Những tỷ phú làm bí thư, trưởng bản khi mới đôi mươi
Trước đây, tại nhiều bản, xã khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc, những người có uy tín thường là già làng, trưởng bản sống lâu năm, có kinh nghiệm. Nhưng nay, lớp trẻ được đào tạo bài bản, được trao cơ hội để thay thế. Sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ nhanh chóng tạo sức lan tỏa và sự ảnh hưởng đã giúp Mường Tè có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Đào tạo bài bản, gần dân và thân dân
Trên đường trở lại trung tâm huyện Mường Tè chúng tôi được nghe một câu chuyện đặc biệt về người La Hủ ở miền biên viễn. Đó là những bản làng người La Hủ ở xã Bum Tở đang ngày một thay đổi, phát triển nhờ những “hạt nhân” trẻ được bầu làm bí thư, trưởng bản dám nghĩ, dám làm.
Xã Bum Tở là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc La Hủ. Một thời, nơi đây từng bất ổn bởi “cơn lũ đen” (thuốc phiện) hoành hành. Nhưng nay, Bum Tở đã thay da đổi thịt. Đến xã Bum Tở những ngày này không còn những núi đồi xơ xác, nương trắng bạc màu. Những thửa ruộng, sườn đồi đã phủ kín một màu xanh tít tắp của quế, sa nhân, bừng bừng sức sống trên khắp rẻo cao Tây Bắc.
Dừng chân bên đường, hỏi nhà Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Nậm Xả, Vàng Giá Chừ, người dân chỉ đến căn nhà 3 tầng đang xây lớn nhất bản ngay mặt quốc lộ. Ngoài sinh sống, đây là nơi anh Chừ thu mua nông sản của người dân trong bản rồi xuất bán cho thương lái nên ai cũng biết. Anh Chừ năm nay 35 tuổi, người cao to, săn chắc, khuôn mặt toát lên vẻ hiền hậu, thật thà chân chất.
“Bước đầu đội ngũ bí thư, trưởng bản trẻ này đã phát huy vai trò, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán của địa phương. Bí thư, trưởng bản không chỉ phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mà còn gần gũi, sâu sát với nhân dân, tạo sự đồng thuận, xây dựng bản làng đoàn kết, bình yên, cùng giữ vững niềm tin giữa dân với Đảng”.
Ông Trần Đức Hiển, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Tè
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh được kết nạp Đảng. Sau đó, anh đi học lớp dự bị đại học, đến 2016 thì tốt nghiệp ngành Dược trường ĐH Dược Hà Nội. Anh về quê kinh doanh buôn bán nông lâm sản. Tháng 3/2018, anh được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng bản, rồi sau đó được bầu tiếp làm Bí thư Chi bộ bản Nậm Xả.
Năm 2017, khi Nhà nước có chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Chừ mạnh dạn đầu tư trồng hơn 14ha quế. Nay vườn quế của anh đã có cây to như bắp đùi, thương lái đến hỏi mua nhưng anh chưa muốn bán. Ước tính, mỗi ha quế thu về khoảng 700 triệu đồng, như vậy 14ha của anh Chừ có thể thu về gần chục tỷ đồng. Ngoài quế, anh Chừ còn trồng gần 2ha cây dổi, 8 sào cây dê gừng (loại cây lấy gỗ có mùi gừng). “Những ngày bắt đầu trồng quế, huyện có cử người lên hướng dẫn. Sau này tôi trau dồi, học hỏi kiến thức thêm qua internet. Ở đây, thực tế cũng khác so với sách vở và mình phải vận dụng linh hoạt. Kinh nghiệm này cũng cần nhanh chóng chuyển thành ý kiến với lãnh đạo huyện và hướng dẫn cho người dân trong bản để đạt hiệu quả cao.
Theo anh Chừ, hiện nay, ngoài trồng quế, thu nhập chính của gia đình anh từ chăn nuôi bò, dê, lợn, mỗi loại khoảng chục con. Ngoài ra, hàng ngày, anh thu mua riềng, măng và các loại nông sản theo mùa của bà con rồi sơ chế, sau đó thương lái đến mua lại. Doanh thu trung bình mỗi năm hơn 150 triệu đồng. Với khối lượng công việc lớn, gia đình anh còn tạo công ăn việc làm cho hơn chục lao động là người trong bản (có thời điểm lên đến gần 40 người) để dọn dẹp, chăm sóc quế, thảo quả. Trung bình, anh trả công cho một người 200 nghìn đồng/ngày.
