêu diệt địch, ta đã bắn chết nhiều tên, buộc chúng phải tháo chạy vào lúc 2 giờ sáng ngày 17/4/1978. Như vậy là sau hơn 10 ngày giao tranh ác liệt ở cả hai khu vực Trương Tấn Bửu, địch bị đánh bại phải rút chạy về bên kia biên giới. Để giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, 13 CBCS Đồn CANDVT Trương Tấn Bửu đã vĩnh viễn nằm lại nơi miền biên viễn Đắk Nông khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn mới ngoài 20 tuổi, nhiều người trong số các anh chưa có người yêu...
Lập nhiều thành tích trong chiến đấu bảo vệ biên giới, trong 2 năm 1978-1979, Đồn CANDVT Trương Tấn Bửu được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; được Bộ Tư lệnh CANDVT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen.