Những tỷ phú USD này đã phá sản như thế nào
Một số tỷ phú USD từng mất sạch tiền bạc hoặc tuyên bố phá sản. Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ bao gồm suy thoái kinh tế, đầu tư sai lầm và thậm chí cả hành vi lừa đảo.
Patricia Kluge tận hưởng cuộc sống thượng lưu trước khi mất tất cả do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra. Bà gặp người chồng thứ hai - tỷ phú John Kluge - trong một chuyến đi tới thành phố New York. Từng sở hữu 5 tỷ USD, John Kluge đã cưới Patricia vào năm 1981. Chín năm sau, 2 người ly hôn và Patricia Kluge nhận được khoản trợ cấp 1 triệu USD mỗi năm và bất động sản Albemarle khổng lồ. Bà và người chồng thứ ba William Moses mở nhà máy rượu vang và vườn nho trên mảnh đất rộng hơn 3,8 triệu m2. Việc kinh doanh thành công, rượu vang của Kluge được phục vụ tại đám cưới con gái của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Tuy nhiên, sau một loạt vụ đầu tư tồi tệ ngay trước khi thị trường nhà đất sụp đổ, Kluge mất tất cả. Năm 2011, nhà máy rượu Albemarle được Tổng thống Donald Trump mua lại với giá rẻ mạt. Patricia bán đấu giá tất cả đồ trang sức để cứu lấy cơ đồ, nhưng không thành công. Tháng 6/2011, bà nộp đơn xin phá sản. Ảnh: Washington Post.
Cựu tỷ phú Vijay Mallya là ông trùm ngành rượu nổi tiếng với những bữa tiệc hào nhoáng và lối sống xa hoa. Ông cũng sở hữu Hãng hàng không Kingfisher Airlines. Từ năm 2012, nhiều nguồn tin tiết lộ Mallya vay các ngân hàng số tiền khổng lồ trong nỗ lực duy trì hoạt động ngành hàng không. Và khi ông vỡ nợ, các ngân hàng Ấn Độ đã đến tìm ông. Mallya sử dụng hộ chiếu ngoại giao ông có được khi còn là thành viên của Quốc hội Ấn Độ để trốn sang Vương quốc Anh. Vị cựu tỷ phú vẫn chưa trở lại Ấn Độ dù chính phủ và các ngân hàng nước này đang cố dẫn độ ông về để đưa ra tòa án xử lý. Theo Business Standard, doanh nhân này bị cáo buộc "lừa đảo ngân hàng và rửa tiền với số tiền khoảng 90 tỷ rupee (gần 1,3 tỷ USD)". Giá trị tài sản của Mallya đã bị giảm đáng kể. Ảnh: Reuters.
Sean Quinn gặt hái rất nhiều thành công thông qua các khoản đầu tư vào các ngành công nghiệp nhựa, thủy tinh, và khách sạn. Ông cũng nắm giữ 25% cổ phần tại Ngân hàng Anglo Irish. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính phủ Ireland tiếp quản ngân hàng này, và dẫn đến một loạt rắc rối pháp lý giữa gia đình Quinn và ngân hàng. Từng được xem là người giàu nhất Ireland, Quinn đã mất hầu hết tài sản 2,8 tỷ USD của mình. Tập đoàn Irish Bank Resolution, đơn vị tiếp quản Anglo Irish, cho biết Quinn nợ ngân hàng hơn 2 tỷ euro (hơn 2,2 tỷ USD). Ông còn bị buộc tội che giấu tài sản để tránh việc trả nợ. Tháng 11/2011, Financial Times đưa tin Quinn tuyên bố tài sản mình chỉ còn dưới 50.000 bảng (khoảng 62.000 USD) và đã nộp đơn xin phá sản. Ảnh: Getty.
Jocelyn Wildenstein từng sở hữu hàng tỷ USD, nhưng Money cho biết hiện bà không còn nhiều tiền. Tháng 5/2018, Wildenstein nộp đơn xin bảo hộ phá sản. New York Post cho biết trong lá đơn, bà kê khai thu nhập của mình là 0 USD và sinh sống nhờ vào khoản hỗ trợ 900 USD/tháng từ gia đình, bạn bè. Jocelyn Wildenstein cho biết phần lớn rắc rối tài chính của mình đến từ những sai lầm trong quá trình giải quyết ly hôn. Nhận được tới 2,5 tỷ USD từ vụ ly hôn tỷ phú Alec Wildenstein, bà vung tay quá trán và tiêu sạch số tiền này. Bà chi tới 1 triệu USD/tháng mua xa xỉ phẩm, hóa đơn điện thoại cũng lên đến 5.000 USD/tháng. Bà vẫn khăng khăng cho rằng mình nhận được quá ít từ vụ ly hôn. Ảnh: Getty.
Bernie Madoff được xem trùm lừa đảo đa cấp của nước Mỹ trước khi bị tố giác vào tháng 12/2008. Ước tính Madoff và vợ từng sở hữu khối tài sản gần 1 tỷ USD. Ông ta đã vỡ nợ và phải ngồi tù. Bernie Madoff thành lập công ty tài chính ở Phố Wall vào năm 1960 và từng nắm chức chủ tịch Sàn chứng khoán Nasdaq. Ước tính Madoff đã lừa các nhà đầu tư tổng cộng 65 tỷ USD. Sau khi bị đưa ra xét xử, Madoff lĩnh án 150 năm tù. Ảnh: Bloomberg.