Nói về công việc ở địa phương, anh Chừ bảo: “Lúc đầu tham gia làm cũng khó vì trình độ dân trí ở bản không đồng đều. Với đặc thù của người La Hủ, nếu trưởng bản không có tư duy tốt, không tuyên truyền được là họ không nghe theo. Nhưng mình quyết tâm thì sẽ làm được. Tuy mình còn trẻ nhưng nói có lý, có tình thì họ nghe. Làm bí thư phải lo nhiều công việc liên quan đến giấy tờ, còn trưởng bản thì phải đi lại nhiều để xử lý, kiểm tra nương rẫy. Bà con trong bản có chuyện gì xảy ra thì trưởng bản là người đầu tiên xử lý. Muốn nói được người khác thì trước tiên mình phải làm được đã. Cũng như làm kinh tế, mình phải giỏi thì người ta mới làm theo”. Rồi anh Chừ cũng kể về việc phát triển đảng viên ở cơ sở bằng cách phát hiện những học sinh tốt nghiệp PTTH chưa đi làm, có tư tưởng tốt, có chí hướng, tận tình với người dân. Anh theo dõi, lựa chọn rồi giới thiệu lên Đảng ủy xã xem xét.
Xây dựng bản làng đoàn kết
Chị Phùng Giò Xó, Bí thư Chi bộ bản Phìn Khò (xã Bum Tở) là lãnh đạo trẻ tuổi khác ở Bum Tở. Những thước ruộng bạc màu, kém hiệu quả trước kia đã được chị Xó chuyển sang trồng quế, xen riềng. Tính sơ sơ, gia đình chị có trên 4ha quế, cùng nhiều diện tích cây riềng. Ngoài ra, chị còn chăn nuôi trâu bò, dê nên đời sống ngày càng khấm khá. Từ một hộ gia đình trẻ khó khăn, chị Xó đã vươn lên trở thành người khá giả nhất bản. Có điều kiện kinh tế chị Xó đã không ngại chia sẻ cách làm ăn và giúp các hộ dân bản cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế. Chị Xó được bà con dân bản mỗi ngày thêm quý mến và tín nhiệm bầu giữ chức trưởng bản khi mới 23 tuổi. “Ban đầu, khi được giao nhiệm vụ tôi cũng có chút rụt rè sợ không đảm đương được. Nhưng quá trình làm, nói người dân thấy đúng nên tin tưởng, chỗ nào chưa đúng thì người dân sẽ góp ý cho mình sửa. Nhất là làm kinh tế, thấy mình làm tốt thì mọi người học theo. Lúc đầu, thấy mình trồng riềng có thu nhập tốt, họ trồng theo vài sào, rồi dần dần trồng cả héc ta”, chị Xó chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy xã Bum Tở Lý Anh Sinh cho hay, ngoài chị Xó, anh Chừ, Bum Tở có 100% bí thư, trưởng bản có năm sinh từ 1985 đến 1999. “Đây là những người được đào tạo bài bản, qua trường lớp, có năng lực, năng khiếu trong làm ăn, tuyên truyền. Bí thư, trưởng bản đều là do người dân bầu vì thế họ phải là những người tiêu biểu và được nhân dân tín nhiệm”, ông Sinh nói.
Nói về chủ trương này, ông Trần Đức Hiển, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Tè cho biết, kể từ nhiệm kỳ này, từ thực tiễn, huyện đã xây dựng kế hoạch tạo nguồn cán bộ phải có kiến thức, kinh nghiệm đáp ứng nhiệm vụ được giao, nhất là các dân tộc đặc biệt khó khăn như đồng bào La Hủ. Bản thân những hạt nhân trẻ được lựa chọn cũng phải tốt mới làm gương, rồi phải nói khéo thì bà con mới nghe.