Elizabeth Holmes từng được ngợi ca là ngôi sao đang lên tại Thung lũng Silicon. Theranos - công ty khởi nghiệp về lĩnh vực thử máu của Holmes - thu hút sự chú ý vào đầu thập niên 2000 và có lúc đạt giá trị thị trường tới 9 tỷ USD. Năm 2016, Trung tâm Dịch vụ Chăm sóc sức khỏe và Trợ cấp y tế Mỹ (CMS) kết luận xét nghiệm của Theranos có thể làm tổn thương các bệnh nhân. Sau nhiều vụ kiện tụng và cáo buộc, Theranos bị đóng cửa vào tháng 9/2018. Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội Holmes và đối tác Sunny Balwani lừa đảo. Phiên tòa dự kiến diễn ra vào tháng 8/2020. Từng sở hữu 5 tỷ USD, nay tổng giá trị ròng của Elizabeth Holmes theo ước tính của Forbes chỉ còn 0 USD. Ảnh: AP.
Bjorgolfur Gudmundsson, một nhà tài phiệt người Iceland, gây dựng cơ đồ của mình trong ngành công nghiệp bia. Ông cũng từng sở hữu CLB bóng đá Westham. Tuy nhiên vào năm 2009, người đàn ông từng giàu thứ 2 Iceland nộp đơn xin phá sản. Hồ sơ bảo hộ phá sản của ông bao gồm khoản nợ khổng lồ 759 triệu USD. Vào thời điểm đó, đây là vụ phá sản lớn nhất Iceland. Nguyên do chủ yếu đến từ việc nền kinh tế Iceland lao dốc. Gudmundsson cùng con trai đều là những cổ đông lớn của Landsbanski, một ngân hàng Iceland sụp đổ vào tháng 10/2008. Khi Gudmundsson tuyên bố phá sản, Forbes sửa giá trị tài sản của ông từ 1,2 tỷ USD thành 0 USD. Tuy vậy, nhiều năm qua ông đã cố gắng để lấy lại phần lớn tài sản của mình, điều mà Forbes mô tả như "sự trở lại điên rồ". Ảnh: Getty.
Eike Batista từng mơ ước trở thành người giàu nhất hành tinh. Nhưng những khát vọng đó nhanh chóng sụp đổ vào năm 2013 khi Tập đoàn dầu lửa OGX của ông phá sản. Theo BBC, vị tỷ phú tự thân này nổi tiếng với lối sống xa hoa và từng là nguồn cảm hứng cho giới trẻ Brazil. Năm 2012, Batista sở hữu khối tài sản 30 tỷ USD và trở thành người giàu nhất Brazil, giàu thứ 7 thế giới. Nhưng khi nền kinh tế Brazil rơi vào suy thoái và OGX không đáp ứng được nhu cầu thị trường, Eike Batista buộc phải nộp đơn xin phá sản vào năm 2013. Khi điều tra, nhà chức trách buộc tội Batista rửa tiền và tham nhũng vào tháng 1/2017. Tháng 7/2018, Batista bị kết án 30 năm tù vì đã hối lộ cựu thống đốc bang Rio de Janeiro (Brazil). Ảnh: Reuters.
Allen Stanford là tay cầm đầu mô hình lừa đảo Ponzi lớn thứ 2 lịch sử nước Mỹ, chỉ sau Madoff. Stanford lừa hơn 18.000 khách hàng, nhiều người trong số đó đã về hưu và được Stanford hứa sẽ "đầu tư an toàn". Tháng 2/2009, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ buộc tội ông trùm và các cộng sự tổ chức một vụ "lừa đảo khổng lồ". Điều tra cho thấy Stanford lừa đảo các nhà đầu tư để phục vụ đời sống xa xỉ cá nhân. Vào đỉnh điểm, mô hình Ponzi này gây thiệt hại 7 tỷ USD cho các nhà đầu tư. Năm 2012, Stanford bị kết án 110 năm tù cho 13 trọng tội và đang thụ án tại một nhà tù ở bang Florida (Mỹ). Forbes ước tính tài sản của Stanford ở mức 0 USD. Ảnh: Getty.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không còn lạ lẫm gì với việc phá sản. Bản thân Trump chưa bao giờ tuyên bố phá sản với tài sản cá nhân, nhưng ông đã tuyên bố phá sản nhiều doanh nghiệp của mình. Sòng bạc Taj Mahal của Trump ở thành phố Atlantic phá sản vào năm 1991. Hai sòng bạc khác và khách sạn Plaza của tổng thống Mỹ ở thành phố New York cũng đã chịu số phận tương tự. PolitiFact phát hiện 2 vụ phá sản ít người biết đến của ông Trump là Trump Hotels & Casinos Resorts vào năm 2004 với 1,8 tỷ USD tiền nợ và Trump Entertainment Resorts vào năm 2009. Tổng thống Donald Trump dường như không lấy làm phiền bởi hồ sơ phá sản của mình. Ông cho rằng mình đã sử dụng đúng luật pháp Mỹ để phục vụ tốt nhất cho công ty, bản thân và gia đình. Ảnh: AP.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-ty-phu-usd-nay-da-pha-san-nhu-the-nao-post969943.